Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: Quochoi.vn
Vấn đề này vừa được nêu ra tại phiên điều trần về tình hình triển khai Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 do Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đồng tổ chức chiều 2-10.
80.000 tỉ sao chưa triển khai gì?
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Hoàng Quang Hàm nêu câu hỏi: Chúng ta đã bố trí 80.000 tỉ đồng cho các công trình quan trọng quốc gia nhưng đến nay vẫn chưa triển khai gì, tại sao một nguồn lực quan trọng như vậy nhưng đến nay không thể triển khai được và bao giờ thì triển khai?
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 80.000 tỉ đồng này có 10.000 tỉ đồng dành cho dự án chống ngập của TP.HCM.
"Chúng tôi đã yêu cầu rất nhiều lần để TP.HCM thực hiện thủ tục triển khai, nhưng đến nay thủ tục vẫn chưa xong, vẫn chưa có báo cáo chính thức nên rất khó có thể giao vốn 10.000 tỉ đồng này", Bộ trưởng nói.
70.000 tỉ còn lại thì Bộ Giao thông vận tải được giao, hiện bộ này đang đề nghị giao 7.000 tỉ cho 4 dự án đường sắt, 8.000 tỉ tập trung cho các dự án quan trọng cấp bách đang bị giãn, hoãn.
"55.000 tỉ đồng còn lại chúng ta dự kiến đưa vào một số dự án thuộc đường cao tốc Bắc - Nam, cái này Bộ GTVT đã tiến hành nghiên cứu báo cáo, đã trình Chính phủ và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 này", ông Dũng cho biết.
Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách Hoàng Quang Hàm: Đã bố trí 80.000 tỉ đồng cho các công trình quan trọng quốc gia nhưng đến nay vẫn chưa triển khai gì? - Ảnh: Quochoi.vn
Tham dự phiên điều trần, phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cung cấp thông tin: TP.HCM có 36 tiểu dự án cho chương trình chống ngập, với số vốn dự kiến gần 10.000 tỉ đồng.
"Ngày 29-7, UBND TP đã báo cáo với Bộ Kế hoạch đầu tư và đến ngày 19-9 bộ đã báo cáo Thủ tướng. TP làm rất tích cực, vì đây là vấn đề bức xúc của TP, chứ không phải là TP không làm", ông Liêm khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Đặng Huy Đông - người lúc này được ủy quyền trả lời thay bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phải rời đi sớm do có nhiệm vụ tiếp khách quốc tế - đính chính thông tin bộ trưởng đưa ra trước đó: "Ngày 19-9 chúng tôi đã xem xét dự án chống ngập của TP.HCM, trong đó có 1 dự án nhóm A và 35 dự án nhóm B,C. Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng và đang chờ Thủ tướng cho ý kiến".
Có sự dềnh dang trong giải ngân
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên điều trần về các nguyên nhân chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Chậm thì đúng là có rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Chúng tôi tổng hợp các nguyên nhân ở đây cũng từ tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương về những vướng mắc, nên cũng có thể chưa phân biệt đâu là khách quan đâu là chủ quan".
"Chúng tôi cho rằng khách quan là chúng ta giao vốn xong thì người ta mới bắt đầu thực hiện dự án, mới thiết kế chi tiết rồi mới đi vào chính thức, cho nên rất mất nhiều thời gian. Sau đó lại phải làm động tác là đấu thầu, cũng rất nhiều quy trình phức tạp và mất nhiều thời gian", ông Nguyễn Chí Dũng nói.
"Thứ ba là giải phóng mặt bằng cũng mất rất nhiều thời gian, cũng rất phức tạp, liên quan đến rất nhiều luật. Đó là những nguyên nhân mà chúng ta không thể làm ngay được, không thể chớp được, có những loại việc không thể làm trước được".
Bộ trưởng cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan: "Chúng ta cho kéo dài giải ngân thêm một năm, do đó có thể có sự dềnh dang ở giai đoạn đầu, sau đó mới tập trung giải ngân vào giai đoạn cuối".
Thủ tục quá chặt chẽ cũng được coi là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vốn đầu tư công giải ngân chậm. Cụ thể là 9 tháng đầu năm 2016 mới giải ngân được 51%, và 9 tháng đầu năm 2017 theo tính toán sơ bộ mới giải ngân được 46%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận