03/12/2020 11:03 GMT+7

20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ cuối: 100 năm mơ ước thành sự thật

QUỐC VIỆT - THÀNH NHƠN
QUỐC VIỆT - THÀNH NHƠN

TTO - Hồi đó, các ông Sáu Dân, Sáu Khải rất quan tâm cầu Mỹ Thuận, cứ có dịp là lại lội bộ vào thăm công trình.

20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ cuối: 100 năm mơ ước thành sự thật - Ảnh 1.

Cầu Mỹ Thuận lúc đang được xây dựng - Ảnh: ĐỖ NGỌC DŨNG

Lần giở những tấm hình công trình cầu Mỹ Thuận đã ngả màu thời gian, ông Đỗ Ngọc Dũng, nguyên phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án cầu Mỹ Thuận, xúc động: "Có lần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghé thăm công trình đã hỏi tôi: "Này cháu, giả sử hai nhịp cầu dài như thế mà không nối khớp nhau lúc hợp long thì sao?".

"Dạ, thì ông Sáu cứ băm tụi con thả cho cá sông Tiền ăn". Tôi biết ông Sáu Dân hỏi đùa và tôi cũng trả lời vui...".

Cuộc hợp tác Việt - Úc

20 năm đã trôi qua với biết bao đổi thay, ông Dũng cũng đã trải qua nhiều công trình xây cầu khác nhau nhưng không thể nào quên tháng ngày làm cầu Mỹ Thuận - cây cầu lớn đầu tiên mở rộng cánh cửa ra - vào miền Tây Nam Bộ.

Nửa đầu thế kỷ 20, người Pháp từng định làm cầu này để kéo tuyến xe lửa và ôtô về châu thổ phương Nam trù phú mà bất thành. Rồi 20 năm của chính quyền Sài Gòn, dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận cũng làm được nhiều việc như lập sở xây dựng, chọn nhà thầu, tìm kiếm nguồn vốn, làm đường dẫn, nhưng cuối cùng vẫn không thể đến ngày khởi công...

Vượt qua những năm tháng hậu chiến khó khăn, công trình cầu Mỹ Thuận lại được tái khởi động. Và dù nhịp cầu nối đôi bờ sông Tiền bị lỡ làng cả 100 năm theo bao thời cuộc lịch sử thăng trầm, nhưng lần này nó đã được làm nhanh, thậm chí nhanh hơn cả sự mong đợi. 

"Tôi nhớ năm 1994 mới chính thức nghiên cứu thì năm 2000 cây cầu Mỹ Thuận đã soi bóng sông rồi. Ngay anh em chúng tôi làm xây dựng cũng ngạc nhiên khi nhìn lại tiến độ quá nhanh này. Bởi sau 3 năm nghiên cứu, trình tự này nọ, năm 1997 Việt - Úc mới khởi công xây dựng" - ông Dũng tâm sự.

Có rất nhiều điều đặc biệt đối với cây cầu lịch sử này. Ngoài là cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam, theo ông Dũng, Mỹ Thuận còn có nhiều kỹ thuật đặc biệt khác như độ tĩnh không cho tàu bè lưu thông cao nhất vào thời điểm đó là 37,5m với nhịp dài 110m, đường kính cọc nhồi đến 2m và sâu gần 100m... 

Nhiều người hỏi tại sao lại chọn kiểu cầu dây văng? Chính độ thông tàu cao đến 37,5m và dài 110m đã khiến các kỹ sư Úc bàn với Việt Nam chọn cầu dây văng. Còn nếu chỉ cao 25m thì có thể chọn cầu bêtông hoặc thép như đã từng làm nhiều trong nước.

"Không chỉ tài trợ 66% vốn xây cầu Mỹ Thuận cho Việt Nam, mà đối tác Úc còn giúp đỡ rất nhiều về kỹ thuật, nhân sự chuyên môn, giám sát chất lượng, an toàn ..." - ông Dũng khẳng định ngành cầu đường trong nước đã học hỏi được nhiều từ phía Úc trong công trình cầu Mỹ Thuận để sau đó dần chủ động làm các cây cầu dây văng lớn khác. 

Và đến giờ, đội ngũ nhân lực chuyên môn trong nước đã có thể làm được tất cả "kỹ thuật khó" ở thời điểm đó như khoan cọc nhồi đường kính lớn, làm dầm kỹ thuật mới, trụ tháp kéo dây văng...

"Tuy nhiên, ngay ở công trình cầu Mỹ Thuận thời điểm đó, hầu hết vẫn là nhân sự Việt trực tiếp thực hiện. Chỉ có khoảng vài chục kỹ sư Úc phụ trách, hướng dẫn và thêm vài chục thợ từ Thái Lan, Philippines điều khiển thiết bị cơ giới chuyên dụng nhập khẩu, trong khi hồi cao điểm có hơn 2.000 người ở công trình. 

Kỹ sư, công nhân Việt có mặt ở tất cả bộ phận, kể cả công đoạn rất mới mẻ là kéo dây văng, và được phía Úc đánh giá rất cao" - ông Dũng tự hào nhớ lại.

20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ cuối: 100 năm mơ ước thành sự thật - Ảnh 2.

Cầu Mỹ Thuận nối đôi bờ sông Tiền - Ảnh: CHÍ QUỐC

Trưởng thành từ cầu Mỹ Thuận

"Mẻ trộn bêtông nào cũng vậy, mấy ổng đưa thiết bị vô đo mà không đạt chất lượng là bỏ hết. Chất lượng công trình được mấy ổng đặt lên hàng đầu. Ngày ấy tui làm công nhân thi công cầu nên nể mấy ông đó lắm" - ông Trần Văn Hùng (56 tuổi, ngụ xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang) chia sẻ những ngày làm cầu dưới sự chỉ đạo của các kỹ sư Úc và Việt Nam.

Ba anh em cột chèo Phạm Hoàng Như (58 tuổi), Trần Văn Hùng và Nguyễn Thanh Tùng (51 tuổi) cùng ngụ xã Hòa Hưng cũng thuộc đội thi công cốp pha cầu Mỹ Thuận những năm 1997-2000. Theo anh Hùng, thời điểm đó người dân địa phương xin làm công nhân xây dựng cầu khá đông và đa số là người sinh sống ngay khu vực dưới chân cầu hai bờ Vĩnh Long, Tiền Giang. 

"Thấy tuyển dụng lao động, mấy anh em tui mới nộp đơn. Ban đầu phải thử việc khoảng hai tháng coi mình làm được việc hay không thì người ta mới nhận vào" - anh Hùng kể sự chuyên nghiệp ở công trình Mỹ Thuận.

Còn theo anh Tùng, người muốn làm việc ở cầu bắt buộc phải qua lớp học an toàn lao động. Họ được tập huấn những kiến thức an toàn, và sau đó còn phải thi để được cấp chứng chỉ. 

"Họ cho mình ôn tập khoảng 150 câu để rồi ra câu hỏi cho mình trả lời. Ai đạt thì ra làm, ai không đạt phải học lại" - anh Tùng kể và cho biết thêm những lớp đào tạo thế này đã giúp người lao động trưởng thành rất nhiều trong môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiện đại.

Sau cầu Mỹ Thuận, anh em anh Tùng còn thi công cầu Bãi Cháy, cầu Cần Thơ và một số công trình khắp miền đất nước. "Tôi đã được tin tưởng giao làm quản lý nhóm công nhân xây dựng" - anh Tùng tự hào chia sẻ.

Gần dốc cầu Mỹ Thuận phía bờ Vĩnh Long, ông Phạm Văn Việt (57 tuổi, ngụ phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long) cũng từng là một trong những tổ trưởng tổ kéo dây văng cầu Mỹ Thuận. Trước thời điểm thi công cầu Mỹ Thuận, ông đang làm cho một công ty xây dựng tại địa phương. 

"Tổ tui hơn 10 người chuyên trách công việc kéo dây văng. Có máy móc hỗ trợ nên không quá cực nhọc, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối theo hướng dẫn của kỹ sư nước ngoài" - ông Việt kể.

Theo ông Việt, công đoạn kéo dây văng rất quan trọng và được những người có trách nhiệm giám sát chặt chẽ, đảm bảo không để xảy ra bất kỳ sai sót nào dù là nhỏ nhất. "Tất cả công nhân vào công trường đều phải mang giày và đồ bảo hộ khi thực hiện công việc. Độ an toàn được đảm bảo tuyệt đối để công nhân có thể yên tâm thực hiện công việc" - ông Việt nhớ lại.

Trong đội thi công kéo cáp văng năm ấy, hiện chỉ còn ông Trần Công Tường (53 tuổi, ngụ phường 3, TP Vĩnh Long) là còn gắn bó trực tiếp hằng ngày với cầu Mỹ Thuận. Hiện là nhân viên Công ty 715, thực hiện việc bảo vệ, tu bổ, sửa chữa cầu, ông tâm sự thấm thoắt đã gắn bó với cây cầu lịch sử này hơn 20 năm.

"Lúc trước tui làm chung đội dây văng với anh Việt, sau này có thời gian chuyển sang thu phí rồi chuyển qua đội bảo dưỡng cầu đến hôm nay. Tính ra cũng có duyên với cây cầu đặc biệt này" - ông Tường trải lòng và nhìn lên dòng người, xe đang thong dong qua cây cầu Mỹ Thuận lộng gió miền Tây.

Ông Đỗ Ngọc Dũng có nhiều kỷ niệm với cầu Mỹ Thuận, nhưng kỷ niệm khó quên nhất với ông là sự đồng lòng cho việc xây dựng công trình thế kỷ này.

“Tôi đi các địa phương để giải quyết giấy tờ, thủ tục, mặt bằng này nọ rất nhanh và luôn được nhiệt tình ủng hộ. Có nhiều việc được giải quyết ngay trong ngày từ cấp xã đến tỉnh, như mượn khu đất phía bờ Vĩnh Long cho đối tác nước ngoài ở, kể cả xin địa điểm lập trạm thu phí...

Ngay khi chưa xây xong cầu, nhiều cô bác địa phương đã sáng chiều đến ngóng xem và tâm sự rằng cả đời họ mong ước cây cầu này. Còn hôm khánh thành cầu thì dân háo hức đến tham quan như dự hội, đông đến mức làm kẹt hết cả đầu Vĩnh Long lẫn Tiền Giang”.

Cầu Mỹ Thuận nối đôi bờ sông Tiền ở hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Được khởi công tháng 7-1997 và khánh thành tháng 5-2000, cầu có chiều dài 1.535,2m, rộng 23,66m cho 4 làn xe cơ giới lưu thông. Tổng vốn đầu tư 90,86 triệu đôla, phía Úc tài trợ 66%, Việt Nam 34%. Các nhà thầu chính là Baulderstone Hornibrook của Úc và Cienco 6 Việt Nam.

20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 1: Một thời cách trở dòng sông 20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 1: Một thời cách trở dòng sông

TTO - Có người đã nói rằng việc xây cầu Mỹ Thuận thập niên 1990 để rộng cánh cửa ra - vào miền Tây Nam Bộ cũng khó như... bắc cầu lên trời.

QUỐC VIỆT - THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên