23/11/2020 11:44 GMT+7

15-25% người đột quỵ sống ‘thực vật’, phụ thuộc hoàn toàn vào người khác

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Dù tỉ lệ tử vong do đột quỵ não ngày càng giảm, tuy nhiên số lượng bệnh nhân tàn tật lại có xu hướng tăng mạnh, để lại các di chứng nặng nề.

15-25% người đột quỵ sống ‘thực vật’, phụ thuộc hoàn toàn vào người khác - Ảnh 1.

Điều trị, chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: T.T

Đó là nội dung được đề cập tại khóa tập huấn phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ do Tổng hội y học Việt Nam phối hợp với Tổ chức đột quỵ thế giới, Hội phục hồi chức năng Việt Nam và Ever Pharma tổ chức ngày 23-11 tại TP.HCM.

Theo Tổ chức đột quỵ thế giới (WSO), trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạch máu-thần kinh mà điển hình là những cơn đột quỵ đang là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trên thế giới và là nguyên nhân gây tàn tật ở người trưởng thành. 

Hiện có khoảng 17 triệu người đột quỵ mỗi năm, với khoảng 6 triệu người tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng nặng nề.

Theo ông Lương Tuấn Khanh - giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai), đột quỵ não đã và đang gây ra nhiều hệ lụy như yếu hoặc liệt tay chân; nửa hoặc toàn thân; mặt và rối loạn lời nói, tri thức, tư duy, cảm xúc… 

Đặc biệt đột quỵ não còn để lại các biến chứng rất nguy hiểm như rối loạn nuốt gây nguy cơ sặc; viêm phổi, nhiễm trùng, loét da, viêm tắc mạch máu; đại tiểu tiện không tự chủ và suy dinh dưỡng…

Từ một người bình thường khi trải qua cơn đột quỵ não họ trở thành tàn phế, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân; là gánh nặng cho chính bản thân, gia đình và xã hội. 

"Theo thống kê, chỉ 25-30% người sau đột quỵ có thể tự đi lại phục vụ chính mình, 20-25% đi lại khó khăn cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hằng ngày và 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác", bác sĩ Khanh đánh giá.

Vấn đề phục hồi chức năng sau đột quỵ đang là mục tiêu vô cùng quan trọng. Qua đó, nếu làm tốt góp phần giảm thiếu các khiếm khuyết, biến chứng tái phát để người bệnh nâng cao khả năng sống độc lập, nâng cao chất lượng sống và hòa nhập cộng đồng.

"Tất nhiên phòng ngừa đừng để đột quỵ tiên phát là điều quan trọng. Nhưng một khi đã bị đột quỵ thì ngoài việc điều trị tái thiếu máu cứu sống người bệnh, cần có các giải pháp phòng ngừa đột quỵ thứ phát và sau đó là cả quá trình phục hồi chức năng giúp người bệnh hòa nhập cuộc sống một cách tốt nhất", ông Trương Quang Bình - phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM nói.

Gần 4.500 bác sĩ, kỹ thuật viên từ 650 bệnh viện được đào tạo

"Phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ" là chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Áo được Bộ Y tế phê duyệt, với sự tham gia đào tạo của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đột quỵ, thần kinh và phục hồi chức năng.

Mục tiêu thông qua các khóa đào tạo để nâng cao năng lực phục hồi chức năng sau đột quỵ cho bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng và người chăm sóc bệnh nhân.

Trong 3 năm qua (2017-2020), đã có 63 lớp dành cho cán bộ y tế đến từ 650 bệnh viện thuộc 59 tỉnh thành cả nước. Có gần 4.500 bác sĩ, kỹ thuật viên hoàn thành khóa học và được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục của Tổng hội y học Việt Nam phối hợp với Tổ chức đột quỵ thế giới, Hội phục hồi chức năng Việt Nam.

Ngoài ra, có 4.000 người nhà bệnh nhân được huấn luyện cách phục hồi chức năng cho người bệnh, phòng tránh đột quỵ tái phát. Dự kiến đến năm 2022, chương trình sẽ mở rộng mạng lưới đào tạo phục hồi chức năng sau đột quỵ ở tất cả các bệnh viện và người nhà của bệnh nhân cả nước.

Bệnh viện Thống Nhất đạt tiêu chuẩn vàng của Hội đột quỵ thế giới Bệnh viện Thống Nhất đạt tiêu chuẩn vàng của Hội đột quỵ thế giới

TTO - Ngày 23-9, Bệnh viện Thống Nhất (Bộ Y tế) chính thức đón nhận chứng nhận tiêu chuẩn vàng của Hội đột quỵ thế giới (WSO). Đây là bệnh viện thứ 4 ở khu vực phía Nam đạt chứng nhận này.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên