04/10/2013 14:59 GMT+7

3 ngày chính phủ "đóng cửa", người Mỹ vẫn tỉnh bơ

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Thư từ Mỹ của CTV Phạm Hồng Phước gửi cho tòa soạn Tuổi Trẻ Online ngày 4-10 cho biết “người dân Mỹ vẫn tỉnh bơ, mọi sinh hoạt hầu như vẫn như mọi ngày”, còn du khách như tác giả thì tiếp tục “lang thang đó đây”.

Hzf7n4fi.jpgPhóng to
Dân Mỹ lẫn du khách thập phương vẫn ra đường vui chơi bình thường dù Chính phủ Mỹ "đóng cửa" từ 1-10 đến nay. Ảnh chụp tại khu tham quan các con tàu lịch sử ở bến cảng Baltimore (Mỹ) - Ảnh: P.H.P.
ymJM4baV.jpgPhóng to
Truyền hình Mỹ thi nhau khai thác mọi diễn biến và khía cạnh vụ chính phủ "đóng cửa” - Ảnh: P.H.P.

Lang thang ở khu vực thủ đô Washington và vùng phụ cận trong 3 ngày đầu Chính phủ Mỹ tuyên bố “đóng cửa”, tôi thấy người Mỹ vẫn tỉnh bơ, sinh hoạt hầu như vẫn như mọi ngày, chẳng xôn xao chi cả. Tất nhiên các phương tiện truyền thông thì khai thác mọi diễn biến và khía cạnh vụ "đóng cửa” rất nhiều, tin tức phát đi phát lại, đăng tới đăng lui tràn ngập sáng đêm dù nhiều khi không có nhiều tin mới.

Tỉnh bơ sinh hoạt

Nếu như ở bất cứ nước nào khác, việc chính phủ ngưng hoạt động ắt là một sự kiện “động trời”, gây rối loạn cả đất nước. Nhưng ở Mỹ, người dân không hốt hoảng gì. Phải chăng vì từ năm 1977 tới nay họ đã có “kinh nghiệm” 17 lần Chính phủ Mỹ từng “đóng cửa”? Phần lớn các đợt “đóng cửa” này không kéo dài hơn 3 ngày, một số lần chỉ xảy ra trong chưa tới 1 ngày. Lần đóng cửa dài nhất cũng là lần gần đây nhất xảy ra suốt 21 ngày từ 16-12-1995 tới 5-1-1996 trong nửa cuối nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Bill Clinton, cũng thuộc Đảng Dân chủ.

Không khí “đóng cửa” từ ngày 1-10 đến hôm nay có thể thấy rõ nhất ở thủ đô Washington DC và các bang phụ cận như Maryland, Virginia… do có nhiều cơ quan liên bang trú đóng. Trong khi các công chức liên bang nghỉ xả hơi bắt buộc, các công chức tiểu bang vẫn đi làm bình thường.

Xe cảnh sát vẫn chạy đầy đường. Như ở bang Maryland, ngày 1-10 là ngày bắt đầu có hiệu lực luật mới phạt gắt hơn người lái xe nghe điện thoại di động và người đi xe không thắt dây an toàn, nên từ sáng sớm rất nhiều xe cảnh sát có phù hiệu và cảnh sát thường phục túa ra các con đường để kiểm tra. Như đã nói, các cơ quan liên bang nào có được nguồn thu riêng, ngoài ngân sách được cấp, thì vẫn có thể hoạt động bình thường.

Sở dĩ nói là “chính phủ đóng cửa một phần” là vì các hoạt động thiết yếu như quốc phòng, an ninh, dịch vụ công cộng… vẫn phải hoạt động, kể cả có khi không được trả lương. Thí dụ như ở Lầu Năm Góc, binh lính vẫn hoạt động, chỉ có các nhân viên dân sự là phải tạm nghỉ việc không lương. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có nguồn thu riêng nên các hoạt động lãnh sự trong và ngoài nước vẫn hoạt động 100%.

Nhưng tất nhiên đây là bộ máy hậu cần nên về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới hoạt động chung của quân đội. Còn nói “chính phủ đóng cửa” chứ không phải “chính quyền đóng cửa” vì mỗi địa phương, từ bang xuống tới các thị trấn, thực tế hoạt động theo ngân sách riêng, tùy theo mức độ của quyền tự trị (autonomy). Vì thế, trong thời gian chính phủ liên bang đóng cửa, các cơ quan của các tiểu bang trở xuống vẫn hoạt động bình thường - nếu như ngân sách địa phương vẫn còn tiền.

Nền hành chính ở Mỹ phân cấp chủ động cho các địa phương rất tốt nên người dân chỉ có rất ít công việc dính dáng tới cấp liên bang (thí dụ như xin cấp hộ chiếu…). Ngoài ra, hầu hết hoạt động ở Mỹ là do hệ thống dịch vụ tư nhân đảm trách. Đó là lý do vì sao các lần chính phủ đóng cửa lại ít ảnh hưởng - ít nhất là ảnh hưởng ngay - tới người dân.

Mỗi lần chính phủ đóng cửa đều có nguyên nhân cụ thể khác nhau, nhưng cái chung vẫn là quốc hội “cúp tiền” chi cho bộ máy chính phủ. Lần này, Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát không đồng ý với dự luật chi trọn gói do Nhà Trắng đệ trình, trong đó vướng nhất là việc tăng trần nợ quốc gia và ngân sách cho chương trình bảo hiểm mới cho người dân gọi là Obamacare (nhằm giải quyết tình trạng hàng triệu người Mỹ chưa hề có bảo hiểm y tế).

Nghiệt ngã ở chỗ nếu Quốc hội không chấp thuận nâng trần nợ công lên thì Chính phủ Mỹ sẽ bị vỡ nợ do chi quá mức ngân sách được duyệt dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng cho kinh tế và xã hội (như không có tiền trả lương hưu).

Mặc dù gây nhiều tranh cãi, nhất là sự khó chịu nơi những người trước nay vẫn đóng bảo hiểm y tế do họ phải chịu hạn chế và có những thiệt thòi hơn trước, nhưng chương trình Obamacare rõ ràng sẽ lần đầu tiên cho phép hàng triệu người Mỹ - chủ yếu là dân nhập cư - có được bảo hiểm y tế, một trong những nhu cầu cần thiết nhất cho người sống ở Mỹ - nơi có chi phí y tế tính đúng tính đủ nên rất cao.

Giới doanh nghiệp Mỹ luôn là những người phản đối mạnh mẽ nhất các lần chính phủ "đóng cửa", đặc biệt là các hãng có những hợp đồng với chính phủ hay có những phần việc liên quan tới chính phủ. Thí dụ như do Cơ quan Hàng không liên bang FAA phải cắt giảm nhân viên, hạn chế việc cấp giấy phép bay, các hãng sản xuất máy bay sẽ phải chậm trễ giao hàng do chờ giấy phép của FAA.

Tùy quy mô, các hãng tư nhân có hợp đồng với chính phủ đều phải cho nhân viên tạm nghỉ nhiều hay ít do hợp đồng bị ngừng.

Mất thể diện quốc gia

Mỹ vẫn là cường quốc số 1 thế giới nên mọi diễn biến ở nước này đều có ảnh hưởng tới hoạt động của cộng đồng quốc tế. Các chuyến viếng thăm hay công du từ nước ngoài tới hay từ Mỹ đi trong thời gian đóng cửa này đều ít nhiều bị ảnh hưởng. Cuối ngày 3-10, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Obama đã quyết định hủy bỏ chuyến công du châu Á đã lên kế hoạch trong tuần tới.

Ông Obama tối 3-10 gọi điện cho quốc vương Brunei lẫn tổng thống Indonesia bày tỏ rất tiếc khi phải quyết định hủy chuyến đi châu Á giờ chót như vậy. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney nói trong bản thông báo: “Việc hủy bỏ chuyến công du này là một hậu quả nữa của việc các nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện buộc chính phủ phải đóng cửa”.

Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa lại bị cáo buộc đã gây mất thể diện quốc gia trước quốc tế. Trước đó, họ bị Đảng Dân chủ tố cáo là chống lại người nghèo. Khi những người dân Mỹ bắt đầu bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ chính phủ đóng cửa này, các ông nghị sẽ bị mất điểm.

Trong lần chính phủ đóng cửa này, Tổng thống Obama có phần chiếm ưu thế. Ông tuyên bố sẽ sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ những dự luật riêng lẻ do Quốc hội thông qua với ý đồ chữa cháy và xé lẻ dự luật trọn gói của Nhà Trắng. Nếu như ban đầu Hạ viện muốn Nhà Trắng trở thành con tin trong việc phê chuẩn gói dự luật ngân sách, bây giờ các nghị sĩ Cộng hòa có vẻ đang bị bắt làm con tin của chính mình.

Giới quan sát bình luận rằng đây đã là nhiệm kỳ cuối của Obama nên ông “chẳng có gì để mất”. Dường như càng lúc càng có vẻ các nghị sĩ Cộng hòa muốn tìm một giải pháp khả dĩ để họ có thể xuống thang mà không bị mất mặt trong cuộc đối đầu lần này.

Theo báo The New York TimesWashington Post ngày 4-10, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner nói với các nghị sĩ rằng ông sẽ tìm cách để tránh xảy ra tình trạng chính phủ bị vỡ nợ. Ngày 17-10 là thời hạn cuối cùng để Quốc hội Mỹ quyết định chọn chấp nhận cho nâng trần nợ công hay để cho chính phủ bị vỡ nợ. Bộ Tài chính ngày 3-10 khuyến cáo vụ vỡ nợ này có thể đẩy các gia đình và doanh nghiệp Mỹ vào một cuộc suy thoái còn tồi tệ hơn cuộc suy thoái kinh tế 2007-2009. Nhóm chống thuế Tea Party Express trong Đảng Trà cho biết có 12 nghị sĩ Cộng hòa đang có ý định “từ bỏ cuộc chiến” để cùng các nghị sĩ Dân chủ ủng hộ việc thông qua dự luật ngân sách một cách vô điều kiện.

-----------------------------------

* Tin bài liên quan:

Không thống nhất ngân sách, chính quyền Mỹ đóng cửaNgày thứ hai vẫn như thếTổng thống Obama: Nền kinh tế Mỹ đang bị bắt làm con tinĐối thoại Nhà Trắng thất bại, chính quyền Mỹ tiếp tục đóng cửa

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên