Trong phiên thảo luận tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 tổ chức sáng 18-12 tại Hà Nội, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, đã đặt vấn đề: Làm sao để cân bằng giữa phát triển, giữa bảo tồn và phát huy các giá trị, danh hiệu, biến di sản thành tài sản, tiềm lực thành nguồn lực, thực sự phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội?
Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Lê Thị Hồng Vân bên lề hội nghị.
Gắn kết mạng lưới di sản
Theo bà Lê Thị Hồng Vân, Việt Nam đến nay có 65 danh hiệu UNESCO, từ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, công viên địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển, thành phố sáng tạo, thành phố học tập,...
Hiện nay, ngay cả trong một địa phương có thể có rất nhiều di sản. Việc gắn kết các danh hiệu UNESCO chính là điểm thu hút đầu tư, làm nên thương hiệu địa phương. Đồng thời, kế hoạch phát huy, bảo tồn giá trị của danh hiệu cần gắn liền với phát triển bền vững.
Bà Vân điểm tên một số địa phương đang thực hiện tốt, đó là Thừa Thiên Huế - thành phố một điểm đến, bảy di sản và Hà Nội - vừa là thành phố vì hòa bình, vừa là thành phố sáng tạo, vừa có di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Phương hướng bảo tồn, phát triển này cũng được UNESCO đánh giá cao. Hiện nay, Ninh Bình cũng đề xuất tầm nhìn đô thị di sản thiên nhiên kỷ, hay Hội An là đô thị du lịch quốc gia.
"Đây là tầm nhìn các địa phương trong quá trình phát triển đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", bà Vân nhận định.
Để tạo nên sức mạnh tổng hợp cũng cần gắn kết các di sản trong nước với nhau. Việt Nam hiện đã có Câu lạc bộ các Di sản thế giới.
Bà Vân đặt tiếp vấn đề là các di sản cần gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, đồng thời câu lạc bộ di sản của Việt Nam cũng kết nối với các di sản thế giới của khu vực và trên toàn cầu.
"Hồi tháng 8, Anh đã công bố bản đồ mạng lưới 58 danh hiệu UNESCO, gợi ý đó là những điểm đến nên trải nghiệm trong mùa hè. Khi đến thì nên đi các điểm này, theo chặng này.
Đó là thứ chúng ta có thể học hỏi và Ủy ban quốc gia UNESCO nên phát huy vai trò trong việc kết nối chung này", bà Vân chia sẻ.
Bên cạnh đó, một trong những xu hướng hiện nay là tận dụng những lợi thế của công nghệ số trong việc quảng bá, phát huy những giá trị danh hiệu. Bà Vân đề cập đến việc sử dụng các mạng xã hội như Instagram, Twitter, Facbebook và cả các KOL.
"Khi Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay sang thăm Việt Nam, bà đã đăng 7 tweet về Việt Nam và nhận được hàng trăm, hàng nghìn lượt like, retweet Tôi nghĩ rằng đấy là một cách có thể giới thiệu nhanh nhất về Việt Nam", Đại sứ Lê Thị Hồng Vân phân tích.
UNESCO mong Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm
Tháng 11-2023, Việt Nam đã lần thứ hai trúng cử vào Ủy ban Di sản thế giới - một trong những ủy ban quyền lực nhất trong UNESCO, nơi có thể quyết định các hồ sơ di sản thế giới và ngân sách cho việc bảo tồn di sản ở các quốc gia.
Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO Lazare Eloundou Assomo trong các chuyến thăm Việt Nam đã khẳng định Việt Nam là điển hình của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, giữa phát triển kinh tế và phát huy giá trị văn hóa.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân khẳng định Việt Nam có thể đóng góp vào việc chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho các quốc gia, những nước đang phát triển, các nước châu Phi, các nước đảo nhỏ.
Việt Nam cũng sẽ có rất nhiều cơ hội, có điều kiện tham gia dẫn dắt, định hình các đường lối, chính sách của UNESCO về vấn đề văn hóa, di sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận