02/10/2019 10:24 GMT+7

15 năm mang nhạc cổ điển đến giới trẻ

DƯƠNG KIM THOA thực hiện
DƯƠNG KIM THOA thực hiện

TTO - Hơn 15 năm qua, giảng viên, nghệ sĩ piano Nguyễn Thúy Uyển cặm cụi cùng bạn bè, đồng nghiệp duy trì đều đặn các chương trình "Hòa nhạc cho thính giả trẻ", vừa diễn thuyết về âm nhạc cổ điển, vừa minh họa trực tiếp trên sân khấu ở TP.HCM.

15 năm mang nhạc cổ điển đến giới trẻ - Ảnh 1.

Giảng viên, nghệ sĩ piano Nguyễn Thúy Uyển

Mới nhất, tối 28-9, chương trình được mở rộng về Cần Thơ. Trò chuyện với Tuổi Trẻ, chị Thúy Uyển kể về niềm đam mê và hạnh phúc của chị cùng cộng sự trong hành trình hiếm có người đi.

"Làm chim phải hót"

* Tại sao chị đưa chương trình vươn về quận Cái Răng, Cần Thơ? Nó có ý nghĩa như thế nào với chương trình và chính chị - người đồng sáng lập chương trình hơn 15 năm trước?

- Buổi diễn ngày 28-9 vừa qua tại Cần Thơ không phải là một buổi hòa nhạc chính thức như các chương trình hòa nhạc cho thính giả trẻ trước đây tại Nhạc viện TP.HCM.

Chương trình lần này dù nội dung và hình thức cũng giống các chương trình trước đó, nhưng nó giống một workshop hơn, tôi chủ yếu chia sẻ thông tin về việc học và dạy môn piano, và giải đáp các thắc mắc cho các bạn trẻ tại địa phương.

Được đánh đàn, được biểu diễn, nói chuyện cho các bạn trẻ nghe là tôi vui rồi, nhất là những nơi ngoài TP.HCM như chúng tôi đã làm 15 năm qua.

Nên dù khán giả tới rất ít (tổng cộng 30 ghế mà chỉ có 15 người tới), ban đầu tôi có cảm giác hơi thất vọng, nhưng tới cuối buổi khi tôi đặt câu hỏi: "Bao nhiêu người trong các bạn thực sự muốn tham dự một buổi hòa nhạc giống như vậy một lần nữa?", thấy có 15 cánh tay giơ lên thì tôi lại ngập tràn hi vọng.

* 15 năm rồi mà thấy khán giả chị vẫn "ngập tràn hi vọng" như thuở ban đầu. "Thuở ban đầu" của hành trình này như thế nào?

- Cái thuở ban đầu của chương trình này được diễn ra tại khán phòng của Nhà văn hóa Phú Nhuận. Chúng tôi mượn được chiếc đàn grand piano của một bạn đồng nghiệp.

Bạn đồng môn của tôi là Nguyệt Sa (nguyên trưởng phòng biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM - HBSO) thức tới 3 giờ sáng viết lời giới thiệu cho chương trình. Bạn Thanh Huy (trưởng khoa guitar Nhạc viện TP.HCM) phụ trách phần khán phòng và quảng cáo bán vé.

Tất cả các bạn đó đã cùng bị sự xúi giục của tôi. Tôi luôn cho rằng cái đạo cao nhất trong trời đất là phải sống đúng với bản chất tự nhiên của mình (tôi nhớ hình như điều này Lão Tử nói), nghĩa là làm chim thì phải được hót, làm nghệ sĩ thì phải được biểu diễn.

Chúng tôi học chuyên ngành biểu diễn nhưng ra trường toàn làm giảng viên vì không có chỗ diễn, không có đất diễn được thì mình tự tổ chức. Thế là chương trình đầu tiên ra đời, sau này dời qua Cung văn hóa Lao động, rồi sau nữa mới chen chân được tới khán phòng tốt nhất TP.HCM là Nhạc viện TP.HCM.

Dù gặp muôn vàn khó khăn (sau này chỉ mình tôi ở lại làm hết tất cả các khâu, mấy bạn kia đều bận cả nên chỉ phụ trợ từ xa) nhưng chương trình của tôi đã được yêu thích và chờ đón. Điều đặc biệt là trong các chương trình của chúng tôi, khán giả đông hơn người diễn. Trong khi vào thời đó, nhiều chương trình lớn có rất ít khán giả và thường là thành phần dàn nhạc đông hơn khán giả.

chi thuy uyen 2

Chị Nguyễn Thúy Uyển lấy bằng thạc sĩ ngành sư phạm piano tại Nhạc viện TP.HCM và bằng thạc sĩ biểu diễn âm nhạc tại ĐH Monash, Úc. Hiện chị là giảng viên piano tại Nhạc viện TP.HCM.

Là thành viên sáng lập chương trình "Hòa nhạc cho thính giả trẻ", tổ chức và biểu diễn trong các chương trình giáo dục âm nhạc cho toàn bộ học sinh trường quốc tế Canada, đồng tác giả cuốn sách Nguyễn Vĩnh Bảo, những giai điệu cuộc đời.

Những cảm xúc hồn nhiên rất cần được nuôi dưỡng

* Duy trì các chương trình âm nhạc cổ điển có khán giả đã khó, tìm đến khán giả trẻ lại càng khó hơn bội phần. Vậy những khó khăn nào đã "đồng hành" với chị và chương trình này?

- Khó khăn thì nhiều lắm khi mình phải làm nhiều việc cùng lúc. Tôi vừa giảng dạy, vừa làm thêm vì đồng lương không đủ sống. Tôi phải dạy thêm cho học sinh Hàn Quốc ngoài giờ rất nhiều, tự tổ chức và biểu diễn.

Bản thân việc tập luyện để biểu diễn một tác phẩm âm nhạc cổ điển dài 5, 6 phút đã lấy của mình hàng tháng, hàng năm tập luyện mỗi ngày 3, 4 tiếng mà vẫn chưa hài lòng. Bởi vậy rất nhiều thầy cô sau khi ra làm giảng dạy, việc mưu sinh đã chiếm hết sức lực nên họ không còn thì giờ để tập luyện cho biểu diễn nữa.

Việc tổ chức biểu diễn mới thực sự là những trải nghiệm nhớ đời với một người làm giảng viên và nghệ sĩ biểu diễn như tôi. Nó giống như khi mở một công ty mà vai trò nào mình cũng phải làm, vừa là giám đốc, điều hành, vừa là nhân viên, tạp vụ...

Hồi đó tôi phải tự mời nghệ sĩ biểu diễn, làm chương trình, giới thiệu chương tình, quảng cáo, bán vé... Thật ra tới giờ vẫn vậy, mình cũng tự lo mọi thứ nên những khó khăn ngày ấy trở thành kinh nghiệm, sức mạnh cho con đường sau này thôi.

Và giữa những khó khăn đó, chính những yêu thương, chia sẻ và quan tâm từ khán giả, quan trọng hơn hết là niềm hạnh phúc được biểu diễn, đã làm tôi thêm tin tưởng vào con đường đã chọn.

15 năm mang nhạc cổ điển đến giới trẻ - Ảnh 4.

Giảng viên, nghệ sĩ Thúy Uyển thuyết trình nhạc cổ điển với các bạn trẻ trong chương trình nhỏ tổ chức tại Cần Thơ tối 28-9 - Ảnh: NVCC

* Tôi vẫn nhớ chương trình kỷ niệm tròn 15 năm ra đời chương trình "Hòa nhạc cho thính giả trẻ" tại Nhạc viện TP.HCM tháng 3 năm nay có rất nhiều cảm xúc của cả những người biểu diễn, diễn thuyết lẫn những khán thính giả. Chị có ý định và mơ ước nào cho chương trình này thời gian tới?

- Ước mơ của tôi là ngày nào đó các em học sinh phổ thông sẽ được nhà trường thu xếp đưa tới nhạc viện tham dự chương trình hòa nhạc thiết kế riêng cho các em, dẫn dắt các em vào thế giới kỳ diệu của âm nhạc.

Tôi ước mình có thể thực hiện được dự án giáo dục âm nhạc qua các buổi diễn định kỳ cho các em học sinh, vì đối tượng các chương trình hòa nhạc của tôi hướng tới chính là các em.

Tiếc thay, nhiều phụ huynh không quan tâm, nhà trường lại rất bận với các hoạt động khác, nên dù xem đó là hoạt động ngoại khóa bổ ích thì tới nay vẫn chưa có trường nào thực hiện được.

Nhiều khi buồn quá tôi tự hỏi sao ở đời luôn có chuyện nghịch lý: chúng ta có thể chi nhiều tiền, nhiều thời gian cho những ham muốn không dừng của vật chất, còn với thế giới tinh thần của con em chúng ta, những cảm xúc hồn nhiên rất cần được nuôi dưỡng, vun đắp thì chúng ta lại không quan tâm.

* Theo chị, đâu là những điều quan trọng với bản thân cũng như với những ai muốn gắn bó với lĩnh vực này mà chị tự rút ra, tự ngẫm ngợi sau chừng ấy năm đeo đuổi hòa nhạc cùng giới trẻ?

- Một khi đã thực sự tin tưởng vào điều gì đó tốt đẹp, có ý nghĩa, có giá trị thì chúng ta sẽ có sức mạnh và sự lạc quan rất lâu bền. Chẳng hạn như khi tin vào giá trị giáo dục của âm nhạc cổ điển, vai trò xây dựng nền tảng thẩm mỹ, văn hóa cho giới trẻ của nó, tôi thấy công việc của mình nhẹ nhàng hơn.

ôi vẫn quan niệm nếu tôi không làm thì trong xã hội người khác cũng sẽ làm. Nếu không làm với dàn nhạc lớn thì làm với dàn nhạc nhỏ. Nếu không có khán phòng lớn thì làm với khán phòng nhỏ. Nếu không tới được với tất cả công chúng thì tới với một vài bạn trẻ quan tâm cũng tốt rồi.

Nhắm vào khán giả trẻ

1phu vinh 2(read-only)

Nghệ sĩ kèn oboe Đặng Phú Vinh

Âm nhạc là tâm huyết, là đam mê, cũng là cái nghiệp mà một nghệ sĩ như tôi, như chị Thúy Uyển đã dấn thân vào. Tất cả các chương trình chị trực tiếp biểu diễn hoặc dàn dựng đều xuất phát từ mong mỏi đem âm nhạc tiếp cận giới trẻ, hoàn toàn không phải vì lợi nhuận hay danh vọng.

Chị Thúy Uyển sống với âm nhạc, chị cảm âm nhạc bằng tâm hồn và cảm xúc mãnh liệt, nên chị luôn muốn chia sẻ đến mọi người cách thức và kiến thức để cảm nhận âm nhạc như chị.

Nếu các chương trình có chị tham gia, đóng góp, hoặc dàn dựng thì những chương trình đó thật sự không dành cho ai khác ngoài khán thính giả, đặc biệt là khán thính giả trẻ.

Nghệ sĩ kèn oboe Đặng Phú Vinh - người đồng hành cùng chị Thúy Uyển qua một số chương trình "Hòa nhạc cho thính giả trẻ" nhiều năm qua.

Bỏ qua những chộn rộn

1hoa huong 2(read-only)

Chị Nguyễn Thị Hòa Hương

Đến với chương trình của cô Uyển, tôi ngày càng hiểu rõ hơn về việc âm nhạc cổ điển là gì. Cô đã giúp chúng tôi hiểu hơn việc học piano, phải cảm nhận một cách trọn vẹn là như thế nào, phải bỏ qua những thứ chộn rộn của cuộc sống ngoài kia, không còn nhiều sự vội vã, nháo nhác, nôn nóng, cuống cuồng như trước nữa...

Chị Nguyễn Thị Hòa Hương - giáo viên dạy piano tại StarMusic (Q.2, TP.HCM), người vừa tham gia chương trình ngày 28-9 tại Cần Thơ.

Thêm một cánh cửa mở cho âm nhạc cổ điển Việt Nam Thêm một cánh cửa mở cho âm nhạc cổ điển Việt Nam

TTO - Cuộc thi Âm nhạc quốc tế cho violin và hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 (VIMC) - cuộc thi âm nhạc cổ điển quốc tế thứ hai mà Việt Nam đứng ra tổ chức sau cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội - vừa khép lại vào đêm 11-8.

DƯƠNG KIM THOA thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên