Phóng to |
Khẽ mở cánh cửa, mùi cũ kỹ ùa tới. Những chiếc dù hoa, biđông, cái ca, cuốn nhật ký... ủ mùi thời gian và bom đạn chiến tranh. Chủ nhân của nó, có người trở về, có người đang nằm lại đâu đó giữa cánh rừng già Trường Sơn, dưới vùng cỏ xanh thành cổ Quảng Trị hay chiến trường Nam bộ...
Từ chiếc balô con cóc, miếng vải dù...
“Ai cũng có một thời là lính, những kỷ vật này khiến anh em khi về đây vẫn luôn nhớ đến cái tuổi 20 cầm súng lên đường chiến đấu của mình” - đó là điều ông Vũ Đình Lưu tâm niệm khi nhen nhóm ý định thành lập bảo tàng. Ông nhớ rõ cả ngày dự định ấy đột ngột xuất hiện: “Ngày 23-4-2007, anh em cựu chiến binh Nam Định trở về thành cổ Quảng Trị, nơi chúng tôi đã chiến đấu suốt 81 ngày đêm. Nhìn cụm kỷ vật hành trang người lính với balô, cây súng, mũ tai bèo... ai cũng rưng rưng nhớ. Nó quá đỗi quen thuộc với bất cứ người nào đã từng là lính. Tôi trình bày ý định với anh em và kỷ vật đầu tiên của bảo tàng chính là ba lô con cóc của bác Bình, miếng vải dù của chú Điệp - những đồng đội của tôi”.
“Kỷ vật dù nhỏ cũng quý” Một balô, một xe máy, ông Vũ Đình Lưu lặn lội từ Nam Định lên Cao Bằng, xuống Quảng Ninh, vào đến Con Cuông (Nghệ An) để kiếm tìm kỷ vật. Cứ nghe ở đâu có kỷ vật là lên đường. “Cứ đi tìm mải miết thế mà chẳng bao giờ chán, tìm được kỷ vật gì dù nhỏ cũng quý” - ông nói. Vừa trở về từ chuyến đi tìm kiếm ở Tây nguyên, ông lại đau đáu nghĩ tới kho kỷ vật mà các cựu chiến binh tập kết ở đèo An Khê (Bình Định - Gia Lai) mà mấy lần vì bão ông chưa vào mang về được. |
Như một cán bộ bảo tàng chính hiệu, ông nhớ từng kỷ vật, tìm kiếm ở đâu, ai hiến tặng. Ông bảo hiện vật cũng như con người, nó luôn có lai lịch và số phận. Mỗi kỷ vật, từ mảnh áo đến chai dầu... đều được ông làm tới ba bộ hồ sơ, một do bảo tàng giữ, một nộp Sở VH-TT&DL Nam Định, một gửi đến Cục Di sản.
Ông hài hước bảo: mệt nhất là các cháu học sinh đến tham quan. Các cháu nghịch ngợm, cầm cái nọ, sờ thử cái kia. Mệt nhưng lại mong các cháu đến nhiều hơn để còn cơ hội kể chuyện đánh giặc của cha ông. Mỗi tuần, bảo tàng của ông đón ít nhất hai đoàn, học sinh, cựu chiến binh, khách nước ngoài, thậm chí là sinh viên chuyên ngành bảo tàng về viết luận văn.
Hồi ức của kỷ vật
Khoảng 1.000 kỷ vật nằm lặng yên sau ngăn tủ nhưng mỗi kỷ vật mang trong mình nó mảnh hồi ức đầy day dứt. Đó là lọ thủy tinh của mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Uôn trao tặng. Ba người con trai đều ra trận, mỗi ngày mẹ ngóng con bằng cách bỏ một hạt đậu xanh vào lọ. Cứ thế, lọ đậu cứ đầy lên mà cả ba người con không ai trở về. “Khi mẹ mang cho tôi, lọ đậu đầy ắp nhưng những hạt đậu bị mọt nên đành phải bỏ đi. Tôi bỏ vào lọ những ngôi sao hi vọng như ước nguyện của mẹ khi bỏ những hạt đậu vào” - ông Vũ Đình Lưu rưng rưng kể.
Cuộc tìm kiếm kỷ vật cũng đưa đẩy ông đến với những mối tương ngộ kỳ lạ. Một lần sang Thái Bình, một cựu chiến binh tên Nguyễn Trọng Ẩm đã tặng lại nửa cái chăn chiên. “Anh Ẩm có kể là lần hành quân trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào có gặp một người lính đang bị sốt rét nằm trong hầm, rét run cầm cập mà trên người chỉ có độc bộ quần áo. Ẩm xé nửa cái chăn chiên cho đắp rồi đi đánh giặc tiếp. Lúc gặp tôi, Nguyễn Trọng Ẩm bảo: chả hiểu sao tôi vẫn còn giữ nó, giờ tặng lại cho ông”.
Cuộc gặp gỡ đó tưởng chỉ có vậy. Không ngờ một lần đi tìm kỷ vật ở Nam Sách (Hải Dương), một người lính cũng tặng nửa chiếc chăn và kể lại đúng câu chuyện đó, chỉ khác một chi tiết: ông ấy chính là người lính sốt rét dưới hầm. Đáng ra, hai người lính năm nào đã có một cuộc hội ngộ bất ngờ nhưng người lính ở Hải Dương đã bất ngờ qua đời. “Nếu tôi đến sớm hơn có thể họ đã gặp nhau” - ông Lưu nuối tiếc.
Một lần ông vào Nho Quan (Ninh Bình), nước lên trôi mất cầu phao, ông phải theo mọi người chạy lụt lên đê ở cả đêm. Chuyến đó ông mang về một chiếc gùi vải của liệt sĩ Đinh Thành Chiêu. “Khi mở đường Trường Sơn 559, bộ đội chưa có balô mà chỉ có chiếc gùi vải để đựng vật dụng. Đinh Thành Chiêu là một trong số những người mở đường đó, anh hi sinh, chỉ có chiếc gùi trở về với gia đình. Họ đặt chiếc gùi lên bàn thờ để tưởng nhớ hình ảnh của người con trai mình. Sau đêm chạy lụt lên đê cùng gia đình thì họ bảo tôi thắp hương xin anh Chiêu rồi cho tôi mang về bảo tàng” - ông Lưu kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận