Huấn luyện viên 82 tuổi Trương Kim Toàn trong một động tác khó - Ảnh: L.ANH
Huấn luyện viên yoga cao tuổi nhất Việt Nam Trương Kim Toàn - 82 tuổi, ở Hà Nội - vẫn đi dạy chừng 9 ca/tuần, trong đó có một ca là dạy miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Lão khoa trung ương.
Xương khớp người già thường cứng và giòn, nhưng ông Toàn dù rất lớn tuổi vẫn thực hiện được nhiều động tác rất khó, nhiều bạn trẻ cũng phải chào thua.
“Mọi người đều nên tập luyện một môn thể dục nào đó vừa sức, có tập thì mới khỏe, mới cười, mới vui được. Nếu tập đúng thì một tháng đã có kết quả, cơ thể sẽ nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn. Từ quá trình tập luyện của mình, tôi mong kể cho mọi người một thông điệp là cố gắng luyện tập để sống tối thiểu là 80 tuổi, không đau yếu bệnh tật.
Trương Kim Toàn
Nguyên tắc: "đúng, đủ, đều, đạt"
Ông Toàn bắt đầu tập yoga từ năm 1997 và sau đó là dạy yoga, nhưng nền tảng của ông vốn là giáo viên thể dục. Vì yêu thích bộ môn yoga nên đến năm 1997 ông tập thêm môn này, tới nay vẫn theo đuổi nó như một công việc, một thú vui, một niềm đam mê.
"Có lẽ nhờ vậy mà giờ đây ở tuổi 82 tôi không đau nhức xương khớp, không phải dùng đến thuốc men, sổ y bạ dùng từ năm 1984 đến nay vẫn còn hơn một nửa. Ở tuổi này tôi vẫn đi dạy yoga, mà dạy cả thực hành, đi dạy bằng xe đạp, chỉ đi đâu xa quá 6km thì tôi đi xe máy" - ông Toàn nói.
Trong khi nhiều người cao tuổi cùng lứa đã yếu nhiều, có khi gặp khó khăn trong ăn uống và nói năng, ông Toàn lại rất minh mẫn. Ông nói được như vậy là nhờ nguyên tắc 4Đ mà ông thấy rất tốt với cá nhân mình trong luyện tập thể dục: đúng, đủ, đều, đạt.
Ông cũng khuyến cáo người tập không cần tập quá sức, cố những động tác khó, mà cần nhất là tập đúng, tập đều đặn, đủ thời gian, từ đó mang lại hiệu quả về sức khỏe.
Khi những người bệnh cũng tập luyện
Từ nửa tháng nay, mỗi tuần chị Nguyễn Thị Vui ở Thái Bình, đang chăm mẹ ở Bệnh viện Lão khoa trung ương, có 3 buổi tập yoga tại "không gian văn hóa" trong bệnh viện.
Địa điểm này vốn là quán cà phê, nhưng rồi nhận thấy nhu cầu được thư giãn, được trị liệu tinh thần của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện quyết định thu hồi mặt bằng nhằm tạo một không gian chung để người bệnh, người nhà đến đọc sách, chơi cờ, tuần có 3 buổi tập yoga, sau đó sẽ có câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ yêu nhạc... trong bệnh viện. Tất cả đều miễn phí.
Ông Toàn là 1 trong 3 huấn luyện viên yoga ở đây, cùng với 2 nữ huấn luyện viên khác. Theo chị Vui, sau mỗi buổi tập, chị thấy người nhẹ nhàng và sảng khoái hơn. "Giờ tập là
15h30-17h, đúng là thời gian bệnh viện thực hiện hoạt động điều trị nên người chăm sóc bệnh nhân như tôi được rảnh rỗi. Nhưng cũng có rất nhiều người bệnh đang điều trị tại bệnh viện đến luyện tập" - chị Vui cho biết.
Theo ông Phan Việt Sinh - phó giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, bệnh viện chủ yếu đón bệnh nhân là người cao tuổi đến điều trị và nhiều người có thời gian điều trị kéo dài rất nhiều tháng, có người chỉ vài ngày nhưng bệnh viện đều khuyến khích tham gia.
"Người bệnh thấy thích thú nên chúng tôi muốn tạo một không gian thật thân thiện để họ đến tập luyện. Đây là cách để trị liệu tinh thần cho bệnh nhân, tùy từng bệnh nhân nhưng trị liệu tinh thần có thể chiếm đến 30-50% trong hiệu quả điều trị" - ông Sinh cho biết.
Hiện tại Hà Nội đã có một số bệnh viện như Lão khoa trung ương, Huyết học và truyền máu trung ương... có nhiều hoạt động phụ trợ để trị liệu tinh thần cho bệnh nhân. Theo ông Sinh, yoga cũng là môn thể dục nên phù hợp với nhiều người bệnh. "Chúng tôi luôn mong người bệnh chóng khỏe, đây là cách để họ nhanh khỏe hơn và sớm được về nhà" - ông Sinh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận