Theo Hãng tin Reuters, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) hôm 9-1 cho biết kể từ tháng 6-2023, tháng nào sau đó cũng là tháng được ghi nhận với mức nhiệt kỷ lục so với các tháng tương ứng của những năm trước đó.
"Đây là một năm rất đặc biệt, khí hậu diễn biến khó lường ngay cả khi so sánh với những năm nắng nóng khác", Giám đốc C3S Carlo Buontempo cho biết.
C3S xác nhận 2023 là năm nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 1850. Đối chiếu với các ghi nhận khí hậu học từ các dữ liệu như vòng sinh trưởng của cây và bong bóng khí ở sông băng, ông Buontempo cho biết 2023 rất có thể là năm Trái đất nóng nhất trong 100.000 năm qua.
Theo các nhà phân tích, nhiệt độ trung bình năm 2023 tăng 1,48 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).
Trong khi đó, các quốc gia đã đồng ý trong Thỏa thuận Paris năm 2015 cố gắng ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng quá 1,5 độ C, nhằm tránh được những hậu quả nghiêm trọng nhất của việc Trái đất nóng dần lên.
Tuy vẫn chưa vượt quá mức trên - tức nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,5 độ C trong nhiều thập kỷ, nhưng nhiệt độ đã vượt quá mức trong gần một nửa số ngày của năm 2023, đặt ra "một tiền lệ nghiêm trọng".
Trong nhiều thập kỷ qua, nhiệt độ toàn cầu vẫn chưa vượt qua giới hạn tăng 1,5 độ C nhưng C3S nhận định việc gần nửa số ngày trong năm 2023 có mức nhiệt vượt qua giới hạn này là "tiền lệ rất xấu".
Năm 2023 cũng là năm đầu tiên ghi nhận nhiệt độ mỗi ngày tăng 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đặc biệt, hai ngày của tháng 11-2023 nóng hơn 2 độ C so với thời kỳ này.
Theo ông Buontempo, năm 2023 nóng hơn 0,17 độ C so với năm 2016 - năm nóng nhất được ghi nhận trước đó.
Cùng với biến đổi khí hậu do con người gây ra, hiện tượng El Nino cũng góp phần tạo ra sự nóng lên toàn cầu. Hiện tượng này làm ấm bề mặt nước biển vùng biển phía đông Thái Bình Dương và góp phần tăng nhiệt độ Trái đất.
Điều mà các nhà khoa học hiện vẫn chưa biết là liệu nhiệt độ cực cao của năm 2023 có phải dấu hiệu cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang gia tăng.
Mỗi mức nhiệt tăng lên đều làm tăng tính tàn phá của các thảm họa thời tiết. Bà Friederike Otto - nhà khoa học khí hậu, người đồng lãnh đạo nhóm hợp tác nghiên cứu toàn cầu của World Weather Attribution - cho biết: "Những thay đổi nhỏ về nhiệt độ toàn cầu có tác động rất lớn đến con người và hệ sinh thái".
Vào năm 2023, Trái đất nóng lên đã làm trầm trọng thêm các đợt nắng nóng chết người từ Trung Quốc đến châu Âu.
Đồng thời, tình trạng này còn gây ra hiện tượng mưa lớn làm lũ lụt khiến hàng ngàn người ở Libya chết và thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử xảy ra ở Canada.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận