12/03/2012 02:17 GMT+7

4 hình thức lãng phí nguồn lực công

 NGUYỄN VĂN HÙNG
 NGUYỄN VĂN HÙNG

TT - Nước ta đặt mục tiêu phấn đấu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Tuy nhiên có một khó khăn, thách thức rất lớn phải đối mặt và tìm cách vượt qua là thiếu nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đẩy mạnh huy động xã hội hóa, kêu gọi đầu tư nước ngoài (FDI), thực tế vẫn đang có một nguồn lực tại chỗ khá lớn mà nếu có giải pháp hữu hiệu sẽ bổ sung đáng kể cho phát triển. Đó là những nguồn lực công đang bị lãng phí, cần được tích cực khắc phục.

Từ thực tế, thiết nghĩ nên quan tâm đến bốn hình thức lãng phí nguồn lực công điển hình sau đây: lãng phí tài nguyên đất đai; lãng phí về vật tư thiết bị, tiền vốn; lãng phí về thời gian và lãng phí về nhân lực.

Lãng phí tài nguyên đất đai lâu nay đã được “mổ xẻ”, đánh giá khá rõ, đặc biệt ở các đô thị. Cũng vì sử dụng lãng phí, kém hiệu quả mà quỹ đất tiêu hao nhanh chóng. Dù với diện tích tự nhiên không quá nhỏ, tỉ lệ người dân có nhà ở chưa cao nhưng tỉ lệ đất dành cho giao thông, công trình công cộng (công viên, bệnh viện, trường học, thư viện, nhà văn hóa...) thuộc loại thấp so với thế giới. Trong khi đó, từng có những giải pháp hay nhưng không được thực hiện như ý tưởng của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt về tập trung văn phòng đại diện phía Nam các bộ ngành về tòa nhà số 5 Lê Duẩn (TP.HCM) để thu hồi nhiều khu “đất vàng” dành cho công trình công cộng, thương mại dịch vụ..., tạo thêm nguồn vốn đầu tư lên đến cả tỉ USD.

Đương nhiên, nguồn vốn lớn khai thác tại chỗ ấy có thể đầu tư cải thiện ngay hạ tầng giao thông thành phố như tàu điện ngầm, đường trên cao... thay vì phải huy động trái phiếu với lãi suất cao. Rất tiếc là việc lãng phí tài nguyên đất đai vẫn tồn tại phổ biến, không chỉ các đô thị mà đã sang cả đất nông lâm nghiệp. Thậm chí gần đây còn xuất hiện những “thành phố hoang” tại Bình Dương, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Mộc Bài (Tây Ninh) và nhiều khu kinh tế cửa khẩu...

Việc lãng phí vật tư, thiết bị, tiền vốn (nói nôm na là vật chất nhìn, sờ thấy, đo đếm được) hiển hiện ngay trước mắt hằng ngày. Đó là tình trạng những con đường “lấp xuống rồi lại đào lên”, tỉ lệ thất thoát nước máy tới gần 50% ở các thành phố lớn... Điều đáng nói là sự lãng phí này ai cũng thấy, cũng nhận diện nhưng khắc phục thì không đáng kể. Lãng phí về thời gian cũng là một dạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn tồn tại ở mọi lĩnh vực và sự khắc phục lại quá chậm. Những dự án bị “ngâm” nhiều năm trời làm tổn hao biết bao công sức của nhà đầu tư, những dự án triển khai ì ạch làm vốn đầu tư tăng vọt theo thời gian... là điển hình rõ nhất của sự lãng phí này.

Về lãng phí nhân lực, xin hãy thử theo chân những người là công chức, viên chức hành chính sự nghiệp. Rất nhiều trong số họ vào giờ làm việc vẫn còn ở ngoài đường hoặc la cà ăn sáng, cà phê. Khi đến cơ quan lại tiếp tục tán gẫu. Thời gian thực tế dành cho công việc không được bao nhiêu. Rồi tình trạng hưởng lương để “ngồi chơi xơi nước”, hao tốn chi phí công sở dù đã được nhận diện từ lâu nhưng hầu như chưa có nhiều thay đổi. Điều đáng nói là bộ phận nhân lực đang bị lãng phí này đa số đã được đào tạo, có trình độ đại học.

Lãng phí gây hại không kém tham nhũng do lượng tiền của hữu hình và cả vô hình khổng lồ bị mất đi. Nếu có giải pháp hữu hiệu, chỉ cần khắc phục được một phần cũng sẽ chuyển hóa thành nguồn lực không nhỏ cho đầu tư phát triển.

 NGUYỄN VĂN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên