Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên trái) gặp người đồng cấp Indonesia Joko Widodo tại Bali ngày 14-11 - Ảnh: AFP
"Indonesia cam kết sử dụng việc chuyển đổi năng lượng để đạt được nền kinh tế xanh và thúc đẩy phát triển bền vững", Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói ngày 15-11 về thỏa thuận đạt được bên lề Hội nghị G20 tại Bali. Ông Widodo cho rằng thỏa thuận như vậy có thể được áp dụng để giúp các nước khác đạt mục tiêu khí hậu.
Theo cam kết với tên gọi Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) đã được đàm phán một năm qua, Mỹ và các đồng minh giàu sẽ giúp Indonesia, một trong những nước tiêu thụ than nhiều nhất thế giới, từ bỏ nguồn năng lượng này trước năm 2050. Đổi lại, Jakarta cam kết đưa phát thải về 0 vào năm 2050, sớm hơn 10 năm so với dự kiến, và tăng gấp đôi lượng năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Chi tiết về gói tài chính sẽ tiếp tục được thảo luận trong vài tháng tới, trong đó 20 tỉ USD dự kiến sẽ chia đều trong lĩnh vực công và tư, và dưới các hình thức như hỗ trợ, cho vay, đầu tư.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết thỏa thuận này cho thấy "các quốc gia có thể cắt giảm đáng kể lượng khí thải và tăng cường năng lượng tái tạo trong khi... tạo ra việc làm có chất lượng, bảo vệ sinh kế cũng như cộng đồng".
Thỏa thuận được đánh giá là nỗ lực tham vọng nhất của các nước giàu nhằm thuyết phục một quốc gia đang phát triển từ bỏ nguồn năng lượng gây ô nhiễm bậc nhất là than.
Nhưng các chuyên gia cho rằng còn nhiều vấn đề sau đó chưa kể con số 20 tỉ USD vẫn còn rất thấp so với chi phí ước tính để nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chuyển dịch sang năng lượng sạch lên đến 600 tỉ USD.
Theo báo New York Times, thỏa thuận với Indonesia tương tự thỏa thuận hồi năm ngoái khi Mỹ và các nước châu Âu cam kết tài trợ và cho vay 8,5 tỉ đô la cho Nam Phi để đổi lấy cam kết của nước này sẽ đóng cửa các nhà máy than, chuyển sang năng lượng tái tạo.
Các thỏa thuận JETP tương tự cũng đang được đàm phán với Việt Nam, Senegal và Ấn Độ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận