20/12/2021 06:40 GMT+7

24 ngày 'ăn bờ ngủ bụi', vạ vật nơi biên giới phía Bắc vì hàng nông sản ùn ứ

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Chiếc hộp sắt là chạn bát đựng đủ thứ mắm muối, gạo, dầu ăn... và mấy chiếc bếp gas du lịch. Bảo vệ thu chiếc này, tài xế lôi chiếc khác ra dùng. Nhóm bốn tài xế chạy cùng một chủ xe, đang "góp gạo thổi cơm chung" đã... 24 ngày tại bãi xe...

24 ngày ăn bờ ngủ bụi, vạ vật nơi biên giới phía Bắc vì hàng nông sản ùn ứ - Ảnh 1.

Hàng nghìn container nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - Ảnh: VŨ TUẤN

Trời đất ơi! Tui bằng này tuổi đầu rồi mà họ cho tui tắm nước lạnh! Mai tui bệnh, ho hen, phải đi cách ly thì hàng họ của tui tính sao?

Ông Chín (tài xế hơn 50 tuổi, đang bị kẹt tại biên giới Lạng Sơn)

Tin không vui từ bên kia biên giới Lạng Sơn báo về: tạm ngưng nhập xe mít vì có người bán mít nhiễm COVID-19. Cánh tài xế container thấp thỏm nhìn bãi xe hàng nghìn chiếc chen chúc chưa biết khi nào giao xong hàng.

Đặng Đức Thuận giật mình nhìn đồng hồ, 2h sáng. Anh bật cửa xe, vẫn quần cộc và áo thun lập cập trong cái rét 16 độ C. Tiếng máy nổ khàn đục gầm lên giữa đêm. Bên cạnh, "hàng xóm" lục tục bật dậy, nổ máy. Tiếng động cơ, tiếng gọi nhau í ới, ánh đèn pin loang loáng trong đêm.

Cạn cả dầu chạy máy

"Không được ngủ đâu anh! - Thuận nói - Chúng tôi phải liên tục chạy máy lạnh để thanh long không hỏng. Nóng quá thì ủng thối, lạnh quá thì nhanh bị khô, xuống màu. Hàng mà hỏng thì chúng tôi với chủ xe phải đền tiền, cực lắm!".

Anh Thuận phải nằm đợi ở bãi xe tạm trước cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) gần 2 tuần nay. Đây chỉ là bãi đỗ tạm thời, anh chưa biết khi nào vào bãi đỗ chính sát cửa khẩu để được làm thủ tục hải quan. Đồng nghiệp anh đã chờ ở cửa khẩu 3 tuần, vẫn chưa có thông tin khi nào được thông quan.

Đêm ở biên giới Tân Thanh, hàng trăm xe container hoa quả mòn mỏi nằm chờ đến lượt. Đây là khu đất trống được quy hoạch để xây dựng các công trình thuộc khu mậu dịch phi thuế quan giữa Việt Nam và Trung Quốc. Không còn một chỗ trống, cả con đường bêtông dài gần 2 cây số đã xếp kín xe, chỉ còn một lối đi ở giữa vừa đủ một chiếc xe lách qua.

Anh cán bộ biên phòng trực chốt cho hay tuần trước mỗi ngày có đến 300 xe vào khu vực bãi tạm này, giờ còn 80 xe. Đây là con số cho phép khi 80 xe ở bãi đỗ chính được thông quan thì sẽ có 80 xe được vào. Còn lại, các bãi xe khác ở Đồng Đăng và TP Lạng Sơn vẫn tiếp tục nhận thêm hàng trăm xe mới từ miền Nam ra.

Tài xế Thuận đã có hơn 10 năm chạy xe container chở hoa quả lên biên giới. Năm nào cũng gặp chuyện tắc biên, ùn ứ nhưng chưa năm nào nghiêm trọng kéo dài như năm nay. Téc dầu chạy máy lạnh đã hết, anh rút dầu ở đầu kéo để chạy. Số này cũng sắp cạn, phải thuê xe ôm mua dầu từ ngoài vào.

Cách mấy chiếc xe, tài xế Nguyễn Văn Hà, quê Quảng Nam, mở cửa thùng kiểm tra mấy quả thanh long. Vỏ vẫn đỏ nhưng không còn bóng như ban đầu. Anh tạm yên tâm, khóa cửa rồi vòng qua xem kỹ nhiệt kế trên máy lạnh. Anh cho biết: "Mình không thể chủ quan được, nhiệt độ của máy lạnh báo ở đầu công thôi, còn cuối công lại khác. Tụi em phải thức, kiểm tra bằng giác quan của mình để hàng không bị nóng mà cũng không bị khô quá".

Hà vừa canh nhiệt độ vừa canh dầu máy. Xe công vào đây nằm "chết gí" một chỗ, không thể ra ngoài mua dầu. Chạy hết dầu, anh phải thuê xe ôm mua từng can đổ vào. Hà chưa bao giờ gặp cảnh phải nằm một chỗ lâu như bây giờ. Có những chuyến tắc biên cùng lắm chỉ phải đợi 5 ngày. Đời tài "công" quanh năm suốt tháng trên đường gần như không có ngày nghỉ. Thế nhưng khi được ở một chỗ, Hà lại đứng ngồi không yên. Anh lo hàng trái cây bị hư hỏng, lo máy móc trục trặc, lo hết tiền, không có lương, lo cả cái tết đang đến gần chưa có đồng nào cho vợ.

Mỗi chuyến hàng chạy từ Bình Thuận ra biên giới, chủ xe trả công 11 triệu đồng cho hai tài xế. Hết tháng, chưa giao hàng xong, Hà chưa nhận được hơn năm triệu tiền công. "Tụi em tài xế đường dài là đi chuyến, lương là lương chuyến. Giao hàng xong, về lại là tính được một chuyến. Còn nằm ở đây cả tháng thì cũng chỉ được một chuyến, nhiều khi còn sợ bị trục trặc nữa, xe cộ nó hỏng nữa, không nằm lâu được" - Hà lo lắng kể.

24 ngày ăn bờ ngủ bụi, vạ vật nơi biên giới phía Bắc vì hàng nông sản ùn ứ - Ảnh 3.

Túi thức ăn góp chung của nhóm tài xế quê Bình Định - Ảnh: VŨ TUẤN

Bữa cơm góp dưới gầm xe

Đinh Công Trưởng, tài xế quê ở Bình Định, xách túi thức ăn nhét vào gầm xe. Cả nhóm bốn tài xế đều quê ở Bình Định, chạy cho cùng một chủ xe, đang phải "góp gạo thổi cơm chung" đã... 24 ngày tại bãi xe. Túi đồ có vài mớ rau, cân thịt ba rọi, chục trứng và mấy món đồ khác có giá hơn 600.000 đồng.

Góc bếp "dã chiến" được đặt ngay dưới gầm container. Chiếc hộp sắt là cái chạn bát đựng đủ thứ mắm muối, gạo, dầu ăn... và mấy chiếc bếp gas du lịch. Bảo vệ thu chiếc này, tài xế lại lôi chiếc khác ra dùng. Chiếc thùng phuy dưới gầm xe đủ nước để 2 tài xế tắm rửa, nấu ăn trong 5 ngày. Nằm ở bãi xe quá lâu, nhóm anh Trưởng phải mua từng bịch nước nhỏ, đục lờ nhờ về nấu ăn.

"Anh em chúng tôi sợ nhất là dịch. Bãi xe này có cả vài nghìn người, đi ta bà khắp nơi về, ăn ở căngtin nhỡ nhiễm covid, xe hàng coi như bỏ, tiền đâu đền?" - Trưởng nói. Chui dưới gầm xe, anh Trưởng rửa rau, đổ nước rồi bật bếp gas. Gầm xe bên cạnh cũng đang đỏ lửa, mùi kho quẹt thơm lừng khiến tài xế nao nao nhớ nhà.

Nguyễn Văn Đại, quê Ninh Thuận, dọn bữa ngay bậc lên xuống của đầu kéo. Bữa cơm đạm bạc có rau cải luộc và bát thịt chưng mắm mang từ quê ra. Trong cabin còn ít bánh tráng, cá khô và túm gạo nhỏ. Mì gói, cà phê đã hết, anh Đại chỉ mong bỏ xong hàng rồi cùng chiếc đầu kéo rong ruổi Bắc Nam.

Trưởng dọn cơm ngay cạnh gầm xe để tránh nắng. Bốn tài xế quây quần trong bữa cơm đạm bạc. Chuông điện thoại reo, anh Trưởng bật camera cho vợ con nhìn bữa cơm có đủ rau, thịt. Vợ anh lo lắng vì chuyến đi dài nhất kể từ ngày anh cầm vôlăng. Anh không cho vợ con xem mặt mình, chỉ cười chua chát. "Ba tuần không cạo râu, không ngủ, đã vậy lại còn chọt mũi xét nghiệm chục lần. Mũi to, tóc xù xấu hoắc à! Vợ chê tội nghiệp tui lắm!" - Trưởng gượng pha trò, cánh tài xế cười mà mặt méo xẹo.

Ai nấy mặt mày hốc hác, mắt thâm quầng. "Xe vô đây bị kẹt cứng rồi thì cứ như chui vào rọ, đi tiếp không được, quay về không xong. Thiếu nước, thiếu tiền... cố đợi chờ mà sống thôi, chỉ mong tết này kịp về đến nhà" - Trưởng chia sẻ.

Bãi xe ngay bên cạnh cửa khẩu Tân Thanh luôn có gần 1.000 xe nằm chờ. Tương ứng là khoảng 2.000 lái xe, phụ xe... Công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày của họ là phập phồng ngóng tin từ bên kia biên giới, kiểm tra máy lạnh, mua dầu và tìm cách đối phó với bảo vệ.

Phí bến bãi mỗi ngày 400.000 đồng, tiền dầu, tiền ăn, tiền nước, tiền vệ sinh... cứ thêm ngày nào tài xế mất cả triệu ngày ấy. Khoảng một nửa tài xế trong bãi xe này đã 20 ngày chờ đợi, chưa biết khi nào được giao hàng...

24 ngày ăn bờ ngủ bụi, vạ vật nơi biên giới phía Bắc vì hàng nông sản ùn ứ - Ảnh 4.

Đã nhiều ngày, tài xế này phải ăn uống sơ sài chống đói ở biên giới - Ảnh: VŨ TUẤN

Ngày 18-12, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo các bộ Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Y tế, UBND các tỉnh thành giải quyết tình trạng ùn tắc nông sản tại Lạng Sơn.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục đàm phán với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc để có giải pháp tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu. Đồng thời, bộ này cần giải quyết các vấn đề phát sinh trong giao, nhận hàng hóa. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức sản xuất gắn chặt với nhu cầu thị trường, tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản về các tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu...

Gần 5.000 xe container nằm la liệt ở cửa khẩu, tài xế Gần 5.000 xe container nằm la liệt ở cửa khẩu, tài xế 'khóc ròng' vì nông sản kẹt cứng

TTO - Tình trạng ùn ứ xe chở nông sản trong khoảng 20 ngày qua tại cửa khẩu ở Lạng Sơn khiến các tài xế như 'ngồi trên đống lửa', không biết khi nào mới xuất được hàng, mỗi ngày họ tốn thêm 1 triệu đồng chi phí bến bãi, dầu, sinh hoạt.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên