Một phụ nữ được đưa đi cấp cứu sau triệt sản - Ảnh: Reuters |
Báo Indian Express cho biết tình trạng triệt sản bê bối đã diễn ra khá lâu ở Ấn Độ nhưng vụ việc hôm 8-11 ở bệnh viện tư Nemi Chand thuộc vùng Pendari đã gây rúng động dư luận và buộc Chính phủ Ấn Độ phải xem xét lại chương trình này. Thủ tướng Narendra Modi đã cam kết sẽ cải cách hệ thống y tế của nước này.
Phó giám đốc điều hành Quỹ dân số của Liên Hiệp Quốc, bà Kate Gilmore nhận định: “Nếu sự thật được xác nhận thì đó là bi kịch nhân loại. Nơi nào đang đi chệch hướng với những tiêu chuẩn y tế thì tất yếu sẽ xảy ra hậu quả không lường được”.
Hỗ trợ chưa tới 10 USD
Nhân viên y tế trấn an sẽ không có chuyện gì xảy ra vì đó chỉ là tiểu phẫu. Họ dồn những phụ nữ lại như một đàn gia súc |
MAHESH SURYAVANSHI (chồng của một nạn nhân, trả lời trên báo Indian Express) |
Soni Jangde, 23 tuổi, thấy khỏe và trở về nhà sau khi tham gia chương trình triệt sản dành cho người nghèo ở Ấn Độ. Cô nhận 600 rupee tiền hỗ trợ hậu phẫu (khoảng 9,67 USD) với niềm tin đã làm được một việc có ích cho gia đình nhỏ của mình.
Vài giờ sau người phụ nữ trẻ này thấy đau đầu, sau đó là đau bụng và ói mửa. Lúc đó, bà mẹ của ba con nhỏ nghĩ rằng đó là phản ứng phụ rất bình thường sau phẫu thuật.
Chỉ đến khi giới chức y tế bang Chhattisgarh đến làng, đưa cô và một số phụ nữ khác đi cấp cứu thì cô mới nhận ra tính mạng của mình đang lâm nguy.
Theo Reuters, tại trại phẫu thuật triệt sản ở Bệnh viện Nemi Chand trong ngày 8-11 có 82 phụ nữ khác được triệt sản cùng một đợt với Jangde.
“Chúng tôi rất sợ, với chương trình triệt sản này thì chính phủ đang đùa giỡn với mạng sống của hàng triệu phụ nữ nghèo như chúng tôi” - Jangde thều thào từ giường bệnh, bên cạnh cô là đứa con vừa tròn 6 tháng tuổi.
Nguyên nhân gây tử vong cho số phụ nữ trên chưa được làm rõ nhưng giới chức Ấn Độ cho biết các nạn nhân bị “sốc độc tố” và mất máu, có khả năng do thiết bị phẫu thuật lạc hậu, nhiễm bẩn hoặc thuốc men sử dụng trong quá trình phẫu thuật bị nhiễm khuẩn.
Ông Raman Singh, thủ hiến bang Chhattisgarh, cho rằng bác sĩ R.K. Gupta và ba bác sĩ phẫu thuật chính cho số phụ nữ trên phải chịu trách nhiệm liên quan đến vụ bê bối này.
Họ đã bị đình chỉ công tác và đang đối mặt điều tra hình sự. Riêng bác sĩ Gupta đã bị bắt giữ do liên quan chính đến vụ bê bối trên.
Triệt sản kiểu ép buộc
Báo Guardian dẫn lời chồng của một nạn nhân cho biết các nhân viên y tế của bang Chhattisgarh đến tận nhà để ép phụ nữ đi triệt sản.
Họ không hề được kiểm tra tình trạng sức khỏe trước khi phẫu thuật. Đa số họ xuất thân từ những cộng đồng nghèo khó ở nông thôn và đều có tình trạng sức khỏe yếu ớt.
Các trung tâm phẫu thuật dã chiến được dựng lên khắp Ấn Độ để thực hiện chương trình kiểm soát dân số của chính phủ.
“Đó là sự cẩu thả nghiêm trọng. Thật không may” - ông Raman Singh phát biểu. Ông cam kết sẽ đẩy mạnh điều tra vụ việc.
Một trong các bác sĩ đang bị điều tra thừa nhận các “trại phẫu thuật dã chiến” được dựng lên để đáp ứng số lượng phụ nữ tham gia triệt sản quá nhiều. Nhưng cũng có thông tin cho rằng các lán trại này được dựng cấp tập vì bác sĩ phải phẫu thuật triệt sản theo “chỉ tiêu” được “bổ” từ cấp trên.
“Mỗi ngày chúng tôi phải đạt chỉ tiêu phẫu thuật được 40 ca, nhưng ngày hôm đó (8-11) thì số ca tăng gấp đôi” - một bác sĩ bị đình chỉ khai nhận. Tuy nhiên, ông Amit Agarwal - người đứng đầu cơ quan y tế bang - đã bác bỏ chuyện “lập chỉ tiêu triệt sản”.
Truyền thông Ấn Độ cho biết trên thực tế lực lượng nhân viên y tế, kể cả bác sĩ, đều có “thù lao” sau mỗi ca triệt sản. Thuốc men trong hệ thống y tế công ở Ấn Độ thường không được chuẩn bị kỹ, thường thì liều lượng không đủ hoặc thuốc quá hạn sử dụng để giảm chi phí.
Thêm vào đó, nạn tham nhũng tràn lan trong lĩnh vực y tế của Ấn Độ cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trên.
Triệt sản để giảm dân số Năm 2007, Chính phủ Ấn Độ tăng cường các chương trình khuyến khích phụ nữ đi triệt sản nhằm kìm hãm tốc độ tăng dân số quá nhanh, tập trung ở bang Chhattisgarh và những bang kém phát triển khác của nước này. Ấn Độ hiện là quốc gia có tỉ lệ phụ nữ triệt sản cao hàng thứ ba trên thế giới, đứng sau Cộng hòa Dominica và Puerto Rico. Chương trình triệt sản này đang đẩy hàng triệu phụ nữ đã lập gia đình vào nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng bởi hơn 1/3 trong số phụ nữ của Ấn Độ phải phẫu thuật triệt sản trong khi chỉ 1% đàn ông chấp nhận thắt ống dẫn tinh, do định kiến xã hội “trọng nam” hiện nay. Theo thống kê của Bộ Y tế Ấn Độ, trong hai năm 2013-2014 có khoảng 4 triệu ca phẫu thuật triệt sản ở nước này. Trong bốn năm (2009-2012) có tổng cộng 568 người chết vì triệt sản. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận