06/01/2016 10:02 GMT+7

Âm nhạc đường phố “bước vào” cải lương

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Lúc 20g từ ngày 7 đến 9-1, tại rạp Hồng Hà (Hà Nội) vở cải lương Hừng đông sẽ được Đoàn 1 Nhà hát Cải lương Việt Nam công diễn.

Một buổi tập vở cải lương Hừng đông - Ảnh: Lê Chiến
Một buổi tập vở cải lương Hừng đông - Ảnh: Lê Chiến

Bằng cách này hoặc cách khác, chúng tôi rất muốn “lôi kéo” những người trẻ vào với nghệ thuật truyền thống

NSƯT TRIỆU TRUNG KIÊN

Theo đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên, Hừng đông không chỉ là vở diễn đầu tiên của sân khấu khắc họa hình tượng nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu mà còn là một thử nghiệm đầy táo bạo của anh khi để cải lương “giao duyên” với âm nhạc đường phố.

Từ hơn 100 trang kịch bản văn học của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, vở diễn được rút gọn trong hơn hai giờ khi xoáy sâu vào cuộc đời hoạt động cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Phan Đăng Lưu trong những năm 1923-1940.

Từ chàng thanh niên làm việc ở trại tơ tằm Thanh Ba, Phú Thọ, Phan Đăng Lưu đã trở về quê nhà (Nghệ An) và trở thành nhà hoạt động cách mạng ưu tú. Tầm vóc của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, mưu lược và nhân văn đã được bộc lộ qua nhiều không gian hoạt động từ Huế đến Buôn Ma Thuột, rồi Xứ ủy Nam kỳ... cùng các cuộc gặp gỡ với nhiều nhà cách mạng, trí thức nổi tiếng lúc bấy giờ như Phan Bội Châu, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Đào Duy Anh...

Để kể câu chuyện về nhà cách mạng tiền bối, cùng với chất liệu cải lương, đạo diễn đã chọn cách kể mới lạ: kết hợp với âm nhạc đường phố. Đấy là cách để ban nhạc HUB tham gia một... vai diễn gồm 12 thành viên đều là 9X.

Những bạn trẻ này không chỉ cùng nghe kể chuyện cách mạng mà có lúc còn đồng thời “ùa” vào lịch sử để khi thì bày tỏ cảm xúc, dẫn dắt câu chuyện bằng âm nhạc, khi thì... can dự trực tiếp vào tình huống kịch.

Chuẩn bị cho “vai diễn” đặc biệt này, theo Lê Chiến - một thành viên của ban nhạc, cả tháng qua nhóm đã tích cực phối nhạc dân gian theo phong cách đương đại cho một số làn điệu dân ca Bắc bộ, bản phối dựa trên nhã nhạc cung đình Huế cũng như có những bản sáng tác mới với rock, jazz.

Khi đó, trên sân khấu không chỉ là những bục bệ ước lệ truyền thống hay màn hình led chuyển cảnh mà còn có cả những gương mặt trẻ chơi guitar bass, guitar điện, harmonica, bộ gõ, đàn organ...

“Ban đầu, cả nhóm cũng... ngập ngừng vì ngại mình không thể hòa vào không gian sân khấu truyền thống. Thế nhưng, mỗi ngày được tập luyện cùng các nghệ sĩ, nghe các nghệ sĩ đổ những câu vọng cổ mà ngày trước vốn còn xa lạ lại ngạc nhiên với chính mình vì thấy yêu hơn nghệ thuật cải lương, được hiểu thêm về một nhân vật lịch sử cũng như một giai đoạn lịch sử nước nhà” - Lê Chiến nói.

Còn với “chủ trò” Triệu Trung Kiên, anh cho biết đã “mạo hiểm” khi quyết tâm đưa cả nhạc đường phố vào sân khấu cải lương.

“Cũng chưa biết mấy đêm công diễn tới đây khán giả đón nhận thế nào, còn với riêng mình, tôi thấy sự đan xen này khá nhịp nhàng và ít nhiều đủ sức kể một câu chuyện cách mạng tưởng là khô, khó, ít chất trữ tình lãng mạn để thành khá mới lạ và cảm động.

Cùng với đó, có thể bằng cách này hoặc cách khác, chúng tôi rất muốn “lôi kéo” những người trẻ vào với nghệ thuật truyền thống. Có thể bắt đầu từ một nhóm rồi sẽ nhân lên...” - NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ và hi vọng.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên