01/10/2013 07:35 GMT+7

Ấm áp ngày thầy đi

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Hai ngày tang lễ thầy Hoàng Như Mai là hai ngày nhà tang lễ ấm áp bởi những cuộc gặp gỡ thầy - trò. “Thầy/Cô/Anh/Chị học thầy năm nào?”. Những câu hỏi thay cho lời chào, ký ức về thầy lập tức kết nối mọi người.

pEv2JfJ6.jpgPhóng to
Ông Bùi Ngọc Sách (86 tuổi), học trò cũ Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, đến viếng GS Hoàng Như Mai chiều 30-9 - Ảnh: Như Hùng

Hàng chục thế hệ học trò, có người tuổi đã trên 80 theo học với thầy từ những ngày ở Trường Sư phạm Việt Bắc, ĐH Tổng hợp Hà Nội, lại cũng có người mới chỉ ngoài 20, nghe tiếng thầy mà tới nhà thăm, được nghe thầy giảng vài bài học bất chợt. Ai cũng nhắc giọng thầy Mai trầm ấm sang sảng bình thơ, vẽ ra trước mắt học trò bao cái hay, nét đẹp của cuộc đời, mặc cho bên ngoài là gió lạnh, nắng hun hay bao nhiêu vất vả, trái ngang cuộc đời.

Lời hay ngân vọng

Nhựa kia vẫn chảy

Thầy sống đã gần trọn tuổi trời, đã tận tâm tận sức với học trò, với giáo dục, học thuật, nghệ thuật hết cả một đời, nhưng hôm nay thầy ra đi, nhiều người vẫn thảng thốt. Dù thầy đã từng viết: “Ngựa dù nghìn dặm còn khi mỏi/ Đời hết xuân hè phải sang thu/ Muốn mọi ước mơ thành hiện thực/ Thì trăm năm sống vẫn phù du/ Huống chi tuổi đã xưa nay hiếm/ Thế sự coi như chuyện tạc thù” nhưng hôm nay nhiều người vẫn rơi nước mắt. Rơi nước mắt nhưng tin rằng nơi miên viễn thầy sẽ mỉm cười, bình yên, thanh thản vì biết rằng những hạt mầm mà thầy gieo đã và đang mọc thành cây, nở thành hoa, đậu thành quả. Như khi học trò Trần Quê Hương viết: “Thầy về lan cúc tươi cành/ Thầy đi mây trắng hóa thành hư vô”. Như khi nhà báo Vĩnh Thắng gửi đến thầy dòng thơ: “Lá vàng rồi cũng phải rơi/ Nhựa kia vẫn chảy, muôn đời cây xanh”.

Trong sổ tang, một đoạn thơ được viết bằng mực tím, nét chữ nắn nót nghiêng nghiêng mang cả một trời kỷ niệm: “Sáu mươi năm trước học thầy/ Lòng còn ngân vọng lời hay, giọng đằm/ Đoạn say, thầy dấy men thần/ Đoạn đau, thầy nghẹn âm trầm xót thương...”. Phía dưới, thầy giáo Nguyễn Viết Hùng viết: “Xin gửi theo hương hồn thầy lòng biết ơn của hai thế hệ nhà em, cùng được học thầy, cùng theo nghề thầy”.

Ngồi lại thật lâu sau khi thắp nén hương tiễn biệt, cô Trần Thị Cúc chợt nói: “Đời tôi có một niềm tự hào là được thầy Mai cho điểm 10. Đó là bài phân tích vở tuồng Tiền rừng bạc biển, phê phán đạo đức xã hội bị băng hoại bởi kim tiền. Thầy cho 10 điểm và nhận xét: Đọc bài của cô tôi như được thấy bóng mát trong sa mạc”. Rồi cô lại kể tiếp về thầy Mai: “Thầy không thích ai viết bài lặp lại các ý trong sách, cóp nhặt của các nhà phê bình. Thầy thường nói: Tôi không thích phải đọc lại bài của tôi”.

Là một trong lớp sinh viên miền Nam đầu tiên của thầy Mai năm 1975, ông Quảng Thành Long không ngăn được dòng nước mắt trên khuôn mặt sạm đen khắc khổ: “Trong các học trò của thầy, tôi chẳng phải người thành đạt mà là đứa thất bại. Ấy vậy mà thầy thương tôi, nâng đỡ tôi, cứu giúp tôi. Thầy cũng như là cha tôi”. Ông kể những ngày hai vợ chồng long đong đi xin việc và chỉ nhận được những cái lắc đầu vì lý do lý lịch, đường cùng chẳng biết tìm ai, chỉ biết đến nhà thầy. Thầy Mai đã lập tức liên hệ đến trường can thiệp để vợ ông, rồi ông có được một chỗ dạy học. “Ơn thầy biết bao giờ trả được. Mỗi khi gặp trắc trở trong đời, tôi lại nhớ lời thầy dạy: Giữ cái tâm cho sáng và quyết liệt bước tới, đừng sợ vấp ngã vì ta đang ở sát mặt đất”.

Thầy đã đối với học trò như thế, không chỉ một người mà hàng ngàn người đều được thầy coi như con cháu, sẵn sàng cầm tay giúp đỡ, sẵn sàng cho những bài học như thế. Những ngày cuối cùng, thầy vẫn nhắc đến học trò, vẫn nghĩ đến những việc mình có thể làm để giúp trò, như viết một bài giới thiệu, viết lời nói đầu một cuốn sách, vẫn nhắc trò phải sửa những điều mà trước kia thầy chưa giảng được hết ý, hết sự thật. Mỗi người góp một câu chuyện như thế, nên hôm nay ngồi lại với nhau, các học trò mới nhận ra dấu ấn của thầy, sự lan tỏa tinh thần của thầy là sâu rộng đến mức nào. Và nhìn lại, học trò của thầy lại day dứt, lại hối tiếc...

Day dứt...

Giáo sư Huỳnh Như Phương hối hả lục tìm trong kho tư liệu của mình tập bản thảo mà thầy đã sưu tập để làm tập thơ Trao cho nhau cuộc đời của thầy Hoàng Như Mai từ 20 năm trước. “Thầy linh thiêng làm sao, tôi tìm và thấy ngay” - thầy Phương tâm sự, và rồi lại một lần nữa thừ người khi đọc lại những dòng thơ ưu thời mẫn thế của thầy mình. Có rất nhiều bài đã không được đưa vào tập thơ, và từ hai mươi năm nay, thầy đã viết thêm bao nhiêu thơ, bao nhiêu bài nghiên cứu nữa? Tại sao không nghĩ đến chuyện tập hợp lại, công bố thêm sớm hơn? Làm thế nào để tìm được các bản thảo mới nhất của thầy?... Bao nhiêu câu hỏi ray rứt lòng học trò và bao nhiêu việc sẽ phải làm ngổn ngang trước mắt. “Khó, nhưng phải làm” - thầy Phương bảo như vậy.

Không chỉ có mình thầy Huỳnh Như Phương. Cắm nén nhang trước di ảnh thầy Hoàng Như Mai hôm nay, nhiều học trò đã nhờ khói hương gửi đến thầy lời xin lỗi day dứt. Day dứt vì không nghe tin thầy bệnh nặng, vì đã lâu không đến thăm thầy. Day dứt vì chưa làm được việc nên làm để thầy có thêm niềm vui. Day dứt vì đã trót nghĩ thầy vẫn sẽ cứ ở đó, vẫn mở rộng cửa nhà để đón học trò mỗi dịp 20-11. Day dứt vì khoảng trống thầy để lại quá lớn mà nhiều học trò của thầy, dù đã theo nghề thầy, nhưng vẫn chưa thể lấp đầy...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Thầy Hoàng Như Mai kể chuyện Bác HồGiáo sư Hoàng Như Mai - tài năng và đức độVĩnh biệt giáo sư - nhà giáo nhân dân Hoàng Như MaiCây đại thụ của nền giáo dục, văn hóa Việt NamThầy Hoàng Như Mai với những câu chuyện thầy - trò

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên