Bão tuyết tại nước Đức
Hôm nay anh và một số người bạn sẽ cùng nhau tổ chức tiệc. Vì lệnh phong tỏa nên mọi người không được tụ tập đông người, nhưng Tết mà ở một mình thì đúng là buồn.
Vì bão tuyết mà năm nay anh không được về nhà chị gái để đón giao thừa như mọi năm, cũng vì dịch nên chẳng về được nhà.
Vậy là Minh và vài người bạn ngồi lại với nhau, dọn một mâm cơm nhà, kể những câu chuyện về ký ức Tết ngày xưa, từ khi còn là đứa trẻ ngồi rình mâm cỗ, chạy quanh cành đào, đếm từng bông hoa cho đến khi tự tay nấu một mâm cỗ cho ba mẹ, tự tay chọn một cành đào mang về trồng.
Và đến nay, khi chỉ còn nhìn cành đào, mai nở rộ trên tivi. Nghe mà nhói lòng.
Nhạc Tết đang vang, bầu không khí đang vui vẻ bỗng nhiên trở nên sâu lắng khi có tiếng chuông điện thoại của ai đó từ quê. Sau đó giọng cay cay, đầy tiếc nuối của một chị gái cất lên:
- Mấy bữa trước, ở nhà tầm này một mình tao gói mấy chục cái bánh chưng. Rồi đi bán đến 29 Tết là hết. Bánh tao gói phải chọn thịt ba chỉ ngon nhất, rồi gạo nếp cái hoa vàng, ăn phải ướp sao cho vừa vị.
Tao gói chẳng bao giờ cần khuôn mà bánh vẫn vuông như ép. Chụp ảnh lên Facebook ai cũng vào chốt đơn. Vậy mà năm nay ăn cái bánh chưng vừa nhạt vị, vừa gạo sống, gói mà bánh nhìn chẳng xanh tí gì. Có chán không cho cái Tết xa nhà.
- Có mà ăn là tốt rồi, nhạt thì cho mắm muối, chứ bên này lấy đâu ra ngon đúng vị! - một giọng đành hanh cất lên.
- Thử thêm miếng giò Tây xem!
- Hồi còn ở Việt Nam, giò là món khoái khẩu của em. Sáng đi học lúc nào cũng ăn bánh mì giò, xôi giò, bánh dày giò... Nói chung, giò em ăn quanh năm suốt tháng.
Xắn một miếng nhỏ lên, cậu thấy trong miệng, những hạt gạo đã sống lại phần nào. Chúng cứng và rời, nát. Ăn thêm miếng thịt mỡ ở giữa, thêm chút đỗ xanh, những mường tượng bánh chưng ở mâm cơm Tết hiện ra, khác hẳn.
Thật vậy, mỗi dịp Tết đến, ở nhà thì chẳng bao giờ nhà Minh phải lo bánh chưng. Chỗ làm của bố mẹ đều biếu hai cặp bánh. Về quê thì ông bà lúc nào cũng mang gói cho một hai đồng bánh chưng. Cái nào cái đấy vừa to, vuông vức. Cắt bánh ra chẳng bao giờ thấy thiếu thịt, thiếu đỗ xanh, gạo thì vừa dẻo.
Ăn một miếng mà thêm với hành muối, ta cảm nhận được cả cái hồn của Tết. Bánh chưng và giò thì có quanh năm, nhưng mà đến Tết lại thấy có vị gì đó rất đặc biệt. Cũng giống như việc, những đứa con xa nhà về chơi quanh năm, nhưng đến Tết thì vẫn luôn luôn muốn trở về vậy.
Cậu thanh niên trẻ nhất nhóm lên tiếng, giọng hồ hởi, phá tan không khí yên tĩnh:
- Nhà em, mẹ nấu xôi vừa dẻo, lại vừa có mùi gấc thơm, đỏ cam, nhìn vô cùng bắt mắt. Năm nào cũng nấu cả một nồi, mà cũng chỉ có mình em ăn. Mọi người bảo ăn nhiều xôi gấc cho đỏ. Ăn đến rạn nứt bụng luôn.
Người anh lớn tuổi trầm ngâm, như là đang hoài niệm một miền ký ức vậy:
- Mọi năm nhà anh toàn đi ra chợ, mua cho tiện, mười nghìn xôi gấc là dẻo thơm. Với nhà cũng neo người, ba miệng ăn, đủ thứ đồ thì ăn sao hết.
Ngẫm một lúc, anh lại tiếp tục, lần này giọng đã có chút thay đổi, như một người đàn ông cố nén lại tiếng nức nở:
- Nhà có ba người, bố mẹ thì cũng qua năm mươi, mà giờ mới bắt đầu làm lại. Sang hai năm cũng chẳng thể giàu được, nhưng đợi năm năm, rồi mười năm, lúc đó bố mẹ còn khỏe mạnh đã tốt lắm rồi. Rồi sau này, anh cũng phải lập gia đình. Dẫu ở hay về, vẫn không lo được cho bố mẹ. Phận làm con nhưng chẳng bao giờ lo được cho cha mẹ, đến chết cũng mắc nợ, chẳng biết bố mẹ có giận không.
Ai đó não nề:
- Ba mẹ có thể nuôi được mười con, nhưng mười con chẳng thể nuôi nổi hai thân già.
Cậu trai trẻ nhanh nhẹn lấy đũa xắn đĩa xôi thành từng phần nhỏ rồi gắp cho từng người.
- Thôi, mỗi người một góc! Ăn đi lấy may, em nấu chưa ngon như ngoài hàng, nhưng mà là thủ công một trăm phần trăm!
- Ngày xưa nhà anh nuôi gà, mỗi dịp Tết là đi bán, đi cho họ hàng, xong đồn xa, có năm bán đến cả ba bốn chục con mà vẫn có người đến hỏi mua. Gà chắc, toàn ăn rau, ăn thóc chứ không nuôi cám. Lại có vườn rộng thả gà, con nào con nấy chắc thịt, ăn sướng cả người - vẫn là anh trai lớn tuổi.
Giọng ai đó cất lên, có phần đanh đá:
- Bố tôi thì làm bộ đội, mẹ làm cán bộ nhà nước nên không có thời gian. Nhưng mà Tết đến là bố đi ra chợ, chắc phải đi mười hàng mới chọn được một con ưng ý. Đi chợ cả buổi sáng xách về ba con gà.
Bữa cơm tất niên của những đứa trẻ xa nhà
Thật vậy, cái tính kén ăn của người Bắc, đặc biệt là Tết lại càng kén hơn. Một phần là mỗi năm mới có một lần Tết nên ai cũng muốn chuẩn bị bữa cơm thịnh soạn nhất dâng lên trước hết là tổ tiên, sau là cho con cháu được ăn uống ngon, để mỗi khi xa, biết nhớ về cội nguồn của mình.
Bố của Minh, riêng việc chọn gà, làm gà đã rất rất cẩn thận. Mỗi lần về quê, đích thân bố sẽ ra vườn xin ông bà nội bắt gà để mang ra, biếu ông bà ngoại một con, nhà thông gia một con, và cho nhà một con.
Những con bố chọn đều rất to và khó bắt. Có những lần phải ba người mới bắt được, vì nó chạy khỏe quá, bố đuổi miết. Luộc gà phải đến khi nào thịt vừa chín, da màu vàng, giòn thì mới vớt ra. Vớt ra xong cũng không chặt ngay, mà lại để nguội. Bố chặt gà rất gọn gàng và nhanh. Thịt gà luộc ăn vừa tới, không bị nhũn, mà mềm, chắc thịt.
Chặt xong cũng phải xếp cho ngay ngắn thành hàng thành lối. Minh sẽ đi ra vườn, hái vài cái lá chanh về, làm muối tiêu chanh chấm với thịt gà. Sau đó sẽ sắp lên trên ban thờ, để cúng. Mọi thứ lúc này đều phải tươm tất: gà, xôi, miến nấu, miến xào, bánh chưng, giò lụa,...
Nhắc đến Tết, mà không nhắc đến hoa đào, thì đúng là thiếu sót. Đi làm quanh năm về, cũng chỉ muốn Tết có đủ đồ ăn, có quần áo mới, có cành đào trong nhà cho ấm lòng. Lạ thật đấy, mùa Xuân gọi là trăm hoa đua nở.
Nhưng thay vì một chậu cúc vàng, hay mận trắng chơi Tết. Lúc nào cũng phải là đào, là mai. Hoa đào tùy loại, nhưng đa phần là có màu hồng nhạt, là đào phai. Đào phai nhưng Tết lại chẳng phai chút nào.
Càng đến Tết, con người ta lại càng nhớ về ngày xưa. Là những khi vô lo vô nghĩ, bao bọc trong vòng tay của cha mẹ. Dẫu cho ai cũng phải lớn, ai cũng phải trưởng thành. Nhưng anh vẫn luôn nhớ về những miền ký ức Tết ấy.
Là đứa trẻ luôn dậy sớm hơn mẹ để chờ mẹ rủ đi chợ. Là đứa trẻ mỗi ngày Tết đều về với hai túi ngập lì xì. Là đứa trẻ háo hức chờ bố đi làm về mỗi độ hai mươi ba tháng Chạp đi thả cá. Là đứa trẻ mỗi hai bảy Tết ngồi mong ngóng đến khi tiếng xe của bố mang cành đào về.
Là đứa trẻ mỗi khi Tết đến thì không phải lo học bài về nhà. Là đứa trẻ mỗi khi Tết đến, ngồi trên con xe máy của mẹ, đi khắp thành phố, mua bánh kẹo cân ở chợ Đổ, mua quần áo mới,... Là đứa trẻ đêm ba mươi, đứng trên cầu vượt Lạch Tray ngắm từng đợt pháo hoa nổ rực rỡ trên nền trời nửa đêm.
Là đứa trẻ chưa bao giờ biết Tết không về nhà.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận