10/12/2020 09:16 GMT+7

46 bang kiện Facebook độc quyền, dùng tiền để vùi dập đối thủ

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Đối mặt với sự cạnh tranh, Facebook đã áp dụng chiến thuật "mua hoặc chôn" để bắt kịp đối thủ lớn và giết chết những đối thủ nhỏ nhưng có tiềm năng trước khi các công ty này đủ sức thách thức Facebook.

46 bang kiện Facebook độc quyền, dùng tiền để vùi dập đối thủ - Ảnh 1.

Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg trong một cuộc điều trần tại Ủy ban tài chính Hạ viện Mỹ năm 2019 - Ảnh: REUTERS

Facebook đang đứng trước nguy cơ phải bán tháo WhatsApp hoặc Instagram sau khi Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) và 46/50 tiểu bang khởi kiện mạng xã hội này độc quyền, làm ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Đơn kiện của FTC và 46 tiểu bang là riêng biệt nhau, do cơ quan chống độc quyền ở những bang này đệ trình nhưng cùng nhắm tới hành vi gây tranh cãi của Facebook. Cả hai đơn kiện đều được đệ trình trong cùng ngày 9-12 (giờ Mỹ).

Thủ đô Washington D.C và lãnh thổ Guam thuộc Mỹ cũng tham gia đơn kiện chung với 46 bang khác. Hãng tin Reuters nhận xét gần như mọi tiểu bang và vùng lãnh thổ của Mỹ đã hợp sức chống lại Facebook. Alabama, Georgia, South Carolina và South Dakota không tham gia vụ kiện.

Theo FTC, công ty của Mark Zuckerberg đã sử dụng chiến thuật "mua hoặc chôn" để bắt kịp các đối thủ lớn và giết chết những đối thủ nhỏ nhưng có tiềm năng.

"Trong gần một thập kỷ, Facebook đã sử dụng sự thống trị và sức mạnh độc quyền của mình để đè bẹp các đối thủ nhỏ hơn, loại bỏ sự cạnh tranh", tổng chưởng lý New York Letitia James đại diện cho liên minh 48 tiểu bang và vùng lãnh thổ nhấn mạnh.

Đơn kiện tập thể của các tiểu bang chỉ ra việc Facebook mua lại các đối thủ, điển hình như thương vụ mua lại Instagram với giá 1 tỉ USD vào năm 2012 và ứng dụng nhắn tin WhatsApp với giá 19 tỉ USD vào năm 2014. Theo bà James, những công ty này đã bị Facebook "nuốt chửng" trước khi kịp lớn và đe dọa được Facebook.

Đại diện pháp lý của Facebook, bà Jennifer Newstead đã gọi các đơn kiện chống lại công ty này là "xét lại lịch sử", cho rằng luật chống độc quyền không nên được sử dụng để "trừng phạt các công ty thành công".

Bà Newstead nhấn mạnh WhatsApp và Instagram đã thành công sau khi được Facebook đầu tư hàng tỉ USD cho việc phát triển ứng dụng.

Không có dấu hiệu nào cho thấy Facebook sẽ bị khuất phục, phải bán tháo hai nền tảng trên. Trong một cuộc họp hồi tháng 7-2020, Zuckerberg tuyên bố sẽ "chơi tới cùng" về mặt pháp lý để giữ Facebook nguyên vẹn.

Bất lợi của Facebook hiện nay, theo giới quan sát công nghệ, là thái độ thiếu thiện cảm của xã hội. Trong một đoạn ghi âm có từ năm 2008 nhưng mới được công bố gần đây, Zuckerberg đã xác định rõ chiến lược "thà bỏ tiền ra mua còn hơn bỏ tiền ra cạnh tranh".

Goolge, công ty con của Alphabet, cũng đối mặt với cáo buộc tương tự và là công ty đầu tiên trong nhóm các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) bị kiện chống độc quyền trong năm nay. Đơn kiện được Bộ Tư pháp Mỹ đệ trình cáo buộc Google duy trì "độc quyền bất hợp pháp" trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến.

4 4 'hoàng đế' công nghệ của Mỹ điều trần trước quốc hội về hành vi độc quyền

TTO - Tại phiên điều trần, chủ tịch tiểu ban chống độc quyền David Cicilline nói rằng CEO (giám đốc điều hành) của các công ty công nghệ Mỹ đã trở thành 'những hoàng đế' trên Internet, nắm giữ nhiều quyền lực, nhưng 'chúng ta sẽ không cúi đầu'.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên