Cô Nhung đang dạy tiếng Anh miễn phí cho học trò - Ảnh: N.Hậu |
Ngày nào cũng vậy, từ chiều đến tối, căn nhà nằm nép mình dưới tán cây cao su của cô Nhung lại vang lên tiếng học ngoại ngữ một cách hào hứng của trẻ. Hàng trăm phụ huynh, học sinh rất biết ơn cô Nhung khi con mình được học miễn phí và đạt kết quả tốt hơn đối với môn “xương xẩu” là tiếng Anh.
Đầu thập niên 1990, khi cô Nhung đang làm bác sĩ thú y của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, tỉnh yêu cầu cán bộ nhân viên phải chuẩn hóa trình độ tiếng Anh nên cô phải tham gia lớp học tiếng Anh để hoàn tất bằng B.
Thời điểm này thấy nhiều em học sinh trong xóm học môn này rất kém nên sẵn đó cô quyết định dạy kèm tiếng Anh miễn phí cho các em trong xóm. Việc này có lợi đôi bên, vừa giúp cải thiện trình độ tiếng Anh của các em vừa giúp cô ôn luyện trình độ tiếng Anh của mình.
Nhiều phụ huynh thấy học sinh say mê và học khá môn tiếng Anh hơn khi đến nhà cô Nhung nên tiếng lành đồn xa. Dần dần phụ huynh đến xin cô Nhung dạy thêm cho con nhiều lên, 10 em rồi 20 em.
Năm 2000, lúc này thấy lớp học chật chội nên cô Nhung bán sáu chỉ vàng dành dụm được để xây dựng nhà sắt lắp ghép làm chỗ học hành rộng rãi cho các em. Và bắt đầu thời gian này, cô Nhung chú trọng hơn đến phương pháp sư phạm để dạy các em.
Lớp học của cô Nhung ngày càng được mở rộng, cho đến thời điểm này có tổng cộng 108 em tham gia học miễn phí tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 10. Điểm chung của các em là mất căn bản môn tiếng Anh mà không có điều kiện để đi học thêm.
Năm 2013, sau khi về hưu, cô Nhung quyết định bán toàn bộ số vàng và tiền dành dụm của mình hơn 200 triệu đồng để xây mới lớp học rộng đến 85m2 và xây dựng cả nhà vệ sinh... phục vụ học trò nghèo. “Đây là khả năng cuối cùng mà tôi có thể lo được để các em có chỗ học khang trang hơn” - cô Nhung nói.
Từ việc cười cợt cách “tự rước khổ” vào thân của cô Nhung, nay nhiều người đã thầm khâm phục những cống hiến thầm lặng của cô khi chứng kiến hàng trăm học sinh đã hoàn thành tốt môn tiếng Anh ở bậc phổ thông và chọn môn này để làm ngành học của tương lai ở bậc đại học.
17 năm là một khoảng thời gian không hề ngắn, vừa sắp xếp công việc vừa phải đứng lớp dạy miễn phí một số đông học trò nghèo. Vậy mà công việc đó đối với cô Nhung thật dễ dàng vì cô xem đó là niềm vui của mình.
“Nhìn ánh mắt lũ trẻ hau háu vào bài học là tôi cảm thấy vui. Thấy bọn trẻ học tốt tiếng Anh, tôi thấy mình được an ủi vì tôi xem chúng như con cháu mình” - cô Nhung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận