Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo UBND TP.HCM, các sở ngành, địa phương giải đáp thắc mắc người dân xoay quanh chủ đề "Quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật".
Tại đây, nhiều cử tri cho rằng về việc duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông vỉa hè, lòng đường chưa thật sự tốt nên có những nơi hư hỏng không đảm bảo an toàn giao thông.
Đặc biệt một số hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong các khu dự án triển khai trước ngày 1-7-2004, chủ đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục bàn giao hạ tầng và hiện nay chủ đầu tư không còn liên hệ được hoặc doanh nghiệp đã giải thể.
"Như vậy việc duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng này do cơ quan nào giải quyết để đảm bảo an toàn cho người dân sử dụng? Chính quyền TP.HCM có giải pháp gì đối với các trường hợp này?", cử tri đặt câu hỏi.
Ông Trần Phương Thảo - cử tri TP Thủ Đức - nói thêm hiện khu đô thị An Phú - An Khánh, khu dân cư Hoàng Hải tồn tại những tuyến đường chưa kết nối giao thông như Nguyễn Hoàng đã xuống cấp trầm trọng dù chưa bàn giao. Đường chi chít ổ gà, người dân rất khổ sở mỗi khi đưa con đi học qua tuyến đường này.
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - nói kinh phí bảo trì ngành giao thông chỉ khoảng 50%, trong khi đó địa phương chi còn thấp hơn, khoảng 40%.
Hầu hết các quận, huyện, TP Thủ Đức đều đang gặp khó khăn về kinh phí này, cần phải tính toán để duy tu, sửa chữa hạ tầng một cách cân đối nhất. Chính vì vậy, quá trình thực hiện còn giới hạn, chưa thể đáp ứng hoàn toàn như người dân mong muốn.
Riêng một số trường hợp mà cử tri nêu, khu dân cư An Phú - An Khánh, khu dân cư Hoàng Hải... thì chủ đầu tư không còn, một số tuyến đường chưa được bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước.
Điều này dẫn đến pháp lý chưa đảm bảo, rất khó giải quyết, đòi hỏi đơn vị quản lý nhà nước phải sớm có chính sách giải quyết.
Ông Hưng cũng cho biết toàn TP.HCM có hơn 294 tuyến đường đang rơi vào tình trạng này, ảnh hưởng đến đi lại, đời sống người dân.
Trước mắt, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã làm việc với UBND TP Thủ Đức về vấn đề ở khu An Phú - An Khánh để yêu cầu tiến hành duy tu, bảo dưỡng. TP Thủ Đức theo dõi quá trình thực hiện đảm bảo an toàn đi lại.
Về duy tu, bảo trì vỉa hè, lòng đường, ông Trần Thanh Bình - phó chủ tịch UBND quận 3 - khẳng định chính quyền địa phương định kỳ thường xuyên điều tiết số vốn nhất định để bảo trì. Khi có người dân phản ánh thì địa phương giao ngay cho đơn vị công ích rà soát thực hiện.
Quận 3 đặt ra nhiều giải pháp giải quyết vấn đề kinh phí. Trong đó TP.HCM đang nghiên cứu đề án sắp xếp, sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường. Quận cố gắng vận động hộ kinh doanh mặt tiền, mô hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ đó gắn quyền lợi của họ và trách nhiệm bảo trì tự sửa chữa vỉa hè trước nhà mình.
Bên cạnh đó quận cũng tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm xâm hại vỉa hè, làm sao phát huy khai thác hiệu quả vỉa hè, lòng đường mà vẫn đảm bảo được an toàn giao thông.
Phát biểu trong chương trình, ông Bùi Xuân Cường - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết để khai thác vỉa hè hiệu quả, TP.HCM xem xét sửa đổi quyết định 74/2008 về sử dụng lòng đường, vỉa hè phù hợp với thực tế, chính sách giá.
Hạ tầng giao thông phải đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời khai thác hiệu quả mục tiêu khác. Từ đây tăng nguồn thu ngân sách, tối ưu hóa kinh tế đô thị"', ông Cường nói.
Sớm số hóa giao thông
Ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết đơn vị đang triển khai chuyển đổi số 918 camera để giám sát giao thông, thu thập dữ liệu 118 mặt cắt ngang nhằm cung cấp cho người dân.
Tới đây, toàn bộ dữ liệu giao thông, hồ sơ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, vé xe buýt thông minh... cũng được số hóa để quản lý, khai thác hạ tầng tốt nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận