Năm 2018, nghệ sĩ da màu phi giới tính Janelle Monáe trở lại ấn tượng và mạnh mẽ với Dirty computer - Ảnh: The Edge
Năm 2018, sân khấu âm nhạc thế giới bắt đầu bằng một màn "ouverture" (mở đầu) không thể gây nhiều ì xèo hơn tại Grammy 2018.
Bruno Mars với thứ âm nhạc hấp dẫn và sạch sẽ vượt qua những ông hoàng nhạc rap gai góc và sâu cay như Kendrick Lamar và Jay-Z để ẵm các giải thưởng quan trọng.
Sự vùng dậy mạnh mẽ của Kesha cùng thông điệp chống lạm dụng tình dục bị bỏ lơ để nhường hào quang cho Ed Sheeran - một ngôi sao nam da trắng chuyên viết về chuyện yêu đương.
Trong khi đó, ban tổ chức không thể dành nổi 10 phút cho Lorde - người phụ nữ duy nhất được đề cử album xuất sắc - để cô bước lên biểu diễn.
Bruno Mars trình diễn Fitness cùng Cardi B.
Sự xuống dốc của pop truyền thống
Những mâu thuẫn không được hòa giải giữa Grammy và dòng chảy âm nhạc đương thời đã sôi sùng sục và từ đó nổ ra những cuộc phản kháng mạnh mẽ từ trong lòng thế giới âm nhạc.
Sự thành công vượt trội của Astroworld (Travis Scott), Scorpion (Drake), Beerbongs & Bentleys (Post Malone) cùng một chuỗi dài sản phẩm hiphop khác thậm chí đã biến đổi ranh giới của pop đến mức, ngày nay, bạn không thể định nghĩa pop như một thể loại đặc thù, mà là thứ âm nhạc thịnh hành nói chung.
Lady Gaga, Bradley Cooper - Shallow (A Star Is Born)
Song, sự xuống dốc của pop truyền thống không chỉ hàm ý về những con số vô hồn trên bảng xếp hạng. Nó còn đại diện cho một cuộc "cách mạng" về tinh thần tự do.
Ngay cả nữ hoàng pop một thời như Lady Gaga cũng quyết định trả lại "vương miện", cởi bỏ những xiềng xích hóa trang bóng bẩy để trở về với bộ mặt nghệ thuật thuần túy của những sing-songwriter (ca-nhạc sĩ) trong tác phẩm A star is born.
Hình ảnh Gaga với mái tóc lòe loẹt, trình diễn vũ đạo bốc lửa và hát "Đây không phải, không phải là tôi" là sự đả kích cực điểm đối với dây chuyền sản xuất nhạc pop trên thế giới.
Lady Gaga trong A star is born
Phong trào bình quyền ghi điểm
Khi "đầu tàu" Viện hàn lâm Thu âm tỏ ra ì ạch với những thay đổi và nhu cầu của xã hội, những toa tàu khác liền tách ra và tự mò mẫm trên con đường của mình.
Các phong trào xã hội dần thâm nhập vào đời sống âm nhạc khắp nơi, âm nhạc cất lên tiếng nói của những người phụ nữ yếu thế, cộng đồng da màu dễ bị tổn thương và cả cộng đồng LGBT muốn bước ra ánh sáng.
Tháng 5, Spotify xóa toàn bộ các ca khúc của R.Kelly và XXXTentacion khỏi các playlist của mình, như một tuyên ngôn chống lại sự thống trị méo mó của nam giới trong âm nhạc suốt nhiều thập niên qua.
Hai tháng sau đó, Charlie Walker - cựu chủ tịch của hãng ghi âm Universal Music Group - rời khỏi tập đoàn vì bị cáo buộc quấy rối tình dục.
Ngành âm nhạc dù vậy khó có thể đi tới cùng với phong trào #MeToo. Đại diện của XXXTentacion chất vấn liệu Spotify có sẵn sàng xóa cả các ca khúc của Gene Simmons, Ozzy Osbourne, Dr. Dre, Michael Jackson - những ngôi sao mà theo New York Times, cũng từng vấp phải những cáo buộc về tình dục.
Và thực tế, nếu tẩy chay tất cả các ngôi sao từng dính phải những bê bối kiểu này thì Spotify chỉ có nước xóa đi 40% kho bài hát của mình!
Tuy nhiên, nếu như phong trào phụ nữ dù rình rang song còn gặp nhiều hạn chế trong ngành công nghiệp ghi âm thì phong trào LGBT và bình quyền lại ghi điểm tuyệt đối.
Rapper - Kendrick Lamar
Lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm của mình, giải thưởng cao quý Pulitzer âm nhạc trao cho một ngôi sao đại chúng chứ không phải một tên tuổi trong dòng cổ điển hàn lâm, và thậm chí ngôi sao đại chúng ấy lại là một rapper - Kendrick Lamar, với album DAMN.
Trong khi đó, cộng đồng LGBT đến với khán giả đơn thuần bằng âm nhạc. Từ Troye Sivan với Bloom chất ngất vẻ đẹp phi giới tính, đến Janelle Monáe với Dirty computer viễn tưởng và trí tuệ như những tác phẩm điện ảnh của Stanley Kubrick, hay sự tái hiện cuộc đời huyền thoại của Freddie Mercury trong bộ phim Bohemian Rhapsody thắng lớn tại phòng vé.
Chẳng cần viện đến những phong trào xã hội ồn ào, bản thân âm nhạc có đủ sức mạnh để đấu tranh cho những điều đúng đắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận