Bác sĩ Bùi Thị Thu Hà, giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết đột quỵ thường xảy ra vào những thời khắc chuyển mùa hoặc sáng sớm, đặc biệt là khi nhiệt độ xuống thấp hoặc thay đổi đột ngột, có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Trời lạnh khiến mạch máu co lại làm tăng huyết áp, lạnh cũng có thể làm máu cô đặc hơn, dẫn đến hình thành cục máu đông, một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ.
Có nhiều yếu tố thuận lợi gây ra đột quỵ trong dịp đầu năm như thời tiết lạnh, sự thay đổi trong chế độ ăn uống, sinh hoạt không điều độ, sử dụng nhiều rượu bia, thiếu ngủ, căng thẳng, ít vận động…, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu.
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ đóng vai trò quan trọng trong việc người bệnh có được cấp cứu kịp thời hay không, từ đó có thể cứu sống người bệnh. Các dấu hiệu của đột quỵ bao gồm: mặt méo, miệng bị lệch; tay chân yếu; nói khó hoặc không rõ; đau đầu dữ dội; chóng mặt, mất thăng bằng.
Cách sơ cứu người bệnh đột quỵ tại nhà
Theo bác sĩ Bùi Thị Thu Hà, đột quỵ có thể khiến người bệnh mất thăng bằng hoặc bất tỉnh, có thể té ngã. Nếu nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh đang bị đột quỵ, hãy làm theo các bước sau:
- Gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp: Nếu đang có các triệu chứng của đột quỵ, hãy nhờ người khác gọi giúp và giữ bình tĩnh nhất có thể trong khi chờ đợi sự trợ giúp khẩn cấp.
Nếu đang chăm sóc người bị đột quỵ, hãy đảm bảo rằng người bệnh đang ở một vị trí an toàn, mặc quần áo thoáng, không gian thoải mái.
Nếu bệnh nhân không tỉnh, nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng một bên, đầu hơi nâng lên và đề phòng trường hợp bị nôn, sặc vào đường thở.
- Sơ cứu đột quỵ trong lúc chờ cấp cứu: Kiểm tra nhịp thở của người bệnh. Nếu không thấy nhịp thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo. Nếu người bệnh cảm thấy khó thở, hãy nới lỏng quần áo, phụ kiện bó sát như cà vạt, khăn cổ, thắt lưng… để người bệnh dễ thở hơn.
Nếu người bệnh ngừng tim, thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Dùng khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh.
Tháo răng giả cho người bệnh (nếu có) tránh bị hóc, sặc. Tuyệt đối không đưa bất cứ vật gì vào miệng người bệnh; Bình tĩnh khuyên nhủ và trấn an người bệnh; Đắp chăn giữ ấm cơ thể người bệnh;
Nếu người bệnh có biểu hiện yếu ở tay chân, cần nhờ nhiều người hỗ trợ di chuyển người bệnh; Quan sát để nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào ở người bệnh.
- Cung cấp thông tin về tình trạng của người bệnh: Ghi nhớ nguyên nhân, biểu hiện, có hay không bị té ngã, đập đầu… của người bệnh để cung cấp cho nhân viên y tế ngay khi được lực lượng cấp cứu hỗ trợ tiếp nhận.
Cách phòng ngừa đột quỵ hiệu quả trong mùa lạnh
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết đột quỵ được xem là bệnh lý cấp tính, hay xảy ra rất đột ngột và hậu quả thường gây tử vong hay tàn phế về sau. Tuy nhiên đây là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được.
- Giữ ấm cơ thể: Việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh rất quan trọng. Cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt.
Khi tham gia hoạt động thể chất nên mặc nhiều lớp áo, khi cơ thể ấm lên sau vận động thì có thể cởi bỏ bớt và mặc vừa đủ giữ ấm cơ thể.
Nếu đang hoạt động ngoài trời lạnh và thấy mình đổ mồ hôi, như vậy cơ thể đang bị quá nóng và không ổn; nhất là đối với người có bệnh tim mạch thì tốt nhất nên nghỉ ngơi, cởi bớt áo khoác và vào ngay trong nhà.
- Kiểm soát huyết áp: Đo huyết áp định kỳ, nhất là với người có tiền sử tăng huyết áp.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế chất béo, đường, muối.
- Vận động thường xuyên: Tăng cường hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tim mạch cần tuân theo nguyên tắc không hoạt động quá sức. Bởi khi trời lạnh, cơ thể phải gắng sức hơn bình thường nhằm giữ nhiệt độ cơ thể ổn định.
Do vậy, việc đi bộ nhanh hơn bình thường gặp khi gió lạnh thổi vào mặt và cơ thể cũng đã là gắng sức.
- Hạn chế rượu bia, thuốc lá: Hạn chế những thói quen làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
- Khám sức khỏe định kỳ: Chủ động tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các yếu tố nguy cơ để đề phòng đột quỵ mùa lạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận