02/05/2017 09:16 GMT+7

3 tiêu chí kẹt xe của TP.HCM cảm tính?

T.PHÙNG - Q.KHẢI - N.ẨN ghi
T.PHÙNG - Q.KHẢI - N.ẨN ghi

TTO - PGS.TS Nguyễn Quang Toản (nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ Đại học GTVT) nhận định như vậy. Và đó không phải ý kiến duy nhất "lăn tăn" 3 tiêu chí kẹt xe từ các chuyên gia. Riêng bạn, bạn nghĩ sao?

Giao thông hỗn loạn do ùn ứ giao thông tại khu vực bến xe Miền Đông, TP.HCM - Ảnh: Duy Ba

“Ba tiêu chí về kẹt xe” do TP.HCM vừa đề xuất được dư luận quan tâm, trong đó nhiều ý kiến cho rằng cần tham khảo thêm kinh nghiệm các nước để có các tiêu chí phù hợp hơn.

PGS.TS Nguyễn Quang Toản (nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ Đại học GTVT):

Tiêu chí khá cảm tính

Theo tôi, các tiêu chí xác định tình trạng ùn tắc giao thông (kẹt xe) mà TP.HCM đề xuất không phải là khái niệm về chuyên môn, mà khá cảm tính.

Nếu quy định thời gian dòng xe lưu thông với tốc độ 5 km/h trở xuống trên 30 phút mới gọi là tắc thì những vụ tắc đường không nhúc nhích được trong vòng 10-15 phút thống kê kiểu nào? Quy định thời gian và tốc độ như thế rất là cảm tính, khó có người thống kê chính xác được.

Bản chất của giao thông đô thị đo bằng sự khó khăn khi đi lại. Ở một con đường hay ngã ba, ngã tư, ngã năm (nút giao thông), nếu giao thông muốn thông thoát thì người nọ phải nhường người kia, dòng giao thông này phải nhường dòng giao thông kia khi lượng xe lớn.

Nếu vẫn còn nhường được, có dòng giao thông chờ nhưng vẫn còn dòng giao thông khác chuyển động thì có thể quan niệm giao thông vẫn còn bình thường. Nếu rối loạn, không còn dòng giao thông nào chuyển động được thì gọi là tắc đường.

Dòng giao thông chờ phải chờ bao nhiêu phụ thuộc vào khả năng thoát và lượng xe đi đến. Nếu xe đến ùn ùn mà lượng xe thoát ra chỉ có giới hạn thì phải xếp hàng 2-3km cũng là bình thường. Nếu rối loạn không có hướng nào đi được thì gọi là tắc, dù sự rối loạn đó chỉ xảy ra tầm 5-10 phút.

Theo tôi, nên đánh giá mức độ rối loạn của giao thông khiến cảnh sát giao thông phải dùng biện pháp để giải tỏa thì gọi là tắc đường, nếu dòng giao thông này phải chờ mà còn dòng giao thông khác đi được và trật tự được đảm bảo thì gọi là giao thông bình thường. Còn dòng giao thông chờ dài hay ngắn phản ánh chất lượng giao thông.

Nếu thời gian chờ ít thì giao thông chất lượng tốt, nếu quá chênh lệch giữa dòng đến và dòng đi là chất lượng giao thông xấu. Chất lượng giao thông xấu dễ dẫn đến rối loạn và tắc đường. Nhưng nếu người tham gia giao thông ý thức cao thì có thể chất lượng giao thông xấu nhưng không tắc đường.

Ông Nguyễn Kim Lăng (nguyên phó giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam):

Cần hoàn thiện thêm

Trong ba tiêu chí về kẹt xe, tôi cho rằng tiêu chí về chiều dài dòng xe kéo dài 200-300m và tiêu chí tình trạng kéo dài thời gian trên 30 phút cần phải được xem xét lại. Nếu căn cứ dòng xe kéo dài 200-300m thì TP có những đoạn đường ngắn không thể có dòng xe nối dài như vậy, trong khi thực tế đây là điểm kẹt xe. Tôi cho rằng cần dựa vào yếu tố tốc độ xe lưu thông và thời gian đi qua một quãng đường để xác định tiêu chí kẹt xe.

Việc đưa ra tiêu chí kẹt xe là điều tốt và tiến bộ để các cơ quan chức năng xem xét, có giải pháp giải quyết kẹt xe ở TP.HCM. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu tiếp cận từ từ để mọi người cùng chấp nhận được, trong quá trình thực hiện cần xem xét tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước.

PGS.TS Chu Công Minh (ĐH Bách khoa TP.HCM):

Xác định các mức độ khác nhau

Trong ba tiêu chí TP.HCM vừa đề xuất để gọi là ùn tắc có một tiêu chí quan trọng là tốc độ xe lưu thông thấp hơn hoặc bằng 5 km/h, nhưng vấn đề đặt ra tốc độ xe lưu thông 6-10 km/h gọi là gì, có khác gì với xe lưu thông bình thường theo khả năng phục vụ của tuyến đường đó là 40 km/h?...

Vì vậy cần có nhiều tiêu chí khác nhau để áp dụng chung cho các đô thị, thống nhất trong cả nước. Ngoài ra, theo tôi, trong ba tiêu chí TP xây dựng kiến nghị định danh là ùn tắc thì thực tế có thể thỏa một trong ba tiêu chí trên có thể gọi là kẹt xe, chứ không nhất thiết phải thỏa cả ba tiêu chí.

Nhiều nước trên thế giới không xây dựng tiêu chí ùn tắc giao thông, mà căn cứ vào từng loại đường, giao lộ để đưa ra các mức độ phục vụ giao thông cụ thể. Ví dụ ở Mỹ, người ta đưa ra 6 mức độ phục vụ giao thông trên đường là A, B, C, D, E, F. Có thể hiểu nôm na ở mức A: giao thông đi lại trên đường tốt, không bị cản trở bởi các phương tiện khác; mức độ B: lưu lượng xe tăng hơn chút ít...

Nếu vượt quá mức độ E trở lên thì là ùn, còn mức độ F là tắc. Nói nghe thì dễ, chứ quá trình xây dựng các tiêu chí (mức độ phục vụ) như trên tương đối phức tạp chứ không dễ dàng vì ở mỗi cấp đường như đường cao tốc, đường chính đô thị... có mức độ phục vụ khác nhau, mức độ phục vụ của đường giao thông cũng khác nút giao thông...

Ở Việt Nam, việc xây dựng các mức độ giao thông trên đường, nút giao thông cũng nên tham khảo kinh nghiệm nước ngoài và áp dụng phù hợp với điều kiện hạ tầng của mình. Cụ thể, có thể xây dựng các tiêu chí tương ứng với các cấp độ khác nhau: phương tiện giao thông đông, phương tiện chạy chậm; ùn ứ; ùn tắc... chứ không chỉ xây dựng một tiêu chí riêng về ùn tắc.

Nhiều cách xác định kẹt xe

Các nước trên thế giới áp dụng nhiều biện pháp xác định kẹt xe khác nhau. Chẳng hạn tại Mỹ, Sở giao thông California xác định kẹt xe trên đường cao tốc khi tốc độ trung bình dưới 55 km/h trong 15 phút, trong khi ở Minnesota là dưới 45 km/h trong thời gian 6-9h sáng và 14-19h. Michigan đánh giá giao thông theo chuẩn mức độ phục vụ (LOS - có sáu mức từ A-F) dựa trên lưu lượng xe, trong đó kẹt xe được xác định tại mức F.

Tại Anh, thang LOS được rút ngắn còn từ A-D, trong đó mức A, B khi lưu lượng xe chiếm dưới 85% khả năng lưu thông của con đường, mức C khi đạt đến 100% và kẹt xe ở mức D khi con đường bị quá tải.

Montréal của Canada xác định kẹt xe khi tốc độ giảm xuống dưới 25 km/h. Tại Hàn Quốc, Tập đoàn Cao tốc Hàn Quốc xác định một điểm bị kẹt xe khi tốc độ giảm dưới 30 km/h hoặc ùn tắc kéo dài hơn hai tiếng mỗi ngày và 10 ngày mỗi tháng. Còn Nhật Bản sử dụng yếu tố tốc độ để đo lường kẹt xe, theo đó tốc độ lưu thông dưới 40 km/h, hoặc các xe phải “nhích” trên đoạn đường hơn 1km hay các tình trạng trên kéo dài trên 15 phút.

TRẦN PHƯƠNG

T.PHÙNG - Q.KHẢI - N.ẨN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên