Bạn cần quan sát kỹ để biết sếp có ưa mình không - Ảnh: Strelka/ Flickr
Được lòng sếp là một yếu tố không nhỏ để bạn thành công trong công việc. Trong khi đó, người quản lý ở vị thế nắm quyền kiểm soát hoặc ảnh hưởng tới vấn đề thăng, giáng chức, hay thậm chí là sa thải bạn.
Nhưng làm cách nào để biết sếp có ấn tượng tốt với mình? Hãy chú ý kỹ các dấu hiệu dưới đây, dù sếp thường biểu lộ thái độ trung lập nhằm giữ tính khách quan trong công việc.
1. "Thương cho roi cho vọt"
Suzanne Bates, CEO của hãng Bates Communications, đồng thời là tác giả của cuốn All the Leader You Can Be, cho rằng rất khó để phát hiện sếp thích bạn hay không.
"Một người sếp cho rằng bạn là (nhân viên) có tiềm năng sẽ đưa ra nhiều nhận xét cho bạn, không phải tất cả đều là nhận xét tích cực - một số có thể là kiểu ‘thương cho roi cho vọt’, bởi họ đánh giá bạn là một người có thể tiếp nhận và sẵn sàng đảm đương nhiều trách nhiệm hơn", Bates phân tích.
2. Sếp thử thách bạn
Nếu đôi lúc bạn cảm thấy công việc quá tải, đó không hẳn là chuyện xấu.
Suzanne Bates đã nắm giữ cương vị giám đốc điều hành suốt 17 năm, và làm việc chung với rất nhiều lãnh đạo cấp cao khác. Theo bà, sếp có thể giao cho nhân viên công việc nhiều hơn mức họ có thể xử lý. Nhưng không phải sếp đang trừng phạt, mà bởi sếp muốn kiểm tra khả năng của họ bằng những "bài tập" khó.
Sếp giao nhiều việc cũng là dấu hiệu cho thấy bạn được tin tưởng - Ảnh: Strelka/Flickr
3. Sếp chia sẻ việc quan trọng với bạn
Hãy hỏi sếp về những nhiệm vụ công tác ưu tiên hàng đầu. Sau đó, bạn nên giơ tay tình nguyện hỗ trợ cho các nhiệm vụ mang tính thử thách. Bạn nên tạo cơ hội để sếp quan sát bạn trong thực tế, đặc biệt là thông qua những dự án quan trọng đối với sếp.
4. Sếp tôn trọng bạn
Một lời khuyên khác mà CEO Bates dành cho bạn, là chấm dứt dòng suy nghĩ âu lo kiểu "sếp có thích mình không". Điều trọng yếu nhất là sếp có tôn trọng bạn hay không, có kéo bạn vào các cuộc thảo luận quan trọng hay không.
"Được yêu thích không quan trọng bằng trở thành một nhân viên có đóng góp cho công ty, là một cộng sự hợp ý, và hỗ trợ cả nhóm cũng như công ty phát triển", Bates cho biết.
5. Sếp hỏi ý kiến của bạn
Theo Bruce Tulgan, nhà sáng lập của RainmakerThinking kiêm tác giả cuốn It’s Okay to Manage Your Boss, cấp trên có xu hướng bàn bạc công việc với những nhân viên họ thích và tin tưởng.
"Nếu sếp thường hỏi ý kiến của bạn khi có hai người hoặc trong cuộc họp nhóm, cho bạn nhiều thời gian để phát biểu, và phản hồi tích cực với điều bạn nói - đó là những dấu hiệu tốt", ông cho biết.
6. Sếp tiết kiệm lời khen
Bạn có thể nghĩ, quản lý sẽ thường xuyên khen ngợi những nhân viên họ đánh giá cao. Tuy nhiên, Bates không cho đó là dấu hiệu tuyệt đối.
"Sếp có thể nghĩ bạn đã biết rõ mình được vị trí vững chắc của mình, hoặc sếp không muốn biểu lộ rõ thái độ đối với bạn, hoặc đơn giản là họ quên khen vì bạn làm nhiều việc rất tốt", cô phân tích.
Bates khuyến nghị bạn nên chủ động hỏi ý kiến của sếp, và nói rõ bạn muốn được lắng nghe những đánh giá thật lòng.
Tulgan cũng có cùng quan điểm. Ông cho rằng nhân viên nên yêu cầu để nhận được phản hồi cụ thể, ghi chú lại để tự đánh giá bản thân và không cần phải dò đoán lập trường của sếp.
7. Sếp tìm đến bạn đầu tiên
Theo Tulgan, một dấu hiệu hứa hẹn khác là quản lý thường nghĩ đến bạn đầu tiên. Khi có việc cần làm, họ sẽ giao cho bạn trước, dù đó là nhiệm vụ bình thường hay đặc biệt.
8. Sếp giao thêm trách nhiệm cho bạn
Quản lý thường giao việc cho những nhân viên giỏi nhất. Bạn có thể không nhận được bằng khen, nhưng bạn sẽ đảm đương các dự án trọng yếu, và thậm chí được quản lý những đồng nghiệp khác.
9. Sếp chuyển giao trách nhiệm cho bạn
Khi nhân viên khác gặp rắc rối, quản lý sẽ gửi họ tới cho bạn. "Nếu sếp bảo người khác đến gặp bạn để xin hướng dẫn, hoặc ý kiến, hoặc học hỏi tấm gương sáng, đây chính là dấu hiệu tốt", Tulgan nêu ví dụ.
Bạn được giao công việc đào tạo cũng là dấu hiệu cho thấy bạn có được sự tin tưởng của cấp trên - Ảnh: Strelka/Flickr
10. Sếp trao cho bạn những nhiệm vụ quan trọng
Theo Tulgan, một dấu hiệu lớn của sự tin tưởng là sếp yêu cầu bạn làm việc với những khách hàng quan trọng.
11. Sếp tìm hiểu về bạn
Quản lý thường chịu khó tìm hiểu cặn kẽ về những nhân viên ưa thích. Họ sẽ hỏi bạn hài lòng hay không, bạn có ý định chuyển công ty hay không, và làm thế nào để công ty giữ được bạn.
Làm vậy không có nghĩa là hỏi cung bạn. Sếp chỉ đang chủ động tìm hiểu những bước cần thiết để tiếp tục có được nhân viên tốt là bạn.
12. Sếp yêu cầu bạn dạy người khác
Nếu quản lý liên tục đề nghị bạn hướng dẫn người mới, hoặc giải thích công tác cho đồng nghiệp, bạn có thể cảm thấy mình đang bị giao thêm việc.
Tất nhiên, điều đó cũng đúng trong một số trường hợp.
Nhưng cũng có thể sếp muốn người khác học hỏi điểm tốt ở bạn. Thay vì coi những yêu cầu này là thêm gánh nặng, bạn nên xem là cơ hội để rèn dũa năng lực lãnh đạo, và bộc lộ bản lĩnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận