Bác sĩ Trung tâm sức khỏe sinh sản Hà Nội tư vấn cho một phụ nữ - Ảnh: Thúy Anh |
Con số sau khảo sát nói trên tại Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện Phụ sản trung ương) cho thấy quả là “ngừa thai không dễ”, như PGS.TS Nguyễn Hữu Đức đã viết trên Tuổi Trẻ 9-12.
* Nhiều người lo sợ uống thuốc ngừa thai sẽ tăng nguy cơ ung thư sau này nên họ có muốn cũng không dám áp dụng. Theo bà, nhóm nào nên và nhóm nào không nên áp dụng biện pháp này? - Trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp nào cho chị em, chúng tôi đều hỏi tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, siêu âm tuyến vú. Hằng năm người dùng viên uống tránh thai phải xét nghiệm chức năng gan thận, men gan, máu. Đúng là có tâm lý lo nguy cơ ung thư, nhưng chỉ những gia đình có mẹ, chị gái, dì ruột bị ung thư thì cần cảnh báo, còn người có nguy cơ ung thư cao hơn cả nhóm dùng thuốc tránh thai nhiều năm là nhóm phụ nữ mãn kinh và tiền mãn kinh dùng hormone thay thế, hormone bổ sung. Nhóm này rất cần thăm khám, siêu âm, xét nghiệm kỹ trước khi quyết định có sử dụng hormone bổ sung, thay thế hay không. |
Có mặt tại Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Phụ sản T.Ư sáng 9-12, chúng tôi gặp một thiếu nữ 14 tuổi đến phá thai to (19 tuần), đây là lần thứ hai em đến trung tâm này.
Theo PGS-TS Phạm Thị Thanh Hiền - phó giám đốc trung tâm, rất cần cảnh báo đến nhà trường và cha mẹ vì số lượng trẻ vị thành niên đến phá thai vẫn rất lớn, nhiều cháu trong số này phá thai to và trở lại trung tâm nhiều lần, mà lý do là các cháu sợ áp dụng các biện pháp tránh thai sau này sẽ... khó có con!
Chúng tôi đã trao đổi với PGS Phạm Thị Thanh Hiền về các sai lầm thường gặp khi áp dụng biện pháp tránh thai.
PGS Phạm Thị Thanh Hiền cho biết:
- Khi chị em đến trung tâm và muốn áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chúng tôi tư vấn cho họ các biện pháp hiện có và mặt ưu điểm, nhược điểm của từng biện pháp.
Ở biện pháp dùng thuốc tránh thai, đại đa số là phù hợp nhưng có một bộ phận gặp các tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Ở biện pháp dùng que cấy tránh thai, tác dụng kéo dài trong ba năm nhưng trong sáu tháng đầu nhiều chị em gặp hiện tượng rối loạn kinh nguyệt, tăng cân, mụn trứng cá.
Ngay trung tâm tôi có chị tăng 4-5 cân chỉ trong ba tháng sau đặt que cấy tránh thai nên lại phải rạch da để lấy que ra. Tuy nhiên, các biểu hiện này có thể ổn định từ tháng thứ 7 trở đi.
Biện pháp dùng miếng dán tránh thai thì mỗi tuần phải dán một miếng (riêng tuần có kinh trong tháng không dán), nhưng cũng có người gặp các tác dụng phụ như cương ngực, rong kinh...
Nhưng như tôi đã nói, chúng tôi tư vấn tất cả vấn đề này cho khách hàng và cùng họ lựa chọn biện pháp phù hợp. Ở trung tâm đã có người dùng thuốc tránh thai trên 10 năm, hay có người đã dùng tới ba que cấy tránh thai, tức là gần chín năm sử dụng biện pháp này nhưng không gặp các tác dụng phụ.
* Khi cung cấp dịch vụ tại trung tâm, bác sĩ thấy chị em có những sai lầm nào đáng kể khi áp dụng các biện pháp tránh thai?
- Chúng tôi đã thực hiện một khảo sát nhỏ và được biết những người đến phá thai đều áp dụng biện pháp tránh thai, nhưng họ áp dụng không đúng nên đã thất bại. Tỉ lệ thất bại trong số người đã áp dụng biện pháp tránh thai là 30%, 1/4 trong số này còn quay lại sau khi thất bại và đã được tư vấn.
Sai lầm thường gặp nhất mà chúng tôi thấy là chị em sử dụng viên uống tránh thai khẩn cấp quá nhiều, trong khi tối đa chỉ được dùng bốn viên/tháng.
Mọi người thường tự đi mua thuốc tránh thai khẩn cấp để uống mà không biết tỉ lệ thất bại của phương pháp này rất cao, lên đến gần 30%, đồng thời cũng dẫn đến rối loạn nội tiết và sức khỏe sinh sản.
Ngoài ra, nhiều người áp dụng biện pháp tránh thai nhưng không thường xuyên nên vẫn có thai ngoài ý muốn.
Khi gặp các bạn trẻ vị thành niên hoặc thanh niên đã có gia đình nhưng chưa muốn có con tới trung tâm phá thai, chúng tôi có hỏi vì sao không áp dụng biện pháp tránh thai nào thì họ nói sợ sau này khó có con. Đây là quan niệm chưa đúng, chị em nên đến gặp bác sĩ sản khoa để được tư vấn lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp.
* Về hiểu biết và kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, bà thấy có chuyển biến gì đáng kể trong chị em?
- Hiểu biết xã hội thì có tốt lên, nhiều chị em có nhu cầu được nghe tư vấn. Nhưng vấn đề là có không ít chị em đã được tư vấn rồi mà vẫn không nghe, không áp dụng và lại có thai ngoài ý muốn phải đến trung tâm phá thai.
Khi chúng tôi hỏi có nhớ những gì chúng tôi đã tư vấn lần trước thì họ nói không nhớ, nhất là các cháu vị thành niên, thanh niên. Có những cháu mới 14 tuổi đã vào trung tâm phá thai mấy lần, điều này cũng cảnh báo đến gia đình và nhà trường về giáo dục sức khỏe sinh sản cho bạn trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận