19/11/2021 20:30 GMT+7

4 thay đổi đột phá trong hoạt động truyền thông giáo dục tài chính

N.D
N.D

Thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được dư luận đánh giá cao về sự sáng tạo, phong phú và hiện đại.

Bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.

PV: Xin bà cho biết các nhiệm vụ của truyền thông giáo dục tài chính trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam?

Bà Lê Thị Thúy Sen: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ điều phối chung Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, truyền thông giáo dục tài chính là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia nói chung, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nói riêng.

Ngoài ra, nhiệm vụ truyền thông giáo dục tài chính còn được đề cập tới tại các Đề án của Chính phủ như: Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội,…

Do vậy, chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ của truyền thông giáo dục tài chính và luôn nỗ lực để "không ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính", nâng cao nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, đẩy lùi tín dụng đen…

4 thay đổi đột phá trong hoạt động truyền thông giáo dục tài chính - Ảnh 1.

* Thời gian qua, các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của NHNN đã tạo được rất nhiều dấu ấn đối với công chúng và hoàn toàn không đi theo các lối mòn về truyền thông. Xin bà cho biết những thay đổi cơ bản trong hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của NHNN là gì?

Thời gian qua, có thể nói, NHNN đã có 4 thay đổi đột phá trong hoạt động truyền thông giáo dục tài chính. Trước hết là thay đổi trong việc chú trọng đến chủ trương của Chính phủ về tài chính toàn diện, thúc đẩy TTKDTM, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính trong bối cảnh hội nhập nên phải thay đổi trong hoạt động truyền thông để thực hiện chủ trương đó. Lãnh đạo NHNN ủng hộ những ý tưởng mới, sáng tạo, thay đổi cách thức truyền thông hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen và hành vi của người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ tài chính, TTKDTM.

Thay đổi thứ hai là về nội dung thông tin. Chúng tôi đã thay đổi theo hướng tập trung truyền thông vào các vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để cung cấp các thông tin họ cần. Thứ ba là thay đổi về hình thức truyền thông, lựa chọn các hình thức truyền thông đa dạng, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng công chúng mục tiêu

Cái thay đổi thứ tư là thay đổi về cách thức đánh giá kết quả truyền thông. Sau khi thực hiện các chương trình truyền thông, NHNN sẽ thực hiện đánh giá kết quả dựa trên các cơ sở dữ liệu cụ thể chứ không chỉ là các đánh giá định tính thông thường.

PV: Không thể phủ nhận các thông tin về tài chính ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt thường khá khô khan, khó hiểu. Làm cách nào để có thể "chế biến" những thông tin đó cho công chúng nắm được một cách đơn giản, dễ hiểu nhất, thưa bà?

Bà Lê Thị Thúy Sen: Trên thực tế, có "4 khó" mà hoạt động truyền thông giáo dục tài chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cần phải giải quyết, đó là: Khó nhớ (nhiều nội dung mang tính chất học thuật, nếu công chúng không am hiểu về lĩnh vực tài chính ngân hàng, TTKDTM thì sẽ cảm thấy khó nhớ); Khó tiếp thu (các thông tin về TTKDTM thường là các thông tin khó tiếp thu đối với các nhóm đối tượng mà thông tin của họ về tài chính ngân hàng còn hạn chế, đặc biệt là công chúng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa); Khó áp dụng (các thông tin về TTKDTM thường dựa trên các văn bản, thiếu tính trực quan nên công chúng gặp khó khăn trong việc áp dụng vào thực tế); Khó lan tỏa (các kênh truyền thông truyền thống vẫn mang tính một chiều và là các kênh khó có khả năng lan tỏa sâu rộng trong công chúng).

Để giải quyết triệt để 4 khó kể trên, giải pháp 4 dễ được NHNN áp dụng trong hoạt động truyền thông giáo dục tài chính là: Dể hiểu (đơn giản tối đa các thuật ngữ chuyên môn để công chúng dễ tiếp cận); Dễ nhớ (sử dụng các hình thức sáng tạo, linh hoạt sao cho công chúng dễ nhớ thông điệp nhất); Dễ làm (các quy trình tiếp cận và sử dụng sản phẩm dịch vụ, tài chính ngân hàng phải được hướng dẫn một cách rõ ràng nhất để công chúng có thể dễ dàng vận dụng và làm theo trong thực tế); Dễ lan tỏa (lựa chọn các các phương tiện truyền thông có tính lan tỏa cao trong công chúng).

Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính bằng các hình thức sáng tạo, phong phú và đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng mục tiêu như trẻ em, học sinh, sinh viên, người trưởng thành… nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Lần đầu tiên, NHNN phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất chương trình gameshow "Tiền khéo tiền khôn" và chương trình hoạt hình "Tay hòm chìa khóa". Đây là các chương trình truyền hình nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả nhất, được đông đảo các tầng lớp công chúng đã đánh giá cao. 

Các kiến thức khô khan về tài chính – ngân hàng được truyền tải một cách sáng tạo, gần gũi, giúp mọi người dễ nhớ, dễ nắm bắt thông qua các tình huống hài hước, các trò chơi vận động hay đồ họa trực quan thông tin và hình ảnh hóa các quy trình thực hiện các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt…

Thông qua các chương trình truyền thông giáo dục tài chính, nhận thức và thói quen của người dân về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã thay đổi rõ nét, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện đánh giá kết quả truyền thông dựa trên các cơ sở dữ liệu cụ thể.

Chẳng hạn, sau khi làm truyền thông chương trình thanh toán qua Internet banking hoặc Mobile banking, NHNN sẽ đánh giá số lượng người sử dụng dịch vụ có tăng lên hay không. Theo nguồn số liệu từ hệ thống báo cáo thống kê của NHNN, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian qua đã đạt được kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, số liệu về hoạt động thanh toán giai đoạn 2016-2020 đánh dấu bước tiến vượt bậc trong thanh toán không dùng tiền mặt như: Số tài khoản cá nhân đạt tăng 46,2%; Tổng lượng thẻ lưu hành tăng 37%; Tổng số lượng giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng gần 80,3% về số lượng và 134,5% về giá trị, số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet tăng 277,9% và 285%, đặc biệt số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 1.111,2% và 4.049,1%...

Hoặc như sau 3 số phát sóng của chương trình "Tay hòm chìa khóa" với các nội dung về thông tin tín dụng ngân hàng, số liệu thống kê của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia CIC cho thấy, số lượng đăng ký tài khoản cá nhân mới trong tháng 8/2021 tăng 30% so với tháng trước; số lượng khai thác báo cáo của CIC cũng đã cải thiện đáng kể (từ 23/8 đến 10/9, trung bình 01 ngày CIC ghi nhận lượt khai thác báo cáo tăng gần 30% so với trung bình của tuần trước đó); số lượng đăng ký nhu cầu vay trên Cổng thông tin CIC trung bình 1 ngày tăng gần 28%. Các số liệu về số tài khoản được duyệt, số lượng khai thác báo cáo và số đăng ký nhu cầu vay (cá nhân) sau chương trình cũng đã tăng lên so với trước khi chương trình phát sóng…

PV: Xin bà chia sẻ đôi điều về đinh hướng hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của NHNN thời gian tới?

Bà Lê Thị Thúy Sen: Mục tiêu của các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của NHNN thời gian tới là tiếp tục nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính – ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó góp phần thay đổi hành vi, thói quen và phương thức sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, bảo vệ người sử dụng dịch vụ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng… Nhóm công chúng mục tiêu mà chúng tôi hướng tới là giới trẻ, phụ nữ, người nghèo, người già, hưu trí, công nhân và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Do đó, thời gian tới, các nội dung truyền thông giáo dục tài chính sẽ xoay quanh các vấn đề như: các hiểu biết về tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức TTKDTM đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ thanh toán, vấn đề minh bạch về phí thanh toán… Hình thức truyền thông giáo dục tài chính cũng sẽ được chọn lựa theo hướng đa dạng, phong phú và sáng tạo, đổi mới, hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0…

Trân trọng cảm ơn bà!

N.D
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên