06/12/2019 09:29 GMT+7

300 triệu USD xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa

A LỘC
A LỘC

TTO - Quân chủng phòng không - không quân, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) động thổ giai đoạn 1 dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.

300 triệu USD xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa - Ảnh 1.

Khu vực nhiễm chất độc da cam/dioxin trong sân bay Biên Hòa đang được xử lý - Ảnh: A LỘC

Phát biểu tại buổi lễ ngày 5-12, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - khẳng định đây là dấu mốc quan trọng nhằm tiếp tục hiện thực hóa nội dung trong tuyên bố chung của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Hoa Kỳ, thể hiện quyết tâm của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành trong phối hợp với USAID giải quyết hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tin tưởng Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cam kết mạnh mẽ cùng Chính phủ Việt Nam xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường, hỗ trợ hiệu quả các hoạt động khắc phục hậu quả của chất độc hóa học đối với con người tại Việt Nam.

Đến nay, Quân chủng phòng không - không quân (Bộ Quốc phòng) đã bàn giao 37ha đất khu vực phía tây sân bay (khu vực Pacer Ivy) cho USAID để bắt đầu thực hiện các hoạt động thực địa trong khuôn khổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa. 

Với hỗ trợ của USAID, các đội thi công đã xây dựng đường công vụ, cổng ra vào và khu văn phòng để phục vụ dự án. Các hoạt động giải phóng mặt bằng và quan trắc đã bắt đầu được triển khai.

Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết tài trợ 300 triệu USD để khôi phục môi trường cho sân bay và các khu vực xung quanh. Mục tiêu ban đầu là loại bỏ nguy cơ rò rỉ thêm dioxin ra bên ngoài sân bay. Phối hợp với tỉnh Đồng Nai làm sạch các khu vực ngoài sân bay, sau đó là xử lý, cô lập đất nhiễm dioxin. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong 10 năm.

Tại buổi lễ, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm song những hậu quả chất độc hóa học đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái đến nay vẫn còn rất nặng nề. Ngoài các điểm nóng ô nhiễm chưa được tẩy độc còn có trên 3,6 triệu ha rừng đã bị hủy diệt, 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

"Hôm nay, điểm nóng dioxin lớn nhất, phức tạp nhất tại Việt Nam chính thức được bắt đầu xử lý, niềm mong mỏi của người dân khu vực sân bay Biên Hòa được đáp ứng. Tôi tin rằng sau khi dự án hoàn thành, điểm nóng dioxin khu vực sân bay Biên Hòa chỉ còn trong sử sách, người dân hoàn toàn yên tâm sinh sống, thành phố Biên Hòa sẽ có diện tích lớn đất sạch để phát triển kinh tế - xã hội" - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khẳng định.

Cũng trong dịp này, USAID đã ký thỏa thuận với NACCET về khoản tài trợ 65 triệu USD nhằm thực hiện các hoạt động cung cấp, hỗ trợ trực tiếp cho người khuyết tật nặng tại 8 tỉnh ưu tiên trong 5 năm tới. 

Theo đó, USAID dự kiến sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam củng cố hệ thống phục hồi chức năng của Việt Nam và các mạng lưới hỗ trợ cộng đồng nhằm đảm bảo tất cả người khuyết tật đều có cơ hội tham gia đầy đủ vào xã hội, đồng thời cải thiện toàn diện chất lượng cuộc sống của họ.

Cho đến nay, với sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế, Việt Nam đã chôn lấp, cô lập hàng trăm ngàn mét khối đất nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa và Phù Cát; tẩy độc thành công hơn 150.000m3 đất và trầm tích ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng; bàn giao hơn 32,4ha đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bắt đầu tẩy rửa điểm Bắt đầu tẩy rửa điểm 'nóng' dioxin lớn nhất ở Việt Nam

TTO - Giai đoạn 1 của dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (TP Biên Hoà, Đồng Nai) đã được chính thức khởi công sáng nay (5-12) với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ.

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên