Anh Nông Thanh Hùng trò chuyện với các học viên cai nghiện ma túy - Ảnh: C.K.
Cuộc chiến giành lại những con người lầm lỡ dính vào ma túy thật sự khó khăn, nhưng tôi có niềm tin vào công việc của mình cũng như đồng đội sẽ cùng giúp họ tìm thấy ý nghĩa trong quãng đời còn lại.
Anh NÔNG THANH HÙNG
Đầu quân về cơ sở cai nghiện số 1 (Đắk Nông) khi vừa tốt nghiệp ngành công tác xã hội Trường ĐH Sư phạm Đắk Lắk năm 2017, anh Nông Thanh Hùng - nhân viên khu quản lý, giáo dục học viên Quảng Tân (Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tại Đắk Nông - Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM) - nói dù biết công việc ở nơi này sẽ rất khó khăn nhưng anh vẫn lựa chọn.
Chọn con đường nhiều thử thách
"Trước khi xin vào làm việc, mình có tìm hiểu về nơi mình sẽ gắn bó. Những người hằng ngày mình tiếp xúc, ngoài đồng đội ra thì chính là các học viên cai nghiện. Giúp những con người lỡ lầm nhận ra bản thân mình để trở lại là một con người có ích, dù gian nan nhưng đó là niềm vui của mình" - Hùng bộc bạch.
Các kỹ năng tiếp xúc với học viên được Hùng học hỏi từ đàn anh đi trước, đó là phải bằng chính tấm lòng và sự chân tình. Hùng chia sẻ: "Lần đầu tôi được giao quản lý một tổ với 25 học viên, trong đó có Trường - quê ở TP.HCM. Mới đầu anh chàng khá e dè, tôi chủ động trò chuyện và qua nhiều lần đã nắm tâm tư nguyện vọng của bạn ấy. Được tin tưởng nên Trường đã rèn luyện tích cực hơn, còn hỗ trợ ngược lại cho các cán bộ làm công tác quản lý".
Hùng tâm sự, khi quản lý giáo dục học viên, nhất là đối với học viên trẻ, anh thường đặt mình vào vị trí của những người bạn. "Như thế học viên cũng mở lòng chia sẻ. Khi tiếp xúc các học viên, mình hòa đồng chứ không hòa tan, tìm cách giúp họ đánh thức phần hướng thiện của chính bản thân họ" - Hùng nói.
Đôi ta cùng… chiến tuyến
Anh Lê Đức Thạo - phó đội trưởng đội tự nguyện, Cơ sở xã hội Nhị Xuân (H.Hóc Môn, TP.HCM) - đã nên duyên cùng chị Huỳnh Thị Kim Dung, đội phục vụ đời sống của đơn vị. Vào công tác từ năm 1999 sau khi xuất ngũ, anh Thạo cảm thấy yêu thích công việc trong môi trường cai nghiện ma túy, giúp những con người lầm lỡ.
Rồi anh tiếp tục học bổ túc, vào đại học chuyên ngành xã hội học để hỗ trợ cho công việc của mình tốt nhất có thể. "Có những người mới vào thường tỏ ra bất cần nhưng ẩn sau đó là phần nào yếu đuối mà mình chưa hiểu hết. Thời gian sẽ giúp mình tiếp cận và gần gũi với họ" - anh Thạo nói.
Làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm HIV bởi cũng có những người nghiện bị nhiễm HIV nhưng không vì thế mà anh Thạo xa lánh họ, ngược lại anh ân cần thăm hỏi, động viên các học viên cố gắng rèn giũa và sửa mình để sớm trở về với cộng đồng và gia đình. Hơn 20 năm trong công việc này, kinh nghiệm càng giúp anh làm tốt hơn vai trò, nhiệm vụ của người quản lý học viên.
"Mình có thể phán đoán từ giọng nói, dáng đi, hay nhìn nét xăm mình của từng học viên mình có thể hiểu được hoàn cảnh và phần nào tính cách của họ. Có thể họ la hét ra vẻ ngạo mạn, bất cần nhưng ẩn phía sau đó lại là một sự yếu mềm khi nhắc đến người mẹ đã hi sinh tất cả vì họ. Chỉ có thể kéo họ trở lại cuộc sống bằng chính những điều tốt đẹp còn đọng lại trong tâm tưởng của họ" - anh Thạo nói.
Còn chị Dung khi vào công tác tại đây đã đem lòng yêu anh bởi cả hai cùng một mục tiêu trong công việc. Cả hai anh chị cũng đã động viên nhau học hết đại học, họ nên duyên và đã có hai người con.
Nhiều khi anh làm ca đêm chưa về, 6h sáng hôm sau chị lại vào ca. Những lúc như vậy, hai con của anh chị phải đến trường từ lúc 5h30 sáng.
"Có những lần hai chị em đi học sớm phải ngồi ở căngtin với cô nấu bếp vì ba mẹ phải đi làm. Chị em con cũng quen rồi, con thương ba mẹ nhiều" - bạn nhỏ Lê Thị Ánh, lớp 6, con gái đầu lòng của anh chị, nói.
Anh Võ Văn Lượng, chánh Văn phòng Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM, cho biết hiện Lực lượng Thanh niên xung phong TP có bốn đơn vị tham gia công tác cai nghiện ma túy: cơ sở cai nghiện ma túy số 1, số 2, số 3 và cơ sở xã hội Nhị Xuân.
Theo báo cáo của Lực lượng Thanh niên xung phong TP từ năm 2016-2019, các cơ sở cai nghiện đã mở 105 lớp xóa mù chữ với hơn 2.570 học viên tham gia; mở hơn 360 lớp dạy nghề cho gần 12.000 lượt học viên; tổ chức hơn 1.000 chương trình mạn đàm giá trị sống cho hơn 616.000 lượt học viên.
Anh Nông Thanh Hùng nói: "Tệ nạn ma túy ngày càng phức tạp, để phòng chống cần có nhiều biện pháp đồng bộ của các cấp các ngành. Chính sách pháp luật cần cụ thể, nghiêm minh hơn, bởi lẽ không ít người trẻ đã đánh mất cuộc đời mình trước sự tấn công của ma túy. Nhiều thanh thiếu niên bị trượt ngã do các loại ma túy mới, ma túy tổng hợp khiến họ "gục ngã" bởi thiếu sự hiểu biết. Hành trình cai nghiện rất khó khăn, do vậy tôi mong các bạn trẻ sống có trách nhiệm hơn, hãy làm chủ cuộc đời mình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận