Nhật Bản đang đối mặt với việc tuổi trung bình của người phạm tội tăng - Ảnh: AFP
Khoảng 70% số tội phạm bị bắt năm 2017 từng ở tù và hầu hết những người cao tuổi cố tình phạm tội để lại được hưởng sự chăm sóc của... trại giam!
Con số hơn 20% số người bị bắt trên 65 tuổi là cao hơn rất nhiều so với mức 6% của năm 2005 và bỏ xa "bình thường" chưa đến 1% tại Mỹ, báo Financial Times dẫn các nguồn thống kê nhà nước.
Ở Nhật Bản, luật pháp rất nghiêm minh, và chính quyền không nhẹ tay với mọi hành động trộm cắp, chiếm đoạt tài sản, dù là cuộn giấy vệ sinh 30 yen hay một quả nho.
Ngày 20-11 vừa rồi, một người đàn ông 64 tuổi ở tỉnh Shimane đã bị bắt, phải nộp phạt rất nặng vì đánh cắp một cuộn giấy vệ sinh.
"Tội ác" xảy ra từ tháng 9 tại Bệnh viện quận Okinoshima, Shimane. Là một hòn đảo phía tây Nhật Bản, Okinoshima có dân số khoảng 15.000 người.
Theo báo cáo của cảnh sát, cụ ông lấy trộm cuộn giấy vệ sinh từ khu nhà vệ sinh nam tại bệnh viện, phải nộp phạt 200.000 yen (40,8 triệu đồng VN), dù ngoài siêu thị, loại giấy vệ sinh đó được bán với giá 30 yen/cuộn (hơn 6.000 đồng).
Động cơ vẫn chưa được tiết lộ, nhưng mức phạt nặng nề cho món đồ có giá trị nhỏ là bởi thực tế đây không phải lần đầu người này tới đây "chôm chỉa".
Câu chuyện đang được bàn tán xôn xao ở Nhật. "Với số tiền đó, ông cụ có thể mua 6.000 cuộn giấy vệ sinh", một người cho rằng bản án quá nặng.
"Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người nghĩ rằng có thể tự do lấy trộm giấy vệ sinh từ WC công cộng", một người khác muốn luật pháp nghiêm minh viết.
Nhưng cũng có những góc nhìn khác từ các tít báo: "Tình trạng nghèo đói của người cao tuổi ngày càng trầm trọng", hay "Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng vụ này thể hiện sự bất ổn kinh tế hiện tại".
Già hóa dân số, đi cùng đó là tình trạng người già nghèo khổ, neo đơn, bị gạt ra bên lề xã hội, từ lâu đã là vấn đề lớn với Nhật Bản, một trong những nước giàu và có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới.
Tình hình đã cực đoan tới mức nhiều người cao tuổi không có người thân chăm sóc đành phải phạm những tội vặt để "được" vào tù, nơi ít ra họ còn nhận được sự quan tâm của trại giam. Sự cô đơn và gia cảnh khiến nhiều người già muốn vào tù hơn là phải chi tiền cho các trại dưỡng lão.
Hầu hết những vụ phạm tội của người già Nhật Bản là ăn trộm, một tội không quá lớn nhưng đủ để bị - được ngồi tù.
Mới đây, Đài truyền hình NHK đã làm một phóng sự dài kỳ về tình trạng khó khăn của người cao tuổi Nhật Bản. Theo đó, số vụ người già gây rối trật tự ở Nhật Bản tăng mạnh trong những năm qua, khi xung đột về hệ tư tưởng cũng như sự cô đơn dồn nén tâm lý họ.
Số liệu mới nhất cho thấy 28% số tai nạn giao thông ở Nhật liên quan đến người già, tăng 10% so với 10 năm trước.
Nhà tù Nhật hiện có khoảng 12% số tù nhân là người già. Để so sánh, mức này ở Mỹ là vào khoảng 3%. Chính quyền Tokyo hiện đang đau đầu với việc thuyết phục những tội nhân cao tuổi rời nhà giam bởi chi phí chăm lo cho họ quá tốn kém.
Đầu năm 2017, Nhật Bản đã phải thông qua chương trình hỗ trợ chăm sóc y tế cho người cao tuổi với 42/84 trại giam trên toàn quốc.
Câu chuyện càng trớ trêu khi Nhật Bản là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới. Năm 2016, nước này ghi nhận 996.000 vụ phạm tội, thấp hơn rất nhiều so với 3,7 triệu vụ tại Pháp, dù tổng dân số Nhật Bản cao gần gấp đôi (127 so với 67 triệu người).
Trong các nền kinh tế phát triển có số liệu thống kê, Nhật Bản là quốc gia có tỉ lệ tù nhân cao tuổi lớn nhất thế giới.
Với mục đích giảm tỉ lệ tái phạm, chính quyền Tokyo hiện muốn giảm hơn 30% số tù nhân vô gia cư trở về khi mãn hạn tù vào năm 2020, thời điểm nước này tổ chức Thế vận hội Olympic.
Tuy nhiên, mục tiêu này có vẻ khó đạt được khi mà vấn nạn căn cơ bên ngoài nhà tù - người già neo đơn - còn chưa được giải quyết.
Rốt cuộc, câu chuyện tiếu lâm "ăn cơm chính phủ, ngủ có người canh" về đời sống sung sướng trong nhà tù không xa sự thật lắm với một số người già ở Nhật Bản!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận