12/01/2024 13:59 GMT+7

82 người chết do bệnh dại năm 2023: Quá đau lòng

XUÂN MAI
và 1 tác giả khác

Thời gian gần đây, nhiều tỉnh thành liên tục ghi nhận các ca tử vong do bệnh dại. Đây là chuyện buồn chưa có hồi kết khi tình trạng nuôi chó thả rông không rọ mõm vẫn tiếp diễn, còn nạn nhân lại chủ quan không tiêm vắc xin phòng dại.

Trẻ tiêm ngừa vắc xin phòng dại tại Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Trẻ tiêm ngừa vắc xin phòng dại tại Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Bệnh dại rất nguy hiểm, hiện chưa có một phương pháp điều trị đặc hiệu nào. Làm gì để không còn những ca tử vong đáng tiếc vì căn bệnh này?

"Án tử" khi đã lên cơn dại

Nghĩ rằng các vết thương do chó, mèo cắn hay cào là đơn giản, nhiều người chủ quan không tiêm ngừa dại. Đã có nhiều người ở mọi độ tuổi tử vong vì mắc bệnh dại. Có người bị chính chó nuôi trong nhà cắn và mắc bệnh dại.

Sau hơn 3 tháng bị chó lạ cắn nhưng không tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh dại, ông N.T.K. (37 tuổi, ngụ phường Hòa Vinh, tỉnh Phú Yên) đã tử vong vào ngày 10-1 vừa qua.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế thị xã Đông Hòa, ngày 4-1 ông K. xuất hiện triệu chứng khó thở, tức ngực, nôn ói. Đến ngày 8-1, ông K. đi tắm thì thấy sợ nước, không ăn được thức ăn có nước, sợ hãi không dám uống nước, thể trạng mệt mỏi.

Sau đó, ông K. nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên lúc 0h ngày 9-1. Sáng hôm sau, gia đình xin xuất viện và đưa ông K. vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa khám nhưng ông đã tử vong sau đó.

Ngoài nguy cơ mắc bệnh dại, nhiều người còn bất ngờ bị chó tấn công cắn khiến nhiều vị trí trên cơ thể, nhất là vùng mặt, với những vết thương sâu, chảy máu nhiều. Nạn nhân phải trải qua nhiều lần phẫu thuật mới hồi phục như trước kia.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-1, ông Lê Mạnh Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 170 lượt tiêm vắc xin phòng bệnh dại, bao gồm cả trường hợp tiêm mũi mới và mũi nhắc lại.

Ngoài tiêm vắc xin phòng bệnh dại, bệnh viện còn tiếp nhận điều trị những ca đã mắc bệnh dại ở TP.HCM và các tỉnh, thành khác chuyển đến. Riêng trong năm 2023 đã có 16 ca bệnh dại đến bệnh viện điều trị, trong đó có 3 trẻ em dưới 15 tuổi.

"Đa phần những bệnh nhân này đến bệnh viện trong tình trạng nặng, nguy kịch. Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán bệnh dại đã được thân nhân xin về", ông Hùng thông tin thêm.

Tại Viện Pasteur TP.HCM, theo thống kê tại phòng khám tiêm chủng của viện, trung bình mỗi tháng tiếp nhận tiêm cho hơn 1.500 lượt. Trong số này bao gồm người tiêm liệu trình 3-5 mũi hoặc 1-2 mũi.

Chó thả rông, không rọ mõm xuất hiện đầy đường phố TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Chó thả rông, không rọ mõm xuất hiện đầy đường phố TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Không chỉ chó mà mèo, chuột, dơi… cũng làm lây bệnh dại

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Khi đã lên cơn dại, tỉ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) cho hay thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn hơn là khoảng 10 ngày hoặc dài trên 1-2 năm.

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lân - phòng tiêm chủng Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) - cho biết không chỉ riêng chó có thể lây truyền bệnh dại, một số động vật hoang dã, thú cưng khác cũng có khả năng lây truyền bệnh dại như dơi, mèo, chuột…

Khi bị những động vật lạ này cắn, cào, khả năng mắc bệnh dại rất cao. Do đó người dân cần đến bệnh viện, trung tâm tiêm chủng để được tư vấn theo dõi hoặc có chỉ định điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, huyết thanh kháng dại và phải thực hiện càng sớm càng tốt.

Theo bác sĩ Lân, bệnh dại xuất hiện quanh năm, trong đó nguy cơ cao nhất là vào thời tiết nắng nóng, người dân cần phải chú ý, đặc biệt vào dịp lễ tết, đi du lịch trong các hang động.

Bản thân người nuôi động vật phải có ý thức trong việc tiêm phòng dại đầy đủ cho thú cưng, chú ý thời gian tiêm nhắc lại hằng năm hoặc tùy vào từng loại vắc xin.

Khi để chó, mèo ra ngoài cộng đồng, khu vực dân cư, người nuôi chó, mèo cần cho thú cưng đeo rọ mõm. Người dân không nên đến gần, trêu chọc động vật lạ.

Đến ngay cơ sở y tế khi bị chó, mèo cắn

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại. Có khoảng 60.000 - 70.000 người bị chết do bệnh dại, phần lớn được báo cáo từ các nước thuộc vùng nhiệt đới - nơi có tới 3/4 dân số thế giới sinh sống.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, 9 tháng đầu năm 2023 cả nước ghi nhận 64 ca tử vong do bệnh dại. "Khóa sổ" 2023 cả nước có đến 82 người chết vì bệnh dại, trong đó có nhiều trẻ em.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone. Hạn chế làm giập vết thương và không được băng kín vết thương. Sau đó, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Chó cắn nhưng không chích ngừa, 3 tháng sau người đàn ông tử vong nghi do bệnh dạiChó cắn nhưng không chích ngừa, 3 tháng sau người đàn ông tử vong nghi do bệnh dại

Người đàn ông 37 tuổi ở Phú Yên bị chó lạ cắn cách đây hơn 3 tháng, gần đây xuất hiện triệu chứng bệnh dại. Ông được đưa đi bệnh viện nhưng không qua khỏi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên