01/07/2024 18:33 GMT+7

6 tháng chỉ giải ngân 13,8%, TP.HCM lại 'đau đầu' vì đầu tư công

6 tháng đầu năm, TP.HCM chỉ giải ngân được khoảng 13,8%. 6 tháng còn lại, mỗi tháng TP.HCM phải giải ngân 13%, bằng giải ngân của 6 tháng đầu năm.

Thường trực UBND TP.HCM chủ trì phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 6 - Ảnh: TTBC

Thường trực UBND TP.HCM chủ trì phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 6 - Ảnh: TTBC

Chiều 1-7, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 6. Đánh giá về tình hình tăng trưởng kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Khắc Hoàng - cục trưởng Cục Thống kê TP - cho rằng mặc dù GRDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 6,46%, nhưng bức tranh kinh tế của TP.HCM đang chậm lại so với cả nước.

Nếu như quý 1 GRDP tăng 6,54%, cao hơn bình quân cả nước 0,67%, thì đến quý 2 chỉ còn 6,34%, thấp hơn cả nước 0,62%.

6 tháng chỉ giải ngân đầu tư công được 13,8%

Trong đó, ngành xây dựng được TP kỳ vọng tăng trưởng cao nhưng đến quý 2 chỉ tăng 4,1%, trong khi quý 1 tăng 7,9%. Một trong những nguyên nhân mà ông Hoàng đưa ra là do ảnh hưởng của giải ngân đầu tư công.

Đến nay dù đã nửa năm trôi qua, TP.HCM mới chỉ giải ngân gần 10.963 tỉ, đạt trên 13,8%. Quý 1 giải ngân 7% thì quý 2 chỉ giải ngân 6,8%, trong khi TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân đến quý 2 phải trên 22%.

"Như vậy 6 tháng còn lại, mỗi tháng TP.HCM phải giải ngân 13%, bằng giải ngân của 6 tháng đầu năm, liệu có làm nổi", ông Hoàng băn khoăn.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: TTBC

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: TTBC

"Mỗi tháng giải ngân 10.000 tỉ là có thể làm được"

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp về giải ngân vốn đầu tư công, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng hiện nay giải ngân đầu tư công vướng mắc ở thủ tục thực hiện và điều chỉnh quy hoạch. TP.HCM đặt mục tiêu đến quý 2 giải ngân khoảng 30% nhưng đến nay chỉ mới đạt 13,8%, chỉ đạt 1/2 của cả nước.

"Tuần rồi chúng ta giải ngân được khoảng 2.716 tỉ đồng. Như vậy mục tiêu đề ra giải ngân 10.000 tỉ/tháng hoàn toàn có thể làm được. Giải ngân đầu tư công đến nay không đạt thì chúng ta phải phân tích để rút ra bài học", ông Mãi nói.

Ông Mãi cho biết TP.HCM sẽ có chuyên đề riêng bàn về đầu tư công nhưng trước mắt ông đề nghị các đơn vị tập trung các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Ông Mãi đề nghị các ban của TP.HCM rà soát nếu dự án nào có thể chuyển giao để quận huyện làm nhanh hơn thì đề xuất với TP.HCM, trên tinh thần thủ tục chuyển giao phải làm nhanh nhất có thể.

Ông cũng yêu cầu các sở ban ngành, quận huyện rà soát các dự án, đề xuất điều chỉnh vốn đầu tư công gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND TP để xin ý kiến HĐND TP.HCM điều chỉnh kịp thời.

Nếu không tập trung, tiến độ vành đai 3 TP.HCM của TP sẽ chậm hơn các tỉnh khác

Với tình hình giải ngân này, theo ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - là đáng lo. Ông Lâm cho rằng nếu tiếp tục đà giải ngân này thì không khéo giải ngân năm nay không bằng năm ngoái.

Hiện nay hai vướng mắc lớn của đầu tư công là quy hoạch và bồi thường giải phóng mặt bằng được lãnh đạo TP.HCM họp tháo gỡ thuờng xuyên nhưng chưa có nhiều chuyển biến.

Thông tin thêm về tiến độ một số dự án trọng điểm, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng cần tập trung cho đề án cảng Cần Giờ, hệ thống đường sắt đô thị. Với dự án vành đai 3 TP.HCM, nếu không tập trung cao độ sẽ chậm hơn các tỉnh thành khác.

Về metro số 1, TP.HCM đang chuẩn bị các điều kiện để đưa vào khai thác vận hành cuối năm nay. Sở Giao thông vận tải cũng đang xây dựng các quy định để đưa vào khai thác thương mại, triển khai hạ tầng giao thông kết nối với metro, chuẩn bị sẵn sàng để vận hành.

Liên quan đến đề án thu phí lòng đường, vỉa hè, ông Lâm cho biết hiện nay có một số địa phương triển khai không tích cực. Lý do không đủ ngân sách, lực lượng để thực hiện.

"Phải xem xét lại vì khi xây dựng đề án đã lấy ý kiến các địa phương nhưng đến khi thực hiện lại báo vướng", ông Lâm nói và đề nghị các địa phương nhanh chóng triển khai vì đây là công cụ quản lý đô thị chứ không phải hướng vào việc thu phí.

TP.HCM kiểm soát lạm phát tốt trước tăng lương cơ sở

Về tình hình kiềm chế lạm phát, ông Nguyễn Khắc Hoàng - cục trưởng Cục Thống kê TP - cho biết 6 tháng đầu năm, lạm phát của TP.HCM chỉ tăng 3,56%, thấp hơn với cả nước.

Đây là chỉ số tốt bởi ông cho rằng thông thường khi có các thông tin về tăng lương thì giá cả thường tăng cao. Tuy nhiên ông Hoàng cho rằng TP.HCM cần tiếp tục các chương trình bình ổn thị trường, nhất là trong bối cảnh tỉ giá USD đang tăng, ảnh hưởng chi phí nguyên liệu đầu vào.

Chủ tịch TP.HCM phê bình giải ngân quá chậm, 193 dự án với 28.500 tỉ đang tắcChủ tịch TP.HCM phê bình giải ngân quá chậm, 193 dự án với 28.500 tỉ đang tắc

Có 29 kiến nghị được UBND TP.HCM chỉ đạo tháo gỡ 2 lần nhưng các đơn vị vẫn chậm trễ, chưa giải quyết dứt điểm, làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên