Ngày 28-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo các nước châu Phi đã thông qua tuyên bố cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ 2 và kế hoạch hành động chung của hai bên đến năm 2026.
Cụ thể, tuyên bố của hội nghị xác định hai bên sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 năm/lần và tổ chức thường niên hội nghị qua kênh nghị viện.
Tuyên bố hoan nghênh quyết tâm của Nga trong việc tiếp tục giúp đỡ các nước châu Phi đảm bảo lương thực, phân bón và các nguồn năng lượng cũng như thực hiện các dự án thúc đẩy phát triển quốc tế.
Trong khuôn khổ hợp tác, các bên thống nhất 74 điểm nghĩa vụ, trong đó có cơ chế "đối tác đối thoại" về chính trị, kinh tế và khoa học. Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong các giao dịch thương mại.
Trang web của Điện Kremlin cũng đã ra thông báo về các kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ 2.
Trong đó có việc hai bên nhất trí ngăn chặn chạy đua vũ trang không gian, hợp tác đảm bảo an ninh thông tin quốc tế và tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trong bài phát biểu của mình trước đó, Tổng thống Putin đã cam kết xóa thêm các khoản nợ trị giá 90 triệu USD cho châu Phi, nâng tổng số nợ từ trước đến nay mà Nga xóa cho châu lục này lên 23 tỉ USD.
Đại diện từ gần 50 nước, trong đó có 17 nguyên thủ quốc gia, đã tham dự hội nghị kéo dài 2 ngày tại St Petersburg. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh châu Phi đang muốn thể hiện tiếng nói nhiều hơn trong hòa giải các bên liên quan xung đột Ukraine.
Kết thúc hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Azali Assoumani cho biết Tổng thống Putin đã thể hiện rõ với các nhà lãnh đạo châu Phi rằng ông sẵn sàng đối thoại về vấn đề Ukraine.
Cũng theo lời ông Assoumani, AU sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Nga -Ukraine và sẽ tìm cách thuyết phục Kiev. Trước đó, các nước châu Phi đã đưa ra sáng kiến về giải quyết xung đột ở Ukraine và nhận được sự ghi nhận từ phía Nga.
Theo Hãng tin Reuters, nhiều lãnh đạo châu Phi và AU đã thúc giục kết thúc xung đột Ukraine trong hội nghị ở St Petersburg.
Mặc dù không trực tiếp chỉ trích Nga, các tiếng nói của châu Phi ngày 28-7 đã cho thấy có sự phối hợp, được thể hiện ở tông mạnh mẽ hơn trước đây, theo Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận