09/05/2022 09:57 GMT+7

5 cách giúp sinh viên chăm sóc sức khỏe tinh thần

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Một khảo sát tại Mỹ cho thấy, từ năm 2012 đến 2018, số vụ cố gắng tự tử ở sinh viên đại học đã tăng gấp đôi. Kể từ sau đại dịch, nhiều trường đại học đã bày tỏ mối quan tâm ngày càng tăng đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên.

5 cách giúp sinh viên chăm sóc sức khỏe tinh thần - Ảnh 1.

Cần thể hiện sự cởi mở và cam kết đối với sức khỏe tinh thần của sinh viên - Ảnh: Center for American Progress

Tháng 9-2020, 61% hiệu trưởng trường đại học công lập xác định sức khỏe tâm thần của sinh viên là mối quan tâm hàng đầu. Một năm sau, con số đó đã tăng vọt lên 71%.

Max Coleman, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Indiana (Mỹ), đã đưa ra 5 giải pháp giúp giảng viên quan tâm và hỗ trợ sinh viên của mình chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt hơn.

1 Đưa ra các tín hiệu hỗ trợ trong lớp

Hiện nay, ngoài việc cung cấp thông tin về các nguồn lực và hỗ trợ dành cho sinh viên khuyết tật, các trường đang ngày càng quan tâm hơn đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên. Giáo viên cần phải thể hiện sự cởi mở và cam kết của họ đối với sức khỏe tinh thần của học sinh. 

Trong những giai đoạn căng thẳng, chẳng hạn như kỳ thi giữa kỳ hoặc cuối kỳ, giáo viên có thể chủ động đưa ra những thông điệp thể hiện sự chia sẻ và thấu cảm, chẳng hạn như: "Tôi biết đây là thời gian căng thẳng. Hãy liên hệ với tôi nếu các bạn cảm thấy mình bị tụt lại phía sau hoặc nếu bạn chỉ muốn nói chuyện". 

Những câu nói mang tính đồng cảm này sẽ giúp hướng sinh viên đến các nguồn lực thiết yếu khi họ cần hỗ trợ.

2 Xác định những sinh viên có nguy cơ

Một nghiên cứu của Trường Y tế công cộng Đại học Boston cho thấy 71% giảng viên đánh giá cao các bài kiểm tra giúp họ xác định những sinh viên đang gặp phải tình trạng hỗn loạn cảm xúc.

Dù các dấu hiệu cảnh báo có thể khác nhau ở từng học sinh, nhưng một số dấu hiệu chính bao gồm: kết quả học tập sa sút đột ngột, nghỉ học nhiều lần, không đáp ứng với giao tiếp cộng đồng và những thay đổi về cân nặng, bề ngoài hoặc tính cách.

3 Đặt câu hỏi, thuyết phục, giới thiệu

Đối với các sinh viên đang gặp vấn đề về tâm lý, giáo viên có thể áp dụng QPR (Question, Persuade, Refer) - một phương pháp giao tiếp phòng chống tự tử thông qua việc đặt câu hỏi, thuyết phục và giới thiệu sinh viên đến những phòng khám hoặc trung tâm hỗ trợ tư vấn tâm lý.

Trước tiên, hãy hỏi sinh viên một cách nhẹ nhàng sau giờ học, trong giờ hành chính hoặc qua email. "Có thể hỏi sinh viên: Những ngày này trông bạn có vẻ hơi sa sút, mọi thứ ổn chứ?" - giáo sư David Gooblar tại Đại học Iowa chia sẻ lời khuyên mà ông học được từ giám đốc dịch vụ tư vấn của trường. 

Nếu bạn lo sợ học sinh của mình có thể tự tử, hãy hỏi trực tiếp: "Bạn có nghĩ đến việc tự sát không?". Nhiều người tin rằng đặt câu hỏi này sẽ làm trầm trọng thêm ý nghĩ tự tử, nhưng thực tế là câu hỏi này sẽ giúp sinh viên bày tỏ suy nghĩ. Từ đó, giáo viên có thể kịp thời đưa ra sự trợ giúp cần thiết.

4 Trao đổi về các vấn đề, sự kiện vừa xảy ra

Những sự kiện như các vụ tự tử có liên quan đến sức khỏe tâm thần xảy ra trong cuộc sống hằng ngày thực chất có những tác động nhất định đến suy nghĩ của sinh viên, đặc biệt là đối với những ai đang gặp bất ổn về tâm lý.

Active Minds - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên thúc đẩy sức khỏe tâm thần, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, thông qua đối thoại và tương tác - khuyên "hãy cho sinh viên cơ hội chia sẻ suy nghĩ của họ bất cứ khi nào về những sự kiện lớn đã xảy ra trong khuôn viên trường, trong cộng đồng hoặc quốc gia, đặc biệt là những sự kiện bạn nghi ngờ đang luẩn quẩn trong đầu sinh viên".

5 Đừng quên sức khỏe tinh thần của chính bạn

Một khảo sát năm 2021 cho thấy nhiều giáo viên nhấn mạnh việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên cũng đồng nghĩa với chăm sóc cho chính giảng viên. Khi giảng viên đang ở trong trạng thái mệt mỏi hoặc bất ổn về tâm lý, có thể họ cần đặt ra ranh giới với sinh viên để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Giảng viên cần tìm đến các nguồn lực hỗ trợ cho mình trước, và luôn có các giải pháp giữ cho sức khỏe tinh thần ổn định.

Giúp sinh viên nhận lại chính mình sau khi nhiễm COVID-19 Giúp sinh viên nhận lại chính mình sau khi nhiễm COVID-19

TTO - Sau khi quay trở lại trường để học trực tiếp, một lượng lớn sinh viên tại Đà Nẵng phải đối diện với nỗi ám ảnh khi phát hiện mình dương tính với COVID-19. Nhiều cuộc tham vấn, chia sẻ được tổ chức để giúp sinh viên ổn định tâm lý.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên