Ban giám khảo gồm rất nhiều những gương mặt quen thuộc của Cannes 2017 - Ảnh: FB Cannes |
Như mọi năm, thông tin về Cannes ngập tràn trên các mặt báo, từ báo in, báo điện tử, blog, đến tivi, radio, mạng xã hội..., thậm chí từ trước khi liên hoan phim này bắt đầu.
Có thể nói, Cannes “thống trị” mảng tin tức giải trí từ ngày này qua ngày khác, mở trang tin tức nào ra cũng dễ dàng bắt gặp hàng tá nội dung, từ hình ảnh các nữ minh tinh váy áo lộng lẫy sải bước kiêu sa bên cánh mày râu lịch lãm, đến việc phê bình và dự đoán phim đoạt giải.
Đoàn phim Wonderstruck trên thảm đỏ Cannes |
“Anh hào” lộ diện
Dù công tác an ninh được siết chặt đến mức gần như kiểm tra an ninh ở sân bay, và làm cho liên hoan phim năm nay “bớt đi tính lễ hội” như cây bút chuyên về điện ảnh Xan Brooks của tờ The Guardian ví von, thì Cannes vẫn thừa sức thu hút giới mộ điệu bằng những dự án phim đặc sắc.
Một trong số đó phải kể đến Loveless, bộ phim mở màn cho cuộc đua tranh giải thưởng danh giá nhất tại Cannes, giải Cành cọ vàng.
Sau khi gây tiếng vang với Leviathan năm 2014, đạo diễn người Nga Andrey Zvyagintsev quay lại với Cannes 2017 bằng một bộ phim kể về hành trình đi tìm cậu con trai mất tích 12 tuổi của cặp đôi người Nga. Loveless được The Guardian miêu tả là “xuất sắc, tàn bạo và tác động mạnh đến người xem”.
Bên cạnh đó, Wonderstruck của Todd Haynes cũng được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện tại Cannes năm nay, với sự tham gia của hai nữ minh tinh Julianne Moore và Michelle Williams.
Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Brian Selznick, Wonderstruck được đánh giá là “một bộ phim trẻ em được cho ăn bận quần áo người lớn” với đầy những điều ngạc nhiên và mới lạ.
Bộ phim là câu chuyện về hai đứa trẻ khiếm thính trong hai bối cảnh sống cách nhau hàng chục năm (1927 và 1977), điểm chung là có chuyến hành trình đến New York tìm kiếm điều mình mong muốn, Ben đi tìm cha, còn Rose đi tìm thần tượng của mình.
Cùng khai thác chủ đề khủng hoảng nhập cư ở châu Âu là phim tài liệu Sea Sorrow do nữ diễn viên gạo cội người Anh Vanessa Redgrave làm đạo diễn, hay bộ phim Happy End với sự tham gia của ngôi sao từng được đề cử Oscar Isabelle Huppert do đạo diễn tài ba người Áo Michael Haneke thực hiện.
Một phim khác về đề tài di dân cũng được USA Today đánh giá cao là phim ngắn thực tế ảo Carne Y Arena do đạo diễn từng đoạt giải Oscar với bom tấn The Revenant năm 2015 Alejandro González Iñárritu cầm trịch. Bộ phim tái hiện cuộc di cư vượt biên giới Mỹ - Mexico từ góc nhìn của di dân.
Chiếu phim lộng lẫy trên bãi biển |
Netflix thắng hay bại?
Cannes năm nay không thiếu các yếu tố gây chú ý như có thêm Đêm Việt Nam, sự chuyển đổi vai trò của các diễn viên thành đạo diễn mà điển hình là người đẹp Kristen Steward, hay điện ảnh châu Á được kỳ vọng mang về vinh quang với ba phim tranh giải Cành cọ vàng.
Trong bối cảnh đó, một sự kiện cũng làm tốn không ít công sức của báo chí là sự xuất hiện của dịch vụ phát hành phim trực tuyến Netflix.
Không phải xuất hiện để giới thiệu phim, Netflix đường hoàng tham gia tranh giải chính thức với hai phim Okja và The Meyerowitz Stories.
Điều này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của những người cho rằng tiêu chí của Cannes là ủng hộ ngành chiếu bóng của Pháp.
Thậm chí hiệp hội phân phối phim French Federation of Film Distributors của nước này còn ví von hành động này là “gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ sinh thái”.
Trong khi đó, trưởng ban giám khảo Cannes Pedro Almodóvar cũng từng phát biểu rằng ông sẽ từ chối trao giải cao cho phim của Netflix.
Tuy vậy, sẽ là vội vàng nếu khẳng định Netflix “bại trận” tại Cannes năm nay, khi hầu như các phương tiện truyền thông đều nhắc đến sự có mặt của dịch vụ này, ít nhất là từ trước và trong suốt tuần đầu tiên của liên hoan năm nay.
Điều đó cũng giúp hai bộ phim của hãng này trở thành tâm điểm của sự chú ý và được xem xét kỹ lưỡng.
Ngoài ra, với sự góp mặt của nhiều tên tuổi như Lily Collins, Jake Gyllenhaal, Adam Sandler và Ben Stiller, Okja và The Meyerowitz Stories hứa hẹn mang về nhiều lượt xem cho Netflix.
"Đại gia đình" Cannes 2017: thành viên ban giám khảo, các nghệ sĩ từng đoạt giải Cannes và khách mời chụp ảnh tập thể - Ảnh: Reuters |
Một bộ phim không thể bỏ qua tại Cannes năm nay, theo cây bút Xan Brooks, là Jupiter’s Moon của đạo diễn người Hungary Kornél Mundruczó. Bộ phim đã khai thác được những khía cạnh độc đáo của cuộc khủng hoảng di dân, kể về cậu bé Aryan người Syria. Trong một lần vượt biên trái phép, cậu bị bắn và trong cơn sợ hãi, Aryan phát hiện mình có khả năng bay lơ lửng trên không trung. Tờ USA Today ca ngợi những bộ phim như Jupiter’s Moon vì chủ đề mang tính thời sự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận