Một bệnh nhi vẫn phải lọc máu liên tục, nghi do bị ngộ độc thực phẩm - Ảnh: B.A.
Thông tin ban đầu, khoảng 14h chiều 3-5, bệnh viện tiếp nhận 6 trẻ là anh em trong cùng gia đình nhập viện trong tình trạng nôn ói, tiêu chảy, mệt, khó thở… Các bé được chuyển tới khoa hồi sức tích cực - chống độc để điều trị.
Trong số 6 bệnh nhi có 2 bé diễn tiến xấu hơn, nôi ói, co giật, tiêu chảy, xuất hiện các cơn ngưng tim, thở chậm, suy hô hấp phải thở máy, lọc máu, thay huyết tương.
Mặc dù được điều trị tích cực, nhưng sau đó một bé diễn tiến xấu hơn, tổn thương đa cơ quan như tim, thần kinh và tử vong vào hôm qua 4-5. Bé còn lại hiện đang tiếp tục được điều trị lọc máu liên tục.
Đối với 4 bệnh nhi còn lại tình trạng có tốt hơn. Trong đó 3 bệnh nhi đã ổn định, được chuyển sang khoa khác theo dõi. Bệnh nhi còn lại nhịp tim còn chậm, nên được giữ lại khoa theo dõi thêm.
Bác sĩ Phạm Thị Kiều Trang, phó khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho hay ngộ độc nặng như thế này trước đây chỉ có ngộ độc paraquat, phốt pho hữu cơ và nấm. Tuy nhiên đã lâu không gặp chùm ca bệnh nặng như thế này. Đặc biệt, 2 bệnh nhi có biểu hiện rất nặng, phải lọc máu liên tục, thay huyết tương, dùng cục lọc để hấp thụ độc chất cho các bệnh nhi.
"Ngay khi các bé nhập viện, bệnh viện đã liên tục hội chẩn với tuyến trên như Trung tâm chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 và thành phố, các chuyên gia đầu ngành để đưa ra được phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhi" - bác sĩ Trang nói.
Theo người nhà các bệnh nhi, khoảng 9h sáng 3-5, người nhà mua bánh mì kẹp patê, chà bông cho cả nhà cùng ăn. Đến 12h, cả nhà cùng ăn cơm trắng, canh mồng tới nấu với tôm, thịt bò xào hành tây và bò lagu.
Sau ăn khoảng 15 phút, một bé có triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, co giật và ngất xỉu. Sau đó, 5 bé khác cũng xuất hiện triệu chứng tương tự nên được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu điều trị. Sau khi sơ cứu, các bé được chuyển viện lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu.
Người nhà bệnh nhân cho biết các bé cũng thường xuyên ăn bánh mì, nên không thể đổ thừa do loại thực phẩm này. Ngoài 6 trẻ trên, 1 người lớn cùng ăn chung cũng có biểu hiện ngộ độc như trên.
Liên quan vụ việc, ngày 4-5, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai đã đến lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm độc tính, xác định nguyên nhân cụ thể gây ngộ độc cho các bệnh nhi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận