15/01/2016 16:13 GMT+7

6 điều giúp bạn sống sót khi gặp khủng bố như ở Jakarta

TƯỜNG VY
TƯỜNG VY

TTO - Phản ứng thật nhanh, tìm chỗ nấp, chống trả khi có thể, giúp người khác... là những điều chuyên gia khuyên bạn nên làm khi chẳng may rơi vào một vụ khủng bố như vụ ở Jakarta hay Paris.

Đám đông tụ tập sau vụ tấn công ở Jakarta ngày 14-1. Theo các chuyên gia, đây là việc làm không nên vì có thể khiến bản thân bạn gặp nguy hiểm - Ảnh: EPA
Đám đông tụ tập sau vụ tấn công ở Jakarta ngày 14-1. Theo các chuyên gia, đây là việc làm không nên vì có thể khiến bản thân mọi người gặp nguy hiểm - Ảnh: EPA

Đây là lời khuyên của các chuyên gia an ninh chia sẻ với hãng tin BBC khi Paris bị khủng bố ngày 13-11-2015. Sau khi xảy ra vụ tấn công ở Jakarta (Indonesia) ngày 14-1, The Straits Times đã đăng tải lại.

Dưới đây là những điều chuyên gia khuyên bạn nên làm nếu chẳng may rơi vào một vụ khủng bố:

1. Chuẩn bị cho mọi tình huống

Nhiều người sống sót sau vụ tấn công Paris cho biết họ đã nhầm tiếng súng là tiếng pháo hoa. 

Theo John Leach, một nhà tâm lý học sinh tồn kiêm huấn luyện viên sinh tồn quân sự, điều này là bình thường. Những người không cho rằng tiếng nổ là tiếng súng bởi họ không trông đợi vụ xả súng xảy ra.

Tuy nhiên, việc mất một khoảng thời gian mới nhận ra chuyện gì đang xảy ra có thể sẽ khiến họ mất mạng.

Do đó theo Leach, hãy luôn tự hỏi bản thân rằng nếu có chuyện xảy ra, đầu tiên bạn sẽ phản ứng thế nào. Ngoài ra cần luôn chú ý tới các lối thoát hiểm, bởi điều này có thể cứu mạng bạn và người khác.

2. Phản ứng thật nhanh

Phần lớn mọi người thường bối rối không biết làm gì khi vụ tấn công xảy ra.

Leach cho biết ông đã quan sát nhiều tình huống đe dọa sinh mạng trên thế giới và thấy rằng chỉ 15% người có phản ứng theo cách thức sẽ giúp họ sống sót. Khoảng 75% quá sợ nên gần như không thể phản ứng gì. 10% còn lại phản ứng theo cách làm giảm cơ hội sống sót của họ và cả người khác.

Khi gặp khủng bố, hành động quyết đoán có thể giúp cơ hội sống sót tăng cao, theo Leach.

3. Biến bản thân thành mục tiêu nhỏ hơn

"Hãy nấp vào bất kỳ vật cản nào, vì nó sẽ che đạn cho bạn”, cựu quân nhân Anh Ian Reed khuyên. Ông từng là huấn luyện viên quân đội và hiện là giám đốc điều hành công ty an ninh Formative Group.

Theo Reed, khi gặp tình huống khủng bố, điều đầu tiên nên làm là tránh khỏi hướng tấn công của kẻ khủng bố và biến bản thân trở thành mục tiêu nhỏ hơn bằng cách thụp xuống đất, sau đó tìm chỗ tránh đạn. Những chỗ nấp chắc chắn, như bức tường bêtông, là lựa chọn tốt nhất.

Trong một số tình huống, giả chết hoặc chạy trốn có thể cứu mạng bạn.

4. Chống trả khi có thể

Trong thực tế, đã có trường hợp mọi người khống chế thành công tay súng, như vụ tàu hỏa ở Pháp hồi tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên chỉ tấn công khi có điều kiện.

Như trong vụ ở Pháp, các hành khách tấn công tay súng khi thấy khẩu súng của hắn bị kẹt đạn. Ngoài ra những hành khách này đều là người có kinh nghiệm chiến đấu (1 người là binh sĩ Không quân Mỹ, 1 người thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ).

Reed nói rằng sẽ không khôn ngoan nếu bạn tấn công một tay súng khi bản thân chưa hề qua huấn luyện chiến đấu. Ngoài ra, nhiều kẻ tấn công có thể hoạt động theo nhóm hỗ trợ nhau, chưa kể chúng có thể mặc áo giáp và mang theo chất nổ bên người...

Một số chuyên gia khác cho rằng tinh thần sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết là rất quan trọng. “Nếu biết rằng mình sắp bị bắn, tôi sẽ không chấp nhận chết mà không hề kháng cự", chuyên gia tâm lý và đàm phán con tin James Alvarez nói.

5. Vẫn cảnh giác sau khi chạy thoát

Theo ông Reed, sau khi đã thoát khỏi tình huống nguy hiểm, vẫn cần cảnh giác cao độ. “Hãy chạy xa nhất có thể, di chuyển sau các vật che chắn và tới cơ quan chức năng gần nhất để nhờ giúp đỡ", Reed khuyên. 

Ông cũng nói việc đi tới nhóm đông người ở gần khu vực nguy hiểm hay lên các phương tiện vận tải cộng đều có thể gây nguy hiểm.

“Hãy luôn giả định rằng những kẻ khủng bố đã gài bom ở nơi nào đó hoặc lên kế hoạch thực hiện vụ tấn công tiếp theo”, Reed nói. Tốt nhất nên hỏi thăm cảnh sát hoặc các lực lượng có liên quan, vì họ có thể biết rõ tình hình hơn bạn.

6. Giúp người khác

Chris Cocking - một chuyên gia tâm lý xã hội và hành vi đám đông, cho biết trong trường hợp xảy ra tấn công khủng bố, hợp tác, giúp đỡ những người khác có thể giúp tăng cơ hội sống sót của mọi người.

TƯỜNG VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên