02/11/2015 11:51 GMT+7

Ai xác định giọng Hà Nội chuẩn?

KIỀU ANH - ThS VÕ ANH TUẤN
KIỀU ANH - ThS VÕ ANH TUẤN

TTO - "Thật tội nghiệp cho những ai nôn nóng, hãnh tiến về cái gọi là “giọng Hà Nội chuẩn” và ước mơ về một “biểu tượng thống nhất giọng nói Việt".

BTV Việt Phong - MC nam nói giọng miền Nam đầu tiên xuất hiện trên chương trình thời sự của VTV - Ảnh chụp màn hình

Đó là khẳng định của bạn đọc Kiều Anh (Tạp chí Phát Triển Kinh Tế) khi tham gia diễn đàn Phát thanh viên thời sự VTV nên nói giọng Hà Nội, Huế hay Sài Gòn?  trên Tuổi Trẻ Online.

Để có thêm có nhiều góc nhìn khác nhau về giọng nói từng vùng - miền, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Kiều Anh và ThS Võ Anh Tuấn.

"Năm ngoái, một nghệ sĩ ưu tú, phát thanh viên về hưu của đài truyền hình quốc gia, một giọng đọc ấm áp, tròn vành rõ chữ, sang trọng quý phái được nhiều thế hệ thính giả ba miền yêu thích, bất ngờ châm ngòi cho cuộc tranh cãi nảy lửa về cái gọi là “giọng Hà Nội chuẩn”. Bà phê phán VTV tuyển dụng một biên tập viên giọng Huế trong một chương trình thời sự và khuyến cáo không nên địa phương hóa đài truyền hình quốc gia mà phải lấy giọng Hà Nội làm chuẩn. Ý kiến của bà được nhiều người đồng tình nhưng cũng không ít người phản đối vì “đài quốc gia đâu phải là đài Hà Nội”! 

Có thể trong quá trình tiến hóa và phát triển, người Việt sẽ điều chỉnh giọng nói theo hệ ngữ âm chung của tiếng Việt. Nhưng đó là một chặng đường vô cùng dài khi hành trình chuẩn hóa chữ viết trước mắt vẫn còn gian nan, gập ghềnh, khúc khuỷu lắm.

Vì thế, thật tội nghiệp cho những ai nôn nóng, hãnh tiến về cái gọi là “giọng Hà Nội chuẩn” và ước mơ về một “biểu tượng thống nhất giọng nói Việt.

KIỀU ANH

Một nữ trí thức cha mẹ là người miền Tây Nam bộ nhưng sinh ra và lớn lên ở thủ đô yêu dấu nên “may mắn” sở hữu một giọng Hà Nội cực “chuẩn” vẫn cho rằng điều đó là tào lao vì “giọng nói là văn hóa, mà văn hóa thì không thể nói văn hóa này chuẩn hơn văn hóa khác”.

Cuộc tranh cãi kéo dài đến nay vẫn chưa dứt, thậm chí trên một tờ báo điện tử của ngành giáo dục, có người đã lên tiếng đòi phải chuẩn hóa, thống nhất cách phát âm tiếng Việt, như đã “chuẩn hóa” quốc kỳ, quốc ca, quốc huy, quốc ngữ...

Vì vậy, tôi không cho đó là tào lao vì nó phản ánh sự xung đột trong tâm thức cộng đồng, một cộng đồng hình như có quá nhiều điều nhạy cảm và sang chấn tâm lý do lịch sử để lại.

Tôi chưa thấy các nhà ngôn ngữ học hay những cựu sinh viên Việt ngữ lên tiếng trong cuộc tranh luận “nảy lửa” này do các ý kiến chưa vận dụng sâu sắc những kiến thức của ngôn ngữ học.

Tôi đọc nhiều giáo trình ngôn ngữ học tiếng Việt cũng như các bài viết trên tạp chí ngôn ngữ học bản in và điện tử, chưa thấy cái gọi là “giọng Hà Nội chuẩn”.

Các vị giáo sư ngôn ngữ học khả kính đều cho rằng chuẩn ngữ âm chưa được quy định chính thức và phân tích các đặc trưng ngữ âm chủ yếu của ba phương ngữ (Bắc, Trung, Nam) dựa trên hệ thống âm vị tiếng Việt và chuẩn chính tả.

Mỗi phương ngữ lớn đó lại chia thành nhiều vùng nhỏ hơn. Chẳng hạn phương ngữ Bắc có ba vùng: (1) Vòng cung biên giới phía Bắc; (2) Vùng Hà Nội và các tỉnh xung quanh; và (3) Miền hạ lưu sông Hồng và ven biển. 

Như vậy, giọng Hà Nội cũng chỉ là một tiểu vùng của phương ngữ Bắc. Tại sao lại cho nó là chuẩn? Chuẩn ở chỗ nào? Giọng Hà Nội tuy phong phú hơn về mặt thanh điệu và phụ âm cuối so với các vùng miền khác, nhưng cũng có phần kém hơn ở một số phụ âm đầu và vần.

Thực ra, vấn đề phát âm giữa các vùng miền đã được GS Hoàng Tuệ (1922-1999), nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam, khẳng định trong một bài viết công phu của ông (“Những vấn đề về phát âm tiếng Việt”, Tuyển tập ngôn ngữ học, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2001).

Trong bài viết, ông nhắc đến những giải pháp thống nhất giọng phát âm của tiếng Pháp và đặc biệt tiếng Hán vốn là tập hợp của rất nhiều phương ngữ. Nhưng theo ông, đó không phải là hình mẫu cho tiếng Việt vì: (1) Sự gắn bó sâu sắc có ý nghĩa sinh thái xã hội của người Việt với giọng địa phương; và (2) Chữ quốc ngữ là một siêu phương ngữ, biểu hiện các âm vị, thanh vị của hệ thống ngữ âm tiếng Việt. 

Ông cho biết ngày nay đã hình thành chuyên ngành xã hội - phương ngữ học, bổ sung cho địa lý -phương ngữ học.

Nhiều nhà nghiên cứu phân biệt phương ngữ đô thị khác với phương ngữ nông thôn. Sự khác biệt quan trọng này xuất phát từ những điều kiện chính trị, kính tế, văn hóa và xã hội ở tầm cao hơn của đô thị.

Chẳng hạn như giọng của những đô thị lớn trên đất nước ta như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn khác với những vùng phụ cận xung quanh.

Điều thú vị quan trọng là tuy nói giọng địa phương, giọng cá nhân, thậm chí khó nghe, người Việt vẫn có thể hiểu nhau và ít gặp những cản trở lớn về mặt ngôn ngữ giao tiếp. Đó chính là thuận lợi so với tiếng Pháp và tiếng Hán.

Ông cũng nhận xét: “Trong phong cách nói không thể nào không thấy rằng chuẩn ngữ âm của phương ngữ vẫn còn có tác dụng xã hội quan trọng” (sách đã dẫn, trang 259).

Có thể trong quá trình tiến hóa và phát triển, người Việt sẽ điều chỉnh giọng nói theo hệ ngữ âm chung của tiếng Việt. Nhưng đó là một chặng đường vô cùng dài khi hành trình chuẩn hóa chữ viết trước mắt vẫn còn gian nan, gập ghềnh, khúc khuỷu lắm.

Vì thế, thật tội nghiệp cho những ai nôn nóng, hãnh tiến về cái gọi là “giọng Hà Nội chuẩn” và ước mơ về một “biểu tượng thống nhất giọng nói Việt.

Họ đâu biết chính mình đã vô tình khoét sâu vết cắt tâm cảm vùng miền và bộc lộ sự hoang tưởng về một thứ siêu quyền lực dựa trên những nền tảng phi văn hóa và phi ngôn ngữ". (KIỀU ANH)

Phát âm đúng chính tả là được

Nên nói giọng địa phương nào trên sóng phát thanh, truyền hình quốc gia? Khẳng định Huế, Sài Gòn hay Hà Nội đều không thỏa đáng. 

Khi đặt vấn đề giọng phát âm (của phát thanh viên, biên tập viên) trên sóng quốc gia là đặt vấn đề chính âm. Chính âm ở đây được hiểu là âm chuẩn của một ngôn ngữ. Hiện nay không có bất cứ giọng địa phương nào thể hiện được chính âm của tiếng Việt. 

Bù lại, tiếng Việt có chính tả. Chính tả tiếng Việt dù vẫn còn đôi chỗ, nếu muốn thì vẫn có thể phải bàn thêm, nhưng cơ bản đáp ứng được vai trò là mã chung trong giao tiếp (ở hình thức chữ viết) trên toàn quốc và cả với kiều bào. Dù người địa phương này nghe khá khó khăn đối với giọng của người địa phương khác nhưng khi giao tiếp bằng chữ viết thì đều có thể hiểu được nhau.  

Căn cứ vào đó, phương án đối với vấn đề giọng nói trên sóng quốc gia là hãy cứ phát âm đúng chính tả. Khi đó, nếu phát âm bằng giọng Hà Nội thì cần chỉnh những tiếng có âm s, r, tr...; miền Trung thì dấu ngã...; miền Nam thì âm v, r...

Nhiều phát thanh viên, biên tập viên phát âm với nhiều giọng địa phương khác nhau sẽ là điều thú vị với bức tranh đa dạng về ngữ âm mà không xa lạ, miễn là họ phát âm đúng chính tả. (ThS VÕ ANH TUẤN)

Là người xem đài, theo bạn, chương trình thời sự Đài truyền hình quốc gia VN nên nói giọng Hà Nội, Huế, Quảng, Vinh hay Sài Gòn? Giọng miền nào nên là chuẩn cho VTV? Bạn có đồng ý với quan điểm của bạn đọc Kiều Anh và ThS Võ Anh Tuấn? Thân mời bạn chia sẻ ý kiến của mình thông qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc e-mail: tto@tuoitre.com.vn 

KIỀU ANH - ThS VÕ ANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên