Một dự án điện gió gồm 12 tuabin (được chia thành hai giai đoạn), hiện mới chỉ một nửa được đưa vào vận hành thương mại - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Tại công văn số 1876, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an) cho biết đang thu thập thông tin, tài liệu về tình hình cấp phép, đầu tư các dự án điện gió tại Việt Nam.
Theo văn bản, có 62 dự án không kịp vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 để hưởng giá bán điện ưu đãi theo quyết định 37 và 39 của Thủ tướng. Do đó, chủ đầu tư các dự án điện gió không có doanh thu, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ vay cho các tổ chức tín dụng.
Cục Cảnh sát kinh tế cho hay để tham mưu cho Chính phủ về cơ chế, chính sách mua bán điện từ các dự án điện gió vận hành sau 1-11-2021, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, đề nghị cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước phối hợp, rà soát cung cấp thông tin, tài liệu về các hợp đồng tín dụng, tình hình dư nợ, phân loại nợ đối với chủ đầu tư của 62 dự án điện gió và các dự án có tình trạng tương tự.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chủ đầu tư một dự án năng lượng cho biết phần lớn các dự án điện gió đều phải vay vốn ngân hàng, do đó các chủ đầu tư phải đảm bảo trả cả gốc lẫn lãi, khi đã rót vốn nhưng dự án vẫn chưa có doanh thu sẽ ảnh hưởng lớn đến bài toán tài chính cho cả chủ đầu tư lẫn ngân hàng.
Vị này cũng cho biết bài toán mà doanh nghiệp và ngân hàng đưa ra là kịp vận hành thương mại (COD) và bán với mức giá ưu đãi theo quyết định 39.
Cụ thể, dự án vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 sẽ hưởng giá bán điện ưu đãi 8,5 cent/kWh với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh với điện gió ngoài khơi trong thời gian 20 năm.
Tuy nhiên, khi dự án không có doanh thu không chỉ ảnh hưởng đến bài toán tài chính trong ngắn hạn mà sau này, nếu đấu thầu hoặc có các chính sách mua bán điện với mức giá thấp hơn nhiều so với quyết định 39, các chủ đầu tư cũng như các ngân hàng cũng thiệt hại nặng do mọi bài toán đều dựa trên thông số đầu vào kịp hưởng giá ưu đãi.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong số 146 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, chỉ có 84 dự án kịp vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 với tổng công suất hơn 3.980 MW, 62 dự án với tổng công suất trên 3.479 MW không kịp vận hành thương mại trước khi chính sách khuyến khích hết hạn.
Để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư điện gió, Bộ Công thương đã đề xuất Chính phủ chuyển sang cơ chế đấu thầu mua điện, tuy nhiên đến nay Chính phủ chưa ban hành các chính sách mua điện cụ thể cho các dự án điện gió, kể cả dự án điện mặt trời không kịp vận hành thương mại theo thời hạn trong các quyết định của Thủ tướng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận