Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp gỡ ngày 10-7 vừa qua - Ảnh: AFP |
Ngay sau cuộc gặp gỡ của các lãnh đạo khối BRICS, hội nghị thượng đỉnh Ufa được tổ chức tại Nga giữa các lãnh đạo SCO nhằm thiết lập một nhóm an ninh gồm các quốc gia trải dài từ vùng Đông Âu cho đến Đông Nam Á.
Theo đó, Ấn Độ và Pakistan trở thành hai quốc gia thành viên mới nhất. Lãnh đạo tổ chức cũng cho biết họ sẽ ủng hộ Iran gia nhập một khi nước này đạt được thỏa thuận hạt nhân trong năm tới.
Azerbaijan, Armenia, Campuchia và Nepal sẽ trở thành đối tác đối thoại của nhóm. Các nước này sẽ tập trung vào việc chống lại các mối đe dọa an ninh chung và hướng đến các hoạt động hợp tác trong thương mại, giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định sự mở rộng của SCO lần này sẽ đóng vai trò như một bàn đạp để nhóm trở thành một trong những tổ chức năng động nhất trên thế giới. “Đã đến lúc vượt ra khỏi khu vực. Chúng tôi đang có mọi thứ để có thể thành công”.
SCO là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải bao gồm các nước thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Tổ chức này được xem là nền tảng chính để Nga và Trung Quốc nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif khẳng định: "Những nỗ lực của Tổng thống Putin sẽ củng cố nền chính trị và kinh tế ở vành đai Á - Âu này".
Ông Michael Fugleman - thành viên cấp cao của chương trình liên kết Nam và Đông Nam Á ở Washington - cho biết: “Ấn Độ là quốc gia đặc biệt quan tâm đến sự hợp tác này bởi vì họ tiếp cận với khu vực Trung Á không nhiều. Việc trở thành thành viên của SCO sẽ giúp họ có chỗ đứng tốt hơn trong khu vực”.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng trong SCO, Ấn Độ và Pakistan sẽ không có được nhiều ưu thế vì Trung Quốc và Nga đi đầu tổ chức này.
Bước tiến này đạt được ngay khi điện Kremlin đang nỗ lực thúc đẩy một trật tự an ninh quốc tế mới mà SCO sẽ đóng một vai trò quan trọng.
Ngoài ra, SCO cũng được thiết lập để trở thành nền tảng cho Nga và Trung Quốc tiến hành đàm phán về các dự án hội nhập kinh tế khu vực giữa hai nước. Các quốc gia thành viên cũng được trông mong là sẽ thống nhất một lập trường chung về cách thức thực hiện vành đai kinh tế trong sáng kiến Con đường tơ lụa của Trung Quốc nhằm liên kết khu vực trung tâm châu Á với châu Âu.
Sự mở rộng này đánh dấu một thành tựu lớn trong ngoại giao của Nga, đặc biệt là đối với Putin, người từng khẳng định rằng Mỹ và phương Tây đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi đưa ra quyết định cô lập và trừng phạt kinh tế Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận