Là thanh niên xung phong cách đây gần nửa thế kỷ, nhưng khi hẹn trò chuyện, bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng (quận 11, TP.HCM) vẫn xúc động: "Mấy bữa nay cô đâu có ngủ được. Cô nhớ hồi đó quá, cứ nôn nao chuyện cũ. Đất nước mình lúc nào cũng cần những người dám dấn thân".
Thời nắng gió bạc màu áo xanh
Ngày đó đất nước mới ra khỏi chiến tranh, cần đôi tay người đi khai hoang, xây dựng những khu định cư kinh tế mới... Tháng 4-1976, đang làm việc ở phường 8, quận Thạnh Mỹ Tây (nay là Bình Thạnh), cô gái 18 tuổi Cẩm Hồng hăng hái giơ tay lên đường.
"Tôi thuộc Liên đội Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), tiền thân của 4C - 4 đại đội thanh niên xung phong đầu tiên của TP.HCM. Đêm đầu tôi không ngủ được, nằm nghe tiếng ễnh ương kêu", bà kể. Đơn vị đóng trên sườn đồi, bà và đồng đội ở trong những lán trại gọi là sam.
Núi rừng hoang vu xen kẽ nhà dân, đêm lạnh gió thổi từng hồi. Họ sưởi ấm bằng cách đốt củi trong những lỗ đào ngoài sân. Dầu thắp phải tiết kiệm, đơn vị dùng đèn chế bằng vỏ chai thuốc đục lỗ rồi lấy vải làm tim đèn. Bà xúc động bộc bạch: "Cơ cực nhưng mà vui. Đáng lẽ ba tháng về, nhưng tôi xin ở lại. Hằng ngày lo nhiệm vụ, cuối tuần chúng tôi đi thăm hỏi người dân. Nhà nào khổ quá thì mình tặng gạo, khoai mì...".
Giờ đây cầm ly trà thơm, bà nhớ tới món "trà quạo", bởi lúc đó trà quý lắm. Người pha bỏ vô cái lon, đổ nước sôi thiệt đặc, pha đi pha lại mười mấy lần. Dù cảnh sống thiếu thốn nhưng bà tâm niệm như vậy không là gì so với những đồng đội đến các vùng xa xôi đào kênh, ngâm người dưới nước phèn.
Ân tình đồng đội kể sao cho hết. Một lần tiểu đội nam đi lao động mé sông Ray, tiểu đội nữ gánh cơm vào. Gần tới, đội của bà nghe tiếng la: "Anh Vấp bị tai nạn rồi!". Bên kia suối, anh Thạch Vấp ôm bắp chân, máu đỏ một mảng cỏ. Cạnh bên, các anh đang làm chiếc cáng đưa đồng đội về bên này.
Mắt bà đỏ hoe: "Nhắc tới muốn khóc. Các anh lấy hai cái áo tròng vô hai cây tre làm cáng. Một số anh nhảy ùm xuống suối kê cây lên vai, rồi anh Thu và anh Phước cầm cáng khiêng anh Vấp, đi nhón từ từ qua suối, máu nhỏ giọt lên vai mấy anh đứng dưới...". Anh Vấp được đưa đi trạm xá, rồi về thành phố chữa.
Ít lâu sau, Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới được thành lập ở nơi bà đóng quân. Đơn vị bung ra làm cán bộ khung. Thoắt cái bốn năm trôi, về lại thành phố, bà làm kế toán xí nghiệp dệt lưới rồi lấy chồng cũng là thanh niên xung phong. Bà cười cho biết cái tánh mình "làm như có chất thanh niên xung phong ở trỏng".
Làm xí nghiệp chừng bảy năm, bà kể công nhân thương lắm bởi bà mạnh dạn nói những nguyện vọng của họ. Nghỉ năm 1991, bà ra bán me ngào bỏ mối và bán cà phê tại nhà.
Giúp đồng đội bằng nhiều cách
Năm 2005, thành phố thành lập hội cựu thanh niên xung phong. "Một bữa chồng tôi đi làm về, gặp một anh trong ban liên lạc của quận 11. Mấy bữa sau ảnh gửi thiếp mời họp mặt. Còn tôi gia nhập năm 2009", bà kể. Hiện bà là chi hội trưởng cựu thanh niên xung phong phường 11.
Gặp đồng đội, bà mừng lắm. Ngồi nghe những mái đầu đã bạc ôn chuyện ngày đó đi trồng lúa, làm rẫy, vá lại vết thương chiến tranh, bà như sống lại những tháng ngày thanh xuân đẹp đẽ. Tình cờ gặp ông Đoàn Ngọc Hùng hay viết cho bản tin thanh niên xung phong thành phố, ông động viên bà cứ viết. Viết tay rồi bà đạp xe qua quận 5 nộp. Bài đầu tiên được đăng là "Nỗi nhớ thanh niên xung phong".
Rồi bà nghĩ như vậy không thể tải hết những câu chuyện đồng đội. Bà ghi thành nhật ký. Cuốn đầu tiên kín trang năm 2009. Mỗi lần đại hội hoặc thăm những người cùng thời, bà mang sổ theo. Thương bà, đồng đội hùn tiền mua tặng chiếc xe đạp điện cách đây chục năm. Chồng sắm cho bà máy tính, con gái chỉ cách gõ chữ lọc cọc.
Biết bà ấp ủ in sách, một giảng viên lớp chụp ảnh giới thiệu bà qua Nhà xuất bản Trẻ. Mừng, bà rủ thêm ông Dương Thế Quang, Phùng Ngọc Quới, Nguyễn Việt Cường tham gia, dệt lại ký ức mình và đồng đội qua những trang viết.
Khi in ra để đọc bản thảo cuốn đầu "Giấc ngủ mình, có đồng đội ầu... ơ", vừa đọc bà vừa khóc. Cần 30 triệu đồng xuất bản, họ bàn nhau mỗi người góp một ít nhưng chưa đủ. May mắn một đồng đội là ông Lý Minh Đức cho mượn toàn bộ kinh phí. Năm 2016, cuốn sách ra đời.
"Trời ơi, chị viết tui thấy có tui trong trỏng. Làm cuốn thứ hai đi chị" - nhiều đồng đội gọi cho bà. Rồi 20 tác giả gửi bài về. Cuốn thứ hai ra đời. Đang ấp ủ cuốn thứ ba, ông Cường và ông Quới bệnh nặng. Bà ngỏ ý với nhà báo - nhà văn Bùi Nguyễn Trường Kiên về sách mới. Biết mục đích, ông Kiên nhận lời, cùng vài người khác, cuối cùng cuốn "Một thời chân đất" đã in.
Điều đặc biệt là tiền nhuận bút khiêm tốn từ sách, nhóm thực hiện dành giúp đỡ đồng đội khó khăn. Cuốn thứ hai lời 4 triệu đồng, bà thay mặt nhóm, tặng một nữ đồng đội nấu cháo từ thiện và một nhóm thiện nguyện. Đợt rồi, nhóm trích 4,5 triệu đồng giúp một người bị tai biến.
Tổ móc len vui sống
Hay đi, bà thấy có nhiều chị em ngày hội họp thường ngồi móc len. "Tôi suy nghĩ sao mình không lập một tổ. Thí dụ ai muốn mua áo len, giỏ len... thì đặt hàng nhóm. Vậy là tổ ra đời năm ngoái, hiện có 15 thành viên", bà hào hứng kể. Những kỳ đại hội cựu thanh niên xung phong các quận huyện, tổ sẽ thông báo có gian hàng len, chị em nhớ đem đến bán.
Lúc đầu sản phẩm làm ngẫu hứng. Sau này, bà quen cô chủ Minh Thảo của một cửa hàng dụng cụ đan len. Thảo nhận ký gửi không mất phí, kiểm hàng và gắn mác kèm số điện thoại của tổ móc len. Sản phẩm bán được sẽ trích 10% vào quỹ của tổ.
Như ngọn gió lành, nhiều người biết hoạt động ý nghĩa đã ngỏ ý đóng góp chút đỉnh. Bà kể có bà Thanh Hương đau bệnh nhưng vẫn đan len, tặng quỹ 1,6 triệu đồng. Vừa rồi thăm một đồng đội nam, cảnh khổ nhưng ông đưa bà 50.000 đồng. Bà từ chối thì ông nói: "Chị cứ cầm đi, này tôi tặng cho quỹ...".
Khi rảnh rỗi, bà lên mạng tìm hiểu kiểu dáng mới và livestream bán đồ len. Nguồn thu dù ít ỏi nhưng mang lại cho tổ niềm vui, lại để dành được chút tiền giúp người. Ai chưa biết, bà hướng dẫn. Hoạt động tích cực, cộng thêm tập thể dục giúp bà yêu đời, xua đi chứng viêm khớp.
"Mình cứ tiếp tục, làm được gì cho đồng đội thì làm", bà nói về những ngày sắp tới. Rồi bà bỏ sổ tay, bút viết vào chiếc túi len màu cam, sửa soạn tới thăm một đồng đội như đã hẹn.
Tìm lại đơn vị cũ nhờ bà Hồng
Vào hội móc len, bà Hồ Thị Thu Hồng (63 tuổi, ngụ quận Tân Phú) mắt hơi kém nên chỉ ủng hộ vòng ngoài khi có mở gian hàng len.
Ngày về TP.HCM, bà mất liên lạc với đồng đội cũ. "Chị Cẩm Hồng có những mối giao lưu nên qua những lời giới thiệu, tôi tìm lại được đơn vị. Tham gia hoạt động trong nhóm móc len tôi thấy vui, sống mỗi ngày có ích cho bản thân và mọi người", bà trải lòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận