07/06/2020 04:51 GMT+7

4 tháng bám trụ ở Vũ Hán: Những điều chưa kể của 2 nhà báo phương Tây

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Nhà báo Arnauld Miguet và quay phim Gael Caron người Pháp đã rời Vũ Hán sau 133 ngày sống trong tâm dịch. Họ đã chứng kiến và kể lại những gì tai nghe mắt thấy.

4 tháng bám trụ ở Vũ Hán: Những điều chưa kể của 2 nhà báo phương Tây - Ảnh 1.

Arnauld Miguet ngày 5-3 trong thành phố Vũ Hán về đêm - Ảnh: TWITTER

Đặc phái viên Arnauld Miguet là trưởng văn phòng Công ty cổ phần nghe nhìn France Télévisions ở châu Á, thường trú tại Bắc Kinh.

Arnauld Miguet cùng nhà quay phim Gael Caron là hai nhà báo nước ngoài cuối cùng ở lại Vũ Hán, nơi bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Hai người đều không nhiễm COVID-19.

Đi đâu cũng phải báo cáo với chính quyền

Đầu tháng 6-2020, Arnauld Miguet rời Vũ Hán đi Thượng Hải mà không quay về nhà ở Bắc Kinh.

Trong video phát trên mạng xã hội, anh giải thích: "Những người trở về từ Vũ Hán… có chút gì đó giống như người bị ruồng bỏ ở Bắc Kinh. Nếu đến thủ đô, chúng tôi buộc phải cách ly hai hoặc thậm chí ba tuần trong khách sạn do chính quyền Trung Quốc chỉ định. Ở đó các cánh cửa đều khóa hai lượt từ bên ngoài".

Arnauld Miguet đã chọn đến Thượng Hải để không trở thành "tù nhân của COVID-19 một lần nữa".

Hai nhà báo Pháp Arnauld Miguet và Gael Caron đến Vũ Hán ngày 22-1 lúc Vũ Hán vẫn hoạt động bình thường mặc dù dịch bùng phát. Hôm sau, Vũ Hán đã trở thành thành phố chết vì phong tỏa.

Họ bị kẹt lại trong khách sạn Fairmont giữa trung tâm Vũ Hán. Lúc bấy giờ Arnauld Miguet chỉ có hai áo sơmi.

Khách sạn vẫn mở cửa để hai khách lưu trú, sau đó đón thêm các nhân viên y tế ở một tầng lầu khác mà họ không bao giờ tiếp xúc.

Trao đổi với kênh France Info, Arnauld Miguet ví lúc đó "mỗi người trong thành phố sống như Robinson bị mắc kẹt trong căn hộ - hoang đảo".

Gael Caron thuật lại: "Phong tỏa rất nghiêm ngặt. Cứ ba ngày mỗi gia đình được cử một người ra ngoài mua sắm, sau đó một tuần được đi một lần rồi chấm dứt, mọi thực phẩm được giao theo từng khu phố. Thậm chí họ chặn thang máy tại một số chung cư để ngăn người ra vào".

Các cửa hàng đều đóng cửa nhưng các nhà báo có thể ra ngoài. Arnauld Miguet kể: "Chúng tôi di chuyển trong thành phố nhờ các bác tài có thẻ đi lại và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Chúng tôi ra ngoài từ 2-3 tiếng và gần hai ngày lại ra ngoài một lần. Chúng tôi phải báo cáo đi đâu và đã đến những đâu cho chính quyền địa phương".

Cứ thế từ tâm dịch Vũ Hán, họ liên tục thực hiện các phóng sự và truyền hình trực tiếp tại các bệnh viện đã quá tải hay trên các sân vận động được cải tạo lại để đón bệnh nhân. Arnauld Miguet cho biết các chương trình được thực hiện không gặp sự cố hay bị kiểm duyệt.

4 tháng bám trụ ở Vũ Hán: Những điều chưa kể của 2 nhà báo phương Tây - Ảnh 2.

Arnauld Miguet (phải) và quay phim Gael Caron chuẩn bị phát hình trực tiếp từ Vũ Hán - Ảnh: GAEL CARON

Vũ Hán bây giờ ra sao?

Cuộc sống của hai nhà báo Pháp trong giai đoạn phong tỏa như thế nào? Gael Caron nhận xét cũng không đến nỗi tệ và bản thân mình chẳng sợ. Nhà báo 39 tuổi này đã sống ở Trung Quốc 15 năm nay.

Anh nhận xét: "Người dân địa phương không giống chúng tôi. Họ không hôn nhau, họ cũng đã quen mang khẩu trang… Chúng tôi có hai người nên có thể trò chuyện với nhau. 

Điều tệ hại nhất là gì à? Đó là không biết ra sao ngày sau. Và khi nhịp sống trở lại, chúng tôi đã chứng kiến nhiều hoạt động. Thợ hớt tóc sẵn sàng cắt tóc miễn phí".

Trả lời kênh truyền hình RTL, Arnauld Miguet cho biết cảm thấy một chút nhói tim khi rời Vũ Hán.

Anh tâm sự: "Tôi đã sống cuộc sống thường nhật của những người phải chịu đựng ở đó rồi bắt đầu cuộc sống mới. Đó là thời gian thú vị để làm báo. Trong nghề này chúng tôi không quen ở lâu một chỗ nhưng rồi chúng tôi đã gắn bó".

Arnauld Miguet ghi nhận dịch COVID-19 đã biến mất khỏi Vũ Hán: "Hôm nay (ngày 4-6), Vũ Hán là thành phố gần như được chữa lành. Đây là một trong những thành phố an toàn nhất thế giới nếu chúng ta tin lời chính quyền nói".

Ông nhắc đến lòng can đảm của đội ngũ nhân viên y tế, những người chiến đấu ở tuyến đầu khi dịch gây ra cuộc khủng hoảng y tế.

Về số phận của nàng mèo cái Jeudi và chú chó con Avril thường xuất hiện trong các bức ảnh đã đăng trong thời gian phong tỏa ở Vũ Hán, Arnauld Miguet giải thích do không trở về Bắc Kinh nên không thể mang theo.

Anh bộc bạch: "Tôi sẽ quay lại tìm chúng vì ba chúng tôi thực sự đã chấp nhận nhau".

4 tháng bám trụ ở Vũ Hán: Những điều chưa kể của 2 nhà báo phương Tây - Ảnh 3.

Gael Caron ghi lại hình ảnh sân vận động được cải tạo thành bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán - Ảnh: GAEL CARON

Đã có 3.800 ca tử vong do COVID-19 ở Vũ Hán, tức bằng 85% số ca tử vong của Trung Quốc (4.634 ca theo thông báo chính thức của Trung Quốc).

Chiến dịch xét nghiệm đại trà được tổ chức từ ngày 15-5. Toàn bộ 11 triệu dân Vũ Hán đã được xét nghiệm. 300 người có kết quả dương tính nhưng không bộc lộ triệu chứng được đưa đi cách ly.

Đến ngày 5-6 chỉ còn rạp chiếu phim và các địa điểm văn hóa đóng cửa.

4 tháng bám trụ ở Vũ Hán: Những điều chưa kể của 2 nhà báo phương Tây - Ảnh 5.

Cuộc sống Vũ Hán trở lại bình thường. Đến ngày 5-6 chỉ còn rạp chiếu phim và các địa điểm văn hóa đóng cửa - Ảnh: GAEL CARON

Bác sĩ Vũ Hán da đổi màu đen sạm vì nhiễm virus corona đã qua đời, dân mạng Trung Quốc nổi giận Bác sĩ Vũ Hán da đổi màu đen sạm vì nhiễm virus corona đã qua đời, dân mạng Trung Quốc nổi giận

TTO - Sau 4 tháng chống chọi với bệnh tật, bác sĩ Hu Weifeng của Bệnh viện trung tâm Vũ Hán, đồng nghiệp của cố bác sĩ Lý Văn Lượng, đã qua đời ngày 2-6. Cái chết của ông gây phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên