02/07/2020 10:05 GMT+7

140 loại vắcxin chạy nước rút trên 'đường đua' chặn COVID-19

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Cho đến nay, theo Tổ chức Y tế thế giới, có hơn 140 loại vắcxin đang được các tổ chức và các nước trên thế giới phát triển để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.

140 loại vắcxin chạy nước rút trên đường đua chặn COVID-19 - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm phòng thí nghiệm phát triển vắcxin của nhà máy Sanofi Pasteur - Ảnh: REUTERS

Đã có 1 loại vắcxin được cho phép sử dụng giới hạn...

Thúc đẩy với tốc độ siêu nhanh

Tiến độ của các loại vắcxin đang được phát triển như sau: có hơn 125 loại vắcxin đang ở giai đoạn tiền lâm sàng (chưa thử nghiệm trên người). 11 loại đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 (thử nghiệm trên người trưởng thành khỏe mạnh, để dò liều an toàn và hiệu quả). 8 loại đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 (nhằm tiếp tục đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắcxin, lựa chọn liều, lịch dùng thích hợp). 3 vắcxin đang được thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3 (quy mô lớn ở nhiều nơi khác nhau nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vắcxin).

Một loại vắcxin đã được cho phép sử dụng giới hạn. Đây là vắcxin của Trung Quốc do Công ty CanSino Biologics liên kết phát triển được cho phép dùng trong quân đội Trung Quốc từ ngày 25-6.

Mặc dù thông thường cần phải mất nhiều năm nghiên cứu và thực nghiệm mới có thể cấp phép cho một loại vắcxin, nhưng có thể thấy các loại vắcxin được nghiên cứu trong đại dịch COVID-19 hiện nay đã được thúc đẩy với tốc độ chưa từng thấy. Các chuyên gia y tế dự đoán quá trình phát triển vắcxin hiện có thể kéo dài từ 12 tháng đến 18 tháng và năm 2021 có thể sẽ có vắcxin hiệu quả với COVID-19.

Anthony Fauci, giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ, cho biết ông hi vọng vắcxin sẽ có vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Một số chuyên gia khác dự kiến vắcxin sẽ có trong giữa năm 2021.

Theo Hãng tin Reuters, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã công bố hướng dẫn về các điều kiện để cấp phép cho vắcxin phòng virus corona vào ngày 30-6. Theo đó, vắcxin phải có khả năng phòng hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh ít nhất 50% cho người sử dụng vắcxin. 

FDA cũng yêu cầu các nhà phát triển vắcxin lưu ý thông tin hướng dẫn sử dụng cho phụ nữ mang thai và thông tin chứng minh vắcxin an toàn và hiệu quả ở trẻ em.

Mỹ không chịu kém Trung Quốc

Hiện nay, Trung Quốc là một trong những nước đi đầu trong cuộc đua về tiến độ sản xuất và số lượng loại vắcxin. Loại vắcxin tiến xa nhất, có tên Ad5-nCoV, là nghiên cứu chung giữa Viện công nghệ sinh học Bắc Kinh thuộc Học viện Khoa học quân y Trung Quốc và Công ty vắcxin CanSino Biologics.

Theo phía CanSino, các thử nghiệm lâm sàng trước đó cho thấy vắcxin này an toàn và có tiềm năng ngăn ngừa COVID-19. Trong tháng 5-2020, Chính phủ Canada cũng cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người với vắcxin Ad5-nCoV vì tiềm năng hứa hẹn của nó.

Không đứng ngoài cuộc đua, vào tháng 5, Chính phủ Mỹ đã phát động chiến dịch Warp Speed, bơm hàng tỉ USD để đẩy nhanh việc nghiên cứu và thử nghiệm các loại vắcxin tiềm năng.

Nhiều công ty dược lớn như Moderna, Pfizer và AstraZeneca đã tham gia cuộc đua phát triển vắcxin, đã có nhiều loại vắcxin đang được thử nghiệm ở các giai đoạn khác nhau. Ngoài Trung Quốc, Mỹ, các nước tham gia cuộc chạy đua sản xuất vắcxin trên thế giới còn có Ấn Độ, Nga, Anh, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Úc... Địa bàn thử nghiệm thuốc trên người cũng đa dạng, từ Nam Phi, Brazil, Trung Quốc, Canada, Mỹ, Úc...

Theo báo New York Times, thử nghiệm tính an toàn của vắcxin trên người đầu tiên được thực hiện vào tháng 3-2020 nhưng con đường phía trước với những loại vắcxin trên đường đua này vẫn là ẩn số. Một số thử nghiệm đã thất bại, một số kết thúc mà không có kết quả rõ ràng. Chỉ một số ít có thể thành công.

Thuốc Remdesivir có hiệu quả điều trị

Remdesivir, một loại thuốc sử dụng ban đầu để điều trị Ebola, là loại thuốc đầu tiên được cơ quan cấp phép ở Mỹ phê duyệt để điều trị COVID-19. Thuốc do Công ty Gilead sản xuất, đã được chứng minh là giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn.

Cho đến nay Remdesivir là thuốc điều trị duy nhất, cho thời gian phục hồi nhanh ở những bệnh nhân bị COVID-19 nặng. Một thử nghiệm lâm sàng lớn, được Viện Y tế quốc gia tài trợ, cho thấy loại thuốc này rút ngắn thời gian phục hồi trong 4 ngày.

Từ ngày 1-7, Remdesivir được Hàn Quốc cho phép chính thức sử dụng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Theo một thỏa thuận đặc biệt ưu tiên cho bệnh nhân Mỹ, chính quyền Mỹ đã mua hơn 500.000 liều Remdesivir, tương đương toàn bộ sản lượng mà Công ty Gilead có thể sản xuất trong tháng 7 và 90% lượng thuốc sản xuất trong tháng 8 và tháng 9 tới.

Hướng nghiên cứu của các nhóm vắcxin:

- Nhắm vào gen của chính virus corona dựa trên một hoặc nhiều kiểu gen của

virus để kích thích phản ứng miễn dịch.

- Dựa vào một trung gian virus khác là sử dụng một loại virus để đưa gen của virus corona vào tế bào và kích thích phản ứng miễn dịch.

- Vắcxin sử dụng protein của virus corona hay một đoạn protein của nó để kích thích phản ứng miễn dịch.

- Vắcxin sử dụng chính virus corona chủng mới nhưng là những virus yếu hoặc bất hoạt để kích thích phản ứng miễn dịch.

Mỹ 100.000 ca nhiễm/ngày, nếu...

Tính đến hết ngày 1-7, cả thế giới ghi nhận hơn 10,6 triệu ca bệnh COVID-19 và gần 515.000 ca tử vong. Trong đó, Mỹ vẫn là nước có số ca bệnh và ca tử vong nhiều nhất, lần lượt là hơn 2,7 triệu ca bệnh và hơn 130.000 ca tử vong.

Trong ngày 30-6, Mỹ ghi nhận 44.766 ca bệnh mới và 1.277 ca tử vong, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins.

Tuy nhiên, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Chính phủ Mỹ Anthony Fauci cho biết ông rất "quan ngại" về sự gia tăng ca nhiễm ở một số nơi trên nước Mỹ. Ông Fauci còn cảnh báo số ca nhiễm COVID-19 mới ở Mỹ có thể tăng gấp đôi, lên đến 100.000 ca mỗi ngày nếu đà tăng đột biến hiện nay vượt ngoài tầm kiểm soát.

Theo Đài CNN, có ít nhất 16 tiểu bang ở Mỹ đã tạm dừng kế hoạch tái mở cửa để đối phó với sự gia tăng ca nhiễm. Nhưng một số quan chức y tế cho hay sự lây nhiễm hiện nay của virus corona là rất khó kiểm soát. Các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo việc mở cửa lại quá vội vã sẽ dẫn đến số ca nhiễm tăng mạnh.

* 1-7 là ngày Ấn Độ ghi nhận nhiều ca tử vong nhất do COVID-19 từ trước tới nay, lên tới 507 ca tử vong trong 1 ngày, theo số liệu của Bộ Y tế.

Tổng số ca tử vong của quốc gia Nam Á đã lên tới hơn 17.400 ca và số ca bệnh là hơn 586.000 sau khi ghi nhận thêm hơn 18.600 ca nhiễm mới.

MINH KHÔI

Việt Nam sắp thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 trên người Việt Nam sắp thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 trên người

TTO - Có 4 trên 8 lô chuột được tiêm thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 do Công ty VABIOTEC sản xuất được Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đánh giá có đáp ứng kháng thể, tức là có hiệu quả ngừa COVID-19.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên