06/09/2022 06:57 GMT+7

6 tháng chiến sự Nga thu được 158 tỉ euro nhờ xuất khẩu nhiên liệu

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Ngày 6-9, Trung tâm nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch (CREA) công bố báo cáo cho biết Nga thu được 158 tỉ euro nhờ xuất khẩu nhiên liệu trong 6 tháng sau khi tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.

6 tháng chiến sự Nga thu được 158 tỉ euro nhờ xuất khẩu nhiên liệu - Ảnh 1.

Nga thu được 158 tỉ euro nhờ xuất khẩu nhiên liệu sau 6 tháng chiến sự - Ảnh: REUTERS

Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) chi trả hơn một nửa số tiền này, với 85,1 tỉ euro. Sau đó là Trung Quốc với 34,9 tỉ euro và Thổ Nhĩ Kỳ với 10,7 tỉ euro.

CREA - tổ chức có trụ sở tại Phần Lan - kêu gọi phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt có hiệu quả hơn với Nga.

"Giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao có nghĩa là doanh thu hiện tại của Nga cao hơn nhiều so với các năm trước, dù giảm khối lượng xuất khẩu của năm nay", báo cáo của CREA cho biết.

Theo Hãng tin AFP, giá khí đốt gần đây đã tăng lên mức kỷ lục ở châu Âu do Nga cắt giảm nguồn cung. Giá dầu thô cũng tăng sau chiến dịch đặc biệt tại Ukraine của Nga ngày 24-2 dù đã giảm trở lại.

CREA cho biết: "Xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đã mang về khoảng 43 tỉ euro cho ngân sách liên bang của Nga kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt, giúp tài trợ cho hoạt động của Nga ở Ukraine".

Mặc dù EU đã ngừng mua than của Nga, nhưng khối này chỉ cấm hạn chế với dầu của Nga và không áp dụng bất kỳ giới hạn nào về việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên, loại nhiên liệu mà EU phụ thuộc vào Nga.

Theo CREA, lệnh cấm nhập khẩu than của EU có hiệu quả vì xuất khẩu than đá của Nga rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến sự Ukraine. Tổ chức này kêu gọi cần mạnh mẽ hơn với xuất khẩu dầu của Nga.

Cụ thể, CREA đề xuất "EU phải cấm sử dụng các tàu thuộc sở hữu của châu Âu và cấm sử dụng các cảng châu Âu để vận chuyển dầu của Nga đến các nước thứ ba. Vương quốc Anh và EU có thể yêu cầu ngành bảo hiểm của mình ngừng tham gia bảo hiểm cho các tàu chở dầu Nga".

EU (trừ ba thành viên) đang chuẩn bị cấm nhập khẩu xăng dầu của Nga kể từ ngày 5-12, và ngăn các công ty bảo hiểm châu Âu bảo hiểm vận chuyển dầu đến các điểm đến không thuộc EU.

Theo chuyên gia, nếu lệnh cấm bảo hiểm được đưa ra, nguồn cung của Nga sẽ thực sự giảm.

Ngày 2-9, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí thông qua quyết định áp trần giá dầu nhập khẩu của Nga.

Một số nhà phân tích cảnh báo động thái chưa từng có tiền lệ này có thể thúc đẩy một đợt tăng giá mới của dầu mỏ.

Nga tiếp tục đe dọa Nga tiếp tục đe dọa 'không bán dầu lẫn khí đốt' nếu bị áp giá trần

TTO - Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo EU sẽ không có miếng khí đốt nào từ Nga nếu áp giới hạn trần giá mặt hàng này. Điện Kremlin cùng ngày 2-9 cảnh báo sẽ không bán dầu cho nước nào áp giới hạn trần giá.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên