Tối 25-9 (giờ địa phương, rạng sáng 26-9 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rời thủ đô Brasilia của Brazil, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác đến hai nước châu Mỹ là Mỹ và Brazil.
Người đứng đầu Chính phủ đến Mỹ dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kết hợp các hoạt động song phương. Từ ngày 23-9, ông đến thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.
Đi từ bờ Tây sang bờ Đông nước Mỹ
Trong thời gian ở Mỹ (từ ngày 17 đến 23-9), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một loạt hoạt động, từ San Franciso (bờ Tây) đến thủ đô Washington D.C và New York (bờ Đông).
Tại San Franciso, Thủ tướng đã dành hai hoạt động đầu tiên cho bà con kiều bào. Người đứng đầu Chính phủ cũng tiếp các doanh nghiệp, thăm một số tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ, bán dẫn ở Thung lũng Silicon.
Rời bờ Tây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thủ đô của nước Mỹ. Trong vòng 24 tiếng ở Washington D.C, Thủ tướng đã gặp bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ, đại diện Thương mại Mỹ, chủ tịch Hạ viện Mỹ và lãnh đạo các Ủy ban đối ngoại Hạ viện, Thượng viện Mỹ.
New York, điểm dừng chân thứ ba của Thủ tướng tại Mỹ, chứng kiến hoạt động dày đặc nhất trong cả chuyến công tác.
Tại trung tâm tài chính Mỹ, cũng là nơi đặt trụ sở Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng đã tham dự và phát biểu tại 3 sự kiện của Liên Hiệp Quốc.
Trong đó nổi bật và quan trọng nhất là bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chiều 22-9 (giờ địa phương). Người đứng đầu Chính phủ cũng tiếp các quan chức Mỹ, gặp nhiều lãnh đạo các nước đến dự phiên họp.
Trong khuôn khổ chuyến công tác Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự hơn 50 hoạt động. Đó là chưa tính thêm hoạt động gặp song phương của các bộ trưởng tháp tùng ông lần này.
Gặp hàng loạt doanh nghiệp Mỹ
Một điều nổi bật khác trong cả chuyến công tác lần này của Thủ tướng là các cuộc gặp với doanh nghiệp hàng đầu Mỹ như Nvidia, Meta, Boeing, Google, SpaceX, Synopsys...
Ở mỗi điểm đến, Thủ tướng đều dành thời gian cho các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo với các hình thức đa dạng từ tiếp riêng đến ăn trưa làm việc, ăn tối làm việc với nhóm doanh nghiệp hay diễn đàn.
Điều này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Việt Nam đối với doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực công nghệ, sản xuất bán dẫn. Đây là "đột phá mới" đã được nêu trong Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện hôm 10-9.
Thủ tướng cũng dành thời gian đến thăm Đại học Georgetown lâu đời của Mỹ và có bài phát biểu chính sách quan trọng, lắng nghe các khuyến nghị từ những chuyên gia, học giả Mỹ.
Trong đó nổi bật là cuộc tọa đàm với các giáo sư, chuyên gia ngày 21-9 tại New York với những hiến kế giúp Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng".
Chuyến công tác Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho thấy tinh thần bắt tay ngay vào việc để cụ thể hóa những gì đã đạt được giữa hai nước trong Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Củng cố quan hệ với bạn bè truyền thống
Rời Mỹ, người đứng đầu Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Brazil ngày 23-9, đánh dấu chuyến thăm chính thức cấp Thủ tướng đầu tiên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989.
Đất nước Nam Mỹ đã dành sự tiếp đón trọng thị, chu đáo và chân tình cho Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Chuyến thăm không chỉ củng cố quan hệ giữa Việt Nam với các nước bạn bè truyền thống mà Brazil là đối tác quan trọng, mà còn mở ra cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực mới.
Hai nước cũng ra thông cáo chung, định hướng cho hợp tác song phương, hướng tới khuôn khổ quan hệ mới và phù hợp trong thời gian tới.
Điều đó làm dấy lên kỳ vọng về sự khởi sắc trong quan hệ giữa hai nước có tiếng nói ngày càng quan trọng trên khu vực và thế giới.
Brazil là nước sáng lập nhóm BRICS và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), cũng là chủ tịch luân phiên của khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) mà Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do.
Với bối cảnh đó, Việt Nam và Brazil đang đứng trước cơ hội lớn đưa kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn, đạt 10 tỉ USD vào năm 2025 và 15 tỉ USD vào năm 2030.
Hai bên cũng đang tiếp tục đàm phán để ký kết một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật, ngoại giao, đầu tư, an ninh, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận