28/12/2018 09:35 GMT+7

7 đoàn giám sát đặc biệt Vietjet

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Nội dung trên được đưa ra tại cuộc làm việc với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể với Hãng hàng không Vietjet ngày 27-12.

7 đoàn giám sát đặc biệt Vietjet - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra làm việc trực tiếp tại 4 sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh và Tân Sơn Nhất để kiểm tra tất cả các chuyến bay. Trong ảnh: máy bay Vietjet chuẩn bị cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: T.T.D.

Kiểm tra xem có trường hợp nào bị sa thải ở hãng khác rồi đến VN hành nghề không... Tại sao 2 lần đều hạ cánh nhầm ở Cam Ranh và đều là phi công nước ngoài?

Ông Nguyễn Văn Thể

Theo cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, tính đến trước ngày 29-11-2018, bức tranh an toàn của Vietjet tương đối tốt khi có 2 sự cố mức C (uy hiếp an toàn cao), giảm 6 vụ so với năm 2017 và 20 sự cố mức D (có nguy cơ uy hiếp an toàn).

7 đoàn giám sát đặc biệt Vietjet

Nhưng đêm 29-11, Vietjet gặp sự cố mức B (uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay) khi máy bay hạ cánh bị văng bánh trước ở sân bay Buôn Ma Thuột. Ngày 25-12 lại xảy ra sự cố hạ cánh nhầm đường băng ở sân bay Cam Ranh.

Do trong thời gian ngắn để xảy ra 2 sự cố mức B nên Cục Hàng không giám sát đặc biệt, triển khai 7 đoàn giám sát Vietjet kể từ ngày 28-12-2018 đến 15-1-2019. "Có 2 đoàn kiểm tra trực tiếp tại trụ sở của Vietjet để kiểm tra toàn bộ chính sách, quy trình, chương trình huấn luyện, đào tạo. Bốn đoàn làm trực tiếp tại 4 sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh và Tân Sơn Nhất để kiểm tra tất cả các chuyến bay của Vietjet từ khâu chuẩn bị... Còn 1 đoàn kiểm tra gồm các giám sát viên bay của cục kiểm tra trực tiếp trên các chuyến bay của Vietjet trong thời gian trên" - ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, sau ngày 15-1-2019 sẽ đánh giá tổng thể lại, nếu Vietjet đảm bảo được các yêu cầu giám sát thì Cục Hàng không dỡ bỏ các biện pháp trên. Nếu không đạt sẽ giám sát giai đoạn 2 chặt chẽ hơn, thậm chí cắt giảm chuyến bay.

Vietjet cam kết khai thác an toàn

Trước các sự cố, ông Nguyễn Thanh Hùng - phó chủ tịch HĐQT Vietjet - lấy làm tiếc, đồng thời khẳng định Vietjet đã triển khai ngay các biện pháp trên tinh thần nghiêm khắc và cầu thị.

Ông Tô Việt Thắng - phó giám đốc phụ trách an toàn, an ninh của Vietjet - cho biết giải pháp của hãng là nâng cao công tác kiểm tra, giám sát, trách nhiệm của người đứng đầu các lĩnh vực, tăng cường kiểm tra chéo trong công tác bảo dưỡng máy bay... "Chúng tôi cam kết với Bộ GTVT đảm bảo khai thác an toàn trong thời gian tới, đặc biệt dịp tết và hạn chế tối đa sự cố, trục trặc kỹ thuật" - ông Thắng nói.

Rà soát chất lượng tất cả máy bay

Phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu "lấy an toàn hàng không là trên hết... Doanh thu, lợi nhuận cũng quan trọng nhưng là thứ yếu". Để ngăn ngừa sự cố, ông Thể đề nghị Cục Hàng không làm việc với nhà sản xuất máy bay để khắc phục khi máy bay có cảm biến báo khói không chuẩn. Ông Thể chỉ đạo Cục Hàng không rà soát chất lượng tất cả máy bay dù mới hay cũ để loại trừ lỗi thiết bị, linh kiện.

Trước nhận định sơ bộ hai sự cố gần đây có lỗi của phi công, ông Thể yêu cầu tổng kiểm tra lực lượng phi công.

Đảm bảo đi lại ngay cả khi Vietjet không được tăng chuyến

Liên quan đến việc dừng tăng chuyến với Vietjet, ông Đinh Việt Thắng cho biết Vietjet là hãng có lịch tăng chuyến nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Trường hợp đến ngày 15-1-2019 hãng không đạt yêu cầu, Cục Hàng không có kế hoạch dự phòng là bố trí Vietnam Airlines và Jetstar Pacific bổ sung máy bay, tăng chuyến để đảm bảo hành khách đi lại bình thường.

Với quy trình khai thác chuyến bay, Bộ trưởng Thể giao Cục Hàng không xem xét lại thời gian quay đầu giữa 2 chuyến bay là 30 phút có đảm bảo và cảnh báo: không vì lợi nhuận mà làm vội vàng các khâu dẫn đến sai sót, sự cố. Ông Thể cũng yêu cầu các hãng hàng không giảm tình trạng chậm, hủy chuyến trong dịp tết. Hãng nào vi phạm nhiều sẽ bị thu hồi slot (lượt cất, hạ cánh), giao cho hãng làm tốt hơn.

Hai sự cố đều có lỗi phi công

Theo cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, trong vụ máy bay Vietjet hạ cánh nhầm xuống đường băng ở sân bay Cam Ranh ngày 25-12, lái chính (người Philippines) không tập trung quan sát đường băng mà quá quan tâm đến việc lái phụ thả càng được chưa, khiến máy bay tiếp cận lệch đường băng. Kiểm soát viên không lưu phát hiện đã nhắc. Làm việc với tổ điều tra, lái chính nói khi vào sát đường băng chưa khai thác có thấy đánh dấu chéo không được hạ, nhưng vì thấy đường băng này rộng rãi, không có chướng ngại vật, máy bay gần tiếp đất rồi nên vẫn hạ cánh.

Với vụ máy bay Vietjet bị văng lốp khi hạ cánh tại sân bay Buôn Ma Thuột đêm 29-11, theo ông Thắng, có thể kết luận máy bay đã tiếp đất bằng 2 bánh trước, trong khi theo nguyên tắc phải 2 cụm bánh sau tiếp đất trước.

T.PHÙNG

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên