Phóng to |
Bữa cơm từ thiện đầu tiên của anh Trần Hồ Kiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh - Ảnh: Văn Định |
Đưa người thân đến bệnh viện khám chữa bệnh, tôi lấy làm ngạc nhiên thấy một chiếc hòm kính đề quyên góp cho Quỹ vì bữa ăn cho bệnh nhân nghèo đặt trên chiếc bàn gỗ ở cửa đón tiếp bệnh nhân. Bên trong hòm, phần lớn là những tờ tiền với mệnh giá 2.000-5.000 đồng...
Trong lúc chờ làm thủ tục nhập viện cho người thân, tôi thấy những nghĩa cử đầy thơm thảo xuất hiện. Được bố mẹ đưa đi khám, cô bé có khuôn mặt trái xoan mới hơn 7 tuổi nhìn thấy hàng chữ dán bên chiếc hòm, liền buông tay mẹ ra chạy lon ton tới rồi cố nhón chân bỏ vào tờ tiền 5.000 đồng được gấp nhàu lại. Tiếp đến là một bác thương binh tuổi ngoài 60, đi từ cổng bệnh viện vào còn đau ở khớp chân, nhưng nhìn thấy chiếc hòm quyên góp cũng lấy trong túi áo ra tờ tiền mệnh giá 10.000 đồng bỏ vào...
Nụ cười người bệnh
10g30, cô y tá bước vào phòng bệnh ở khoa tâm thần và gọi: “Ai là bệnh nhân Trần Hồ Kiệm đến nhận phiếu ăn cơm trưa”. Cầm trên tay tờ phiếu màu xanh, hai tay anh hơi run, miệng thều thào hỏi những bệnh nhân xung quanh: “Có thật không, 10 năm đi điều trị ở bệnh viện này tôi mới được ăn cơm từ thiện, đỡ nhiều lắm. Ai cho tui nhờ điện thoại gọi báo cho con đừng mua cơm ở ngoài nữa mà lãng phí...”.
Mới 48 tuổi, bệnh tật hành hạ hơn 10 năm nay khiến anh Kiệm gầy rộc đi. Nhìn khuôn mặt hom hem của anh, tôi đoán anh ngoài 60 tuổi. Đúng 11g, anh cầm tờ phiếu màu xanh bước đi chậm rãi xuống căngtin bệnh viện. Thấy anh có tờ phiếu màu xanh, một nhân viên ở căngtin liền đến mời anh vào chọn thức ăn. Sau khi anh chọn món ăn, nhân viên căngtin liền mời anh ngồi vào bàn và nói sẽ có người bưng khay cơm đến. Bữa cơm đầu tiên ở bệnh viện anh Kiệm ăn rất ngon, luôn nở nụ cười như một niềm tin chiến thắng bệnh tật...
Hầu như khi đến bệnh viện, bệnh nhân nghèo nào cũng phải lo lắng khi nằm điều trị lâu ngày, sợ tốn kém tiền cơm nước. Nhưng khi nhận tờ phiếu màu xanh đi nhận cơm, nhận cháo miễn phí, khuôn mặt ai nấy đều tươi tỉnh hẳn lên, quên đi nỗi lo nhỏ nhặt đó.
Một tuần, ông Nguyễn Chung, 51 tuổi, ở P.Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) đến bệnh viện tỉnh chạy thận ba lần. Nhờ có bảo hiểm hộ nghèo nên dịch vụ chạy thận nhân tạo ông không phải mất tiền, nhưng tiền thuốc men phát sinh thêm làm ông lo lắng. “Tháng nào cũng mất cả triệu tiền thuốc chữa bệnh. Nên trước đây nói đến ăn bữa trưa ở bệnh viện tôi chỉ lót dạ cái bánh mì hay gói mì lõng bõng nước. Bữa ni có được hai bữa cơm miễn phí ở bệnh viện tôi yên tâm hơn cho việc điều trị bệnh” - ông Chung cười nói.
“Mong người bệnh có bữa no”
Ông Nguyễn Viết Đồng, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, cho biết Quỹ vì bữa ăn cho bệnh nhân nghèo của bệnh viện hoạt động hơn một năm nay là do nhiều người hảo tâm đóng góp. Để có bữa cơm cho bệnh nhân nghèo xuất phát từ thực tế người nghèo đến bệnh viện khám, chữa bệnh phải gánh nặng các khoản phí dịch vụ khám chữa bệnh, tiền thuốc... do vậy không lo được bữa cơm hằng ngày đủ chất dinh dưỡng. “Thành lập Quỹ vì bữa ăn cho bệnh nhân nghèo, chúng tôi mong những người nghèo có được bữa cơm no với đầy đủ dinh dưỡng để yên tâm điều trị bệnh tật” - ông Đồng tâm sự.
Ông Đồng còn cho biết thêm: ngày thành lập quỹ rất khó khăn vì không có kinh phí. Để triển khai được quỹ, bệnh viện phải kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức trong cơ quan cùng nhau đóng góp gây quỹ hoạt động. Khi quỹ có tầm ảnh hưởng và ý nghĩa rất lớn đối với bệnh nhân nghèo, bệnh viện đã phát động, kêu gọi những mạnh thường quân, các tổ chức hảo tâm trong cũng như ngoài tỉnh cùng nhau chung tay góp sức xây dựng quỹ, mong bệnh nhân nghèo luôn có bữa cơm ấm lòng trong những ngày chữa bệnh...
“Quỹ vì bữa ăn cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh là một hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực đối với bệnh nhân nghèo trên toàn tỉnh. Hi vọng cách làm này sẽ được nhân rộng ra ở các bệnh viện. Ngoài ra cũng mong các tổ chức, cá nhân biết được các hoạt động vì bệnh nhân nghèo như Quỹ vì bữa ăn cho bệnh nhân nghèo thì cùng hưởng ứng, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật” - bà Phan Thị Ninh, giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, cho hay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận