19/05/2013 08:11 GMT+7

Thầy Hoàng Như Mai kể chuyện Bác Hồ

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Ở tuổi 95, mắt mờ, chân đau, cuộc sống vốn sôi nổi và phong phú của giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai nay bị bó hẹp trong nhà. Vậy mà một ngày giữa tháng 5, thầy giáo Hoàng Như Mai với chất giọng sang sảng lại hiện ra trước mặt tôi khi ông cầm tờ báo, nhắc: “Lại đến kỷ niệm ngày sinh của Bác”...

“Có một bài học Bác Hồ đã dành cho riêng tôi, bài học theo tôi suốt cả đời” - thầy Hoàng Như Mai kể. Ấy là đợt chỉnh huấn cán bộ được tổ chức trong những khu rừng ATK (an toàn khu) Việt Bắc năm 1952, Hoàng Như Mai được xếp vào lớp tập trung rất nhiều trí thức lớn và là một trong những người trẻ nhất. Và câu chuyện của riêng Hoàng Như Mai đến trong một buổi tối lớp của ông tổ chức sơ kết sau môn học.

Những ánh đèn dầu lập lòe như sáng hơn, buổi thảo luận

như sôi nổi hơn khi Bác Hồ và ông Phạm Văn Đồng đến dự. Buổi họp đang lên đến cao trào bỗng có kẻng báo động, tiếng máy bay Pháp rít trên trời đêm. Những chiếc đèn dầu bị thổi tắt phụt, mọi người nhanh chóng tìm hầm trú ẩn. Hoàng Như Mai khi ấy là một thanh niên mới ngoài 30 tuổi, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, nhanh như chớp phóng qua bàn về phía cửa.

Bỗng có một bàn tay giữ anh lại, và một giọng nói: “Chú còn trẻ, chú hãy quay lại đưa các cụ đi, kẻo mắt kém các cụ vấp rễ cây ngã thì khốn đấy”. Đó là giọng của Bác Hồ. “Không thể nào tả hết cảm giác của tôi lúc ấy: sợ tái người và xấu hổ đến dại người. Tôi quay lại cầm tay đưa từng cụ về các hầm đã được đào quanh lán học... Trong lòng tôi lúc ấy chỉ có sự xấu hổ, hối hận vì hành động bột phát, thiếu suy nghĩ của mình và cả sự lo sợ khi người chứng kiến, nhắc nhở mình lại chính là Bác Hồ. Lát sau còi báo yên, mọi người quay lại lán, đèn được thắp lên. Bác Hồ cũng quay lại nhưng Người không nói gì, không nhắc lời nào.

Mọi việc vẫn bình thường cho đến mãi về sau khi tôi đủ can đảm để thừa nhận lỗi của mình... Tôi suy nghĩ về cách quan sát kỹ lưỡng, thấu đáo của Bác, chiêm nghiệm về bài học “mình vì mọi người” mà Bác đã cho tôi một cách đúng lúc, nhẹ nhàng, ý nhị như thế đến tận bây giờ” - giọng thầy Hoàng Như Mai tuổi 95 vẫn như run lên nỗi xúc động của chàng thanh niên tuổi 30 ngày ấy.

Thầy Mai kể tiếp: “Một lần vào ngày 1-9-1955, Bác Hồ mời anh em cán bộ lên liên hoan mừng Quốc khánh. Tôi khi ấy là hiệu trưởng Trường Sư phạm trung cấp trung ương, đạp xe từ Cầu Giấy lên muộn. Tôi yên vị rồi mới nhìn xung quanh thì thấy Bác Hồ đang ngồi giữa vòng người dưới sàn nhà, nói chuyện chiến khu. Liên hoan của Bác thì đơn giản lắm, chỉ nước trà và vài đĩa kẹo, thuốc lá. Mọi người chỉ hút thuốc, uống trà, không ai dám bóc viên kẹo nào, dù ngày ấy thú thật chúng tôi ai cũng thiếu chất đường, chất béo. Cuối buổi, Bác bảo: “Kẹo ăn không hết nhỉ, các chú mang về làm quà cho thím và các cháu”. Được lời như cởi tấm lòng, mọi người khi ấy mới nhón lấy vài viên kẹo của Bác Hồ, món quà mà bao nhiêu đứa trẻ ngày ấy mơ ước”.

“Bác Hồ cứ như “đi guốc trong bụng” chúng tôi, tâm lý đến như vậy, quan tâm đến niềm vui của người khác đến như vậy. Tôi luôn cố gắng nhớ những bài học ứng xử ấy để biết cách hiểu học trò mình, để dạy được tốt hơn. Quan tâm đến niềm vui, lợi ích của người khác không chỉ là việc nhỏ như viên kẹo mà chính là việc lớn, chính là những “mong muốn tột bậc” của Bác mà ai cũng đã biết” - thầy Mai trầm ngâm.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên