22/08/2019 09:28 GMT+7

20 năm cầm quyền của Putin: Trả lại vị thế Nga, nhưng với giá nào?

TƯỜNG ANH
TƯỜNG ANH

TTO - Từ năm 1999, Vladimir Putin cầm quyền nước Nga 20 năm liên tục, ở cương vị tổng thống hay thủ tướng.

20 năm cầm quyền của Putin: Trả lại vị thế Nga, nhưng với giá nào? - Ảnh 1.

Ảnh: VALUEWALK

Ngày 9-8-1999 đi vào lịch sử nước Nga bằng phát biểu trên truyền hình của tổng thống Nga khi đó, Boris Yeltsin, lúc ông tiến cử quyền thủ tướng mới: "Tôi quyết định gọi tên người có khả năng bảo đảm việc tiếp tục cải cách ở Nga. Ông ấy có khả năng tập hợp quanh mình những người sẽ phải đổi mới nước Nga vĩ đại".

Từ đó đến nay, Vladimir Putin cầm quyền nước Nga 20 năm liên tục, ở cương vị tổng thống hay thủ tướng.

Những người đương thời còn nhớ: năm 1999, nước Nga lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện. Mức ủng hộ ông Yeltsin xuống mấp mé số không.

Các "lãnh chúa" địa phương bỏ ngoài tai lời kêu gọi của ông liên kết với khối "Thống nhất" (thân Kremlin), khiến chỉ trong một năm Nga phải thay ba thủ tướng. Trước ông Putin khi đó là các thủ tướng Sergey Stepashin và Yevgheni Primakov.

"Kiểu Stierlitz"

Thị trưởng Matxcơva Yury Luzhkov, thống đốc Saint Petersburg Vladimir Yakovlev và tổng thống Tatarstan Mintimer Shaimiyev, thay vì liên kết với khối "Thống nhất", đã cùng khối của cựu thủ tướng, cựu ngoại trưởng Primakov lập ra đảng "Tổ quốc - toàn Nga" (OVR), dẫn tới sự phân hóa giới tinh hoa chính trị đất nước.

Các "lãnh chúa" nặng ký ở các khu vực rầm rộ ngả về phía OVR, trong khi ở trung tâm Matxcơva, hàng ngàn người dưới sự lãnh đạo của thị trưởng Luzhkov biểu tình, đòi Yeltsin từ chức.

Khi đó, ông Yeltsin đang trong tình cảnh không thể để lại một người kế vị theo ý riêng. Một mặt, ông cần phải trao cho quần chúng người lãnh đạo hợp ý họ, nhưng mặt khác, ông cần bảo đảm an toàn cho mình khi "hạ cánh". Trong tình hình đó, thủ tướng Putin dường như chỉ là một nhân vật giao thời, ít ai nghĩ là triều đại của ông sẽ kéo dài 20 năm, và lâu hơn nữa.

Tổng biên tập cổng thông tin tayga.info Aleksei Mazur kể: Mùa xuân 1999, trên bàn của chiến lược gia chính trị Kremlin khi đó Gleb Pavlovsky có một tập hồ sơ với dòng chữ "Dự án Putin".

Cùng lúc, một cuộc thăm dò các cơ quan thân cận Kremlin đã đặt câu hỏi "kiểu nhà lãnh đạo nào mà bạn mong muốn", và trong số những hình tượng, "kiểu Stierlitz" đã chiến thắng (ý chỉ Max Otto von Stierlitz, nhân vật văn học nổi tiếng trong nhiều tác phẩm của nhà văn Nga Xô viết Yulian Semyonov.

Stierlitz (tên thật là Maksim Maksimovich Isayev) là điệp viên Nga hoạt động như một đại tá SS trong lòng Đức quốc xã. Nhân vật này nổi tiếng nhất có lẽ qua bộ phim truyền hình 17 khoảnh khắc mùa xuân. Trước khi được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Putin từng là giám đốc FSB - Cơ quan An ninh liên bang Nga).

Bản thân ông Yeltsin tin tưởng vào sự trung thành của Putin, người từng giúp ông trong cuộc chiến chống tổng công tố viên Yury Skuratov. Ông này khi đó đang tiến hành một vụ án hình sự nhắm vào các quan chức giúp việc của Yeltsin, với cáo buộc họ lạm quyền khi ký kết các hợp đồng tái thiết Kremlin.

Uy tín của Skuratov tan nát và ông phải từ chức sau khi một đoạn video chiếu cảnh giường chiếu của ông với gái mại dâm bị công khai, mà ông Putin, với vai trò giám đốc FSB, xác nhận về tính xác thực của đoạn video, nói rằng nhân vật trong đó là "một người trông giống tổng công tố viên".

Ấn tượng tích cực của Yeltsin với ông Putin còn bởi lòng trung thành của Putin với sếp, cũng là thầy ông ở Petersburg là ông Anatoli Sobchak, người được Putin giúp bay sang Pháp trong lúc đang bị điều tra hình sự. Theo lời chánh văn phòng Kremlin khi đó Valentin Yumashev (con rể Yeltsin), những điều này đã đóng vai trò quyết định trong việc ông Yeltsin chọn người kế nhiệm.

Và ông Yeltsin không chọn sai. Putin vẫn để Yeltsin sau đó tiếp tục sống trong các tòa nhà tổng thống và được bảo đảm an ninh trọn đời, nhàn nhã câu cá với bạn thân thiết là Helmut Kohl trên hồ Baikal cùng nhiều niềm vui khác, thay vì bị đặc nhiệm xông vào khám xét, bắt giữ (như vừa mới xảy ra với cựu tổng thống Kyrgyzstan Almabek Atambayev)!

Tổng biên tập Mazur kể: "Một cử tri bình thường hẳn phải đặt câu hỏi: có thể chờ đợi gì ở người kế nhiệm một tổng thống tham nhũng và không được lòng dân. Thế nhưng người Nga không đặt câu hỏi đó.

Sự ưa thích đối với hình ảnh Stierlitz trên chiếc ghế thủ tướng đã nảy nở ngay và không bị che mờ bởi bất cứ logic nào. Tôi nhớ khi đón năm mới 2000 ở dưỡng đường Muzhdurechensk, nơi chúng tôi ngồi nghe phát biểu giao thừa của Yeltsin: "Tôi mệt mỏi rồi, tôi sẽ ra đi". Khi Yeltsin xướng tên người kế nhiệm là thủ tướng Putin, mọi người đã vỗ tay vui mừng".

Vậy thì, một nước Nga khủng hoảng sâu sắc của năm 1999, và một nước Nga 20 năm sau dưới sự lãnh đạo của Putin đang được người Nga đánh giá ra sao?

20 năm cầm quyền của Putin: Trả lại vị thế Nga, nhưng với giá nào? - Ảnh 2.

Ông Vladimir Putin (phải) nhận bàn giao từ ông Boris Yeltsin 20 năm trước - Ảnh: RFE/RL

"Trả lại nước Nga"

Dựa trên những con số thống kê, công tâm mà nói nước Nga dưới thời Putin đã thay đổi tích cực về đối nội lẫn đối ngoại. Trong một trả lời phỏng vấn, ông Putin kể thuở nhỏ có lần cậu bé Putin nghịch ngợm đã dí một con chuột vào góc kẹt khiến con chuột nhảy xổ ra tấn công lại cậu.

Từ đó, Putin rút ra bài học: không bao giờ dồn đối phương đến tận cùng, luôn tạo điều kiện để đối phương thoát khỏi tình huống khó khăn mà không mất mặt. Mặt khác, một khi đã rơi vào tình huống không lối thoát thì phải ra đòn đầu tiên chớp nhoáng và phải đi đến tận cùng.

Chiến dịch Crimea của "những người lịch sự" là một trong những nước đi đó. Hay sự thay đổi tình hình Syria với sự tham gia hỗ trợ chống IS của không quân Nga.

Thomas Graham trên tờ The Financial Times ngày 17-12-2017 nhận định: "Khi Putin lên nắm quyền 18 năm trước, nhiệm vụ chính của ông là trả lại cho nước Nga vị thế cường quốc.

Ông đã nỗ lực để Nga trở thành một trong số không nhiều các quốc gia xác định cấu trúc, nội dung và đường hướng những vấn đề đối ngoại thế giới. Putin muốn sao cho nếu không có Matxcơva, không thể giải quyết một vấn đề toàn cầu nào. Và ông đã đạt được thành công đáng kể trong việc này".

Cố vấn ngoại giao Mỹ Henry Kissinger (trong bài viết dài đăng trên capx.co: "Hỗn loạn và trật tự trong một thế giới thay đổi") thì lý giải như sau về tinh thần của chính sách đối ngoại thời Putin: "(Quan điểm của Putin về chính trị quốc tế) là di sản của thế giới quan có phần tương đồng với nhà văn Fyodor Dostoyevsky, một ví dụ… là phát biểu của nhà văn này vào năm 1880…

Lời kêu gọi nhiệt thành của ông về sự hồi sinh tinh thần Đại Nga, dựa trên những phẩm chất Nga, đã được Solzhenitsyn hưởng ứng vào cuối thế kỷ 20. Trở về Nga từ Vermont, nơi ông sống lưu vong, Solzhenitsyn kêu gọi hành động để cứu người Nga, đang bị "lấn khỏi" nước Nga. Cũng trong tinh thần đó, Putin đã chống lại… phương Tây, vốn cố kềm chế nước Nga trong suốt 300 năm".

Còn về đối nội, câu hỏi lớn đang được các nhà bình luận chính trị Nga đặt ra là vấn đề kế thừa: Làm thế nào để tiếp tục củng cố vị thế quốc tế và đà phát triển hiện nay của nước Nga hậu Putin?

Đang có nỗi lo về chất lượng của tầng lớp tinh hoa Nga, mà "không một Sa hoàng nào, dù với tất cả nỗ lực của mình, có thể thay thế hàng trăm thống đốc và bộ trưởng, và nếu họ bị hạn chế về tri thức… thì chất lượng quản trị không bao giờ có thể đáp ứng", theo lời Aleksandr Khaldei trên bản tin phân tích aurora.network.

Trong bối cảnh đó, dễ hiểu vì sao chưa thấy lộ diện những ứng viên kế nhiệm sáng giá. Khi được phóng viên The Financial Times ngày 27-6-2019 hỏi về người kế nhiệm, Putin đáp ông đã liên tục nghĩ về vấn đề này từ năm 2000.

Tuy nhiên, theo ông, tình hình mỗi năm đều có thay đổi nên những yêu cầu nhất định với những người có thể lãnh đạo đất nước cũng thay đổi. Nhưng ông cũng nhấn mạnh: quyết định cuối cùng thuộc về người dân Nga, qua cuộc bầu cử trực tiếp, toàn dân. Đến đây, vấn đề lại quay về với nền dân chủ.

Những ngày qua, phe đối lập kêu gọi biểu tình để có cuộc bầu cử thị trưởng và hội đồng thành phố Matxcơva công bằng. Tường thuật trực tiếp cuộc biểu tình được cấp phép ở Matxcơva ngày 10-8, KP.ru khái quát: "Những người biểu tình muốn làm một Bolotnaya (chỉ cuộc biểu tình lớn dẫn tới bạo lực ngày 6-5-2012, một ngày trước khi ông Putin nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 3), hay một Maidan thứ hai, nhưng không vươn tới nổi".

Theo tìm hiểu của nhà báo người Canada Eva Barlett thì trong khi nhiều người trẻ đã tham gia cuộc biểu tình, họ không biết tên một ứng viên đối lập nào lẫn chương trình nghị sự của họ.

Rõ ràng, việc đổi mới tầng lớp tinh hoa chính trị Nga, dù qua bầu cử hay qua ý chí cá nhân của một nhà lãnh đạo, sẽ là một quá trình còn kéo dài, dài hơn nhiều so với ngay cả kỷ nguyên Putin!

20 năm cầm quyền của Putin: Trả lại vị thế Nga, nhưng với giá nào? - Ảnh 3.
20 năm cầm quyền của Putin: Trả lại vị thế Nga, nhưng với giá nào? - Ảnh 4.
Tổng thống Putin trải lòng về chuyện Tổng thống Putin trải lòng về chuyện 'người kế thừa'

TTO - Trả lời truyền thông trước thềm Hội nghị G20, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận bản thân luôn trăn trở về chuyện ai sẽ thay thế ông sau khi về hưu.

TƯỜNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên