08/04/2022 08:42 GMT+7

Cha mẹ hỏi con ăn, học, ít quan tâm tinh thần

HỒNG HÀ
HỒNG HÀ

TTO - Gần nửa tháng nay có tới 5 trẻ em tự tử, xã hội rúng động, nhiều gia đình xôn xao, vấn đề sức khỏe tinh thần của trẻ lại một lần nữa nổi sóng.

Cha mẹ hỏi con ăn, học, ít quan tâm tinh thần - Ảnh 1.

TS Lê Minh Công (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) tư vấn tâm lý trong dịch COVID-19. Cha mẹ đừng ngại ngần tham vấn bác sĩ, nhà tâm lý nếu thấy con có bất thường - Ảnh: NVCC

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, ở Việt Nam tự sát là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở trẻ 10-19 tuổi. Nghiên cứu trong nhóm 15-24 tuổi, tỉ lệ có ý tưởng tự sát và toan tự sát là 2,3%.

Cha mẹ hay hỏi con ăn chưa, về nhà chưa...

Học sinh THPT là nữ hiện đang điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần. Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ Hồ Thu Yến (Viện sức khỏe tâm thần) cho biết cháu nói mẹ gây áp lực bắt học nhiều, ngoài học trên trường cả hai buổi còn đi học thêm, có ngày hai ca học thêm, không có thời gian ôn bài và chuẩn bị, cháu sợ học sợ đến lớp, sợ nói chuyện với bạn, hay lấy lý do mệt để không học trực tuyến.

Do cháu học tập giảm sút, mẹ cháu đã xin cô giáo cho cháu đến nhà học thêm, các bạn trong lớp biết chuyện thì tẩy chay. Đến tháng 10-2021 cháu thấy chán nản, buồn nhiều hơn, hay khóc lóc, tự ti, bi quan, có ý tưởng muốn chết và giải tỏa căng thẳng bằng cách cắt cổ tay.

Cháu đã được gia đình đưa đến khám tại Viện sức khỏe tâm thần, bác sĩ đánh giá cháu không có hoang tưởng, nhưng có ảo thanh về lời nói, trầm cảm nặng, có hành vi tự hủy hoại. Cháu đã được điều trị cho đến nay và hiện có tiến triển tốt.

"Qua thăm khám tại phòng khám tâm thần nhi, nhiều cha mẹ đến thấy ngỡ ngàng vì cha mẹ luôn nghĩ hành vi, ý nghĩ toan tự tử mà con nói không có ở con mình, mà có thể ở đâu đó. 

Cha mẹ hay quan tâm đến thông tin chung như con có đi học đầy đủ không, về nhà mấy giờ, con ăn chưa…, còn vấn đề như bạn bè con ra sao, con gặp áp lực gì thì cha mẹ thiếu thông tin ấy" - bác sĩ Hoàng Yến, Viện sức khỏe tâm thần, chia sẻ.

Bác sĩ Yến cũng chia sẻ có nhiều trẻ kể con không ngủ được từ nhiều ngày nay, con luôn tắt điện ngồi một mình trong phòng mà bố mẹ không biết. Khi con kể về ý nghĩa toan tự tử, có gia đình thực sự lo lắng, tự trách, nhưng có gia đình lại trách con và từ đó lại gia tăng thêm áp lực cho trẻ. 

"Thậm chí có gia đình yêu cầu không nói lại về câu chuyện đó nữa, nhưng với trẻ khi kể lại và được can thiệp, chia sẻ, đó là khi trẻ kêu cứu, giãi bày"- bác sĩ Yến nói.

Hãy làm bạn với con

Các vấn đề trẻ gặp mà xã hội đang xôn xao có thể gặp đâu đó, trong bất kỳ gia đình nào. Theo bác sĩ Yến, thực tế chúng ta chưa chú ý nhiều đến vấn đề tử vong do tự sát ở thanh thiếu niên, trong khi đây là vấn đề nổi cộm và có thể "lây lan".

Các bác sĩ cũng cho rằng thời gian dịch COVID-19 thường xuyên ở trong nhà, giãn cách xã hội, học online và không được gặp bạn bè, bác sĩ nhận thấy số trẻ bị stress nhiều hơn trước đây. Bên cạnh đó, môi trường Internet trong khi trẻ chưa có "bộ lọc" tốt cũng làm trẻ dễ tiếp xúc với các thông tin "độc".

"Lúc này rất cần vai trò của gia đình, nếu gia đình để ý đến trẻ thì sẽ dễ thấy các biểu hiện bất thường, ví dụ như các cháu giảm tập trung, thu mình, không muốn tiếp xúc, đóng kín các mối quan hệ" - bác sĩ Yến cho biết.

"Lúc này nếu cha mẹ cùng trò chuyện với trẻ, hay khi mẹ con cùng nấu ăn, mẹ có thể hỏi ngày hôm nay con đi học như thế nào, mẹ nhận xét trông con không được vui như mọi ngày, khi đó trẻ có cơ hội kể câu chuyện ở trường học và bắt kịp nếu có xu hướng, ý nghĩ tiêu cực. Nếu cha mẹ không để ý sẽ dễ bỏ qua và để lỡ cơ hội hiểu hơn về con" - bác sĩ Yến nói thêm.

Theo bác sĩ Tuấn, trên 90% người có hành vi tự sát có dấu hiệu liên quan sức khỏe tâm thần, ở trẻ em các dấu hiệu này có thể nhận ra, thông qua các biểu hiện như trẻ không tập trung, ý nghĩ không bình thường, học chểnh mảng… 

Qua kinh nghiệm điều trị, bác sĩ Yến cho rằng các trường hợp được can thiệp dự phòng đều có kết quả điều trị khả quan.

Các gia đình quan tâm và cần hỏi thêm về sức khỏe tinh thần của con mình cũng có thể gọi đến đường dây nóng của Viện sức khỏe tâm thần: 0984.104.115 để được tư vấn thêm. Làm bạn với con không bao giờ là quá muộn.

Ước chừng 1/5 (khoảng 20%) thanh thiếu niên có các rối loạn về sức khỏe tâm thần và cảm xúc cần được phát hiện và điều trị.

Các rối loạn tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên có nguyên nhân từ các yếu tố sinh học, môi trường hoặc kết hợp cả hai.

Điều quan trọng là cộng đồng xã hội và gia đình cần kết hợp để tổ chức được các dịch vụ nhằm phát hiện, can thiệp và giải quyết sớm các rối loạn tâm thần trong thanh thiếu niên.

(Nguồn: Bệnh viện tâm thần Mai Hương)

Biết cả thế giới nhưng cha mẹ không cho xăm cũng đòi chết Biết cả thế giới nhưng cha mẹ không cho xăm cũng đòi chết 'cho cha mẹ biết tay'

TTO - "Giới trẻ bây giờ hiểu biết rộng nhưng rất mềm yếu.. Có học sinh tâm sự với tôi là không còn thấy cuộc đời này có ý nghĩa gì nữa khi bị bạn thân nghỉ chơi. Xin xăm hình trái tim trên gáy nhưng ba mẹ không cho, có em cũng đòi chết...".

HỒNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: cha mẹ Tự tử trẻ em