27/05/2020 10:41 GMT+7

100.000 người Mỹ chết vì corona, con số đau xót này còn kéo dài bao lâu?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Đến cuối ngày hôm qua 26-5, số người chết vì COVID-19 ở Mỹ đã vượt cột mốc 100.000 người, tương đương dân số của một thành phố hạng trung ở xứ cờ hoa. Nhiều người Mỹ tự hỏi phải đến khi nào cơn ác mộng này mới thực sự chấm dứt?

100.000 người Mỹ chết vì corona, con số đau xót này còn kéo dài bao lâu? - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Ashiee Montague mang mặt nạ bảo hộ múa ballet giữa quảng trường Thời Đại trống rỗng ở tâm dịch New York (Mỹ) đang bị phong tỏa vì virus corona - Ảnh: Reuters

New York Times, một tờ báo có sức ảnh hưởng ở Mỹ, cuối tuần trước dành trọn vẹn trang nhất và 3 trang bên trong cho 1.000 cái tên của người đã nằm xuống trong ngày vì virus corona và đưa tít lớn gần 100.000 người đã chết. "Họ không chỉ là những cái tên trong một danh sách. Họ là chúng ta".

Lễ Chiến sĩ trận vong năm nay (25-5) trở nên đặc biệt với nhiều người Mỹ. Khi người dân tưởng niệm những chiến sĩ đã ngã xuống, họ cũng nhớ về những người đã chết trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.

Golf và virus

Khi đoàn xe của Tổng thống Donald Trump trờ tới sân golf ở Virginia trong ngày chủ nhật u ám và lạnh lẽo 24-5, một nhóm nhỏ người đã đợi sẵn ở lối vào. "Tôi quan tâm đến điều này, còn ông thì sao? 100.000 người chết" - những người ở đó gọi hỏi.

"Đó là một con số mà Tổng thống Trump đã dự báo sẽ không bao giờ đạt được. Vào cuối tháng 2, khi số ca nhiễm chỉ mới 15 người, ông Trump đã tuyên bố rằng con số sẽ bằng 0 sau vài ngày. Trong biên niên sử của các tổng thống Mỹ, sẽ thật khó để quên một dự đoán sai lầm thảm khốc như vậy" - New York Times, vốn không ưa ông Trump, viết.

Tổng thống Trump đã ra lệnh treo cờ rủ trong suốt 3 ngày tại Nhà Trắng và các tòa nhà liên bang để tưởng nhớ những người đã chết trong cuộc chiến với virus tử thần. Nhà Trắng cũng thay mặt ông gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân của COVID-19. Nhưng điều đó dường như chưa đủ để xoa dịu những chỉ trích việc ông đã dành cả cuối tuần để chơi golf. 

"Ra ngoài và vận động chút ít nhưng đám truyền thông tin giả cứ làm như thể đó là một tội ác kinh khủng" - ông Trump giải thích trên Twitter.

Chơi golf có thể là cách các tổng thống Mỹ giải tỏa căng thẳng, nhưng trong những giờ phút nhạy cảm của đất nước, nó trở thành một vấn đề khó thông cảm, New York Times đặt vấn đề. New York Times ghi nhận những gì ông Trump đã làm nhưng cho rằng giá như có một cuộc gặp hay một lời nói của tổng thống thể hiện sự chia buồn với những gia đình đã mất người thân vì COVID-19, những ác cảm có thể đã giảm bớt.

100.000 người Mỹ chết vì corona, con số đau xót này còn kéo dài bao lâu? - Ảnh 2.

Do lệnh giãn cách xã hội để phòng chống virus corona, cô bé Lydia Hassebroek chào bạn qua khung cửa kính ở Brooklyn, New York hôm 17-5 - Ảnh: Reuters

Trước ngã ba "tử thần"

Nước Mỹ đang đứng ở ngã ba đường, nơi họ sẽ phải lựa chọn chết vì kinh tế hay chết vì virus. Nói như ông Trump, chết nào cũng là chết nhưng dường như ông không chọn chết vì kinh tế. Trump chưa bao giờ thừa nhận ông đã sai trong cuộc chiến COVID-19 và cho rằng đây là lúc phải ngẩng đầu lên nhìn về phía trước, không phải là lúc gục ngã và khóc than quá nhiều.

Mở cửa nền kinh tế, như nhiều chuyên gia đã nhận định, là chìa khóa cho cánh cửa tái tranh cử của Tổng thống Trump nên không ngạc nhiên khi ông liên tục đòi đưa mọi thứ trở lại bình thường sớm. 

Tuy nhiên, ông Trump không phải là người quyết định đóng hay mở, ông chỉ vận động ủng hộ mở cửa. Trên thực tế, chính các tiểu bang đã áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa hoạt động kinh tế và cũng chính họ là những người quyết định mở cửa lại bởi đó là quyền hiến định của các bang.

Theo kết quả khảo sát được công bố trên trang FiveThirtyEight, người Mỹ cảm thấy lo lắng cho hầu bao của họ hơn sức khỏe. Hơn 87% người Mỹ cảm thấy lo lắng hoặc cực kỳ lo lắng về ảnh hưởng của virus corona đến nền kinh tế Mỹ, nhiều hơn con số 68% những người lo sợ hoặc cực kỳ lo sợ bị nhiễm bệnh.

Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã mở cửa trở lại hoặc "mở hé" một số khu vực theo mệnh lệnh của thống đốc, một quyết định mà theo New York Times, "đã cho thấy những áp lực chính trị và xã hội đè nặng lên vai các thống đốc".

100.000 người Mỹ chết vì corona, con số đau xót này còn kéo dài bao lâu? - Ảnh 3.

Nữ y tá tại một trạm xét nghiệm ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ - Ảnh: Reuters

Bao giờ con số tử vong mới chấm dứt?

Tổng thống Trump và các quan chức của ông dường như đang cố gắng buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho những mất mát của nước Mỹ trong COVID-19. Nhưng điều đó đã đóng sầm cánh cửa nguyên liệu từ Trung Quốc và để giải quyết, chính quyền Trump đang thúc đẩy thiết lập một chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh nhiều nước cũng dần nhận ra cái giá khi phải phụ thuộc quá nhiều vào các nhà máy Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, những nhà dịch tễ học vẫn kiên trì cảnh báo về hậu quả của việc nới lỏng các biện pháp chống dịch. Đại học Hoàng gia London cho rằng nếu tất cả các bang của Mỹ cùng mở cửa hoàn toàn, số người chết vì COVID-19 sẽ tăng gấp đôi, lên con số 200.000 người trong tháng 8 tới. Mô hình của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe thuộc Đại học Washington (Mỹ) dự đoán số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ sẽ tăng lên 147.040 vào ngày 4-8 tới.

Nước Mỹ và thế giới có thể chặn đứng con virus tàn ác này hay không? Có thể, nhưng chỉ khi vắcxin được chế tạo thành công, sớm nhất vào đầu năm sau.

100.000 người Mỹ chết vì corona, con số đau xót này còn kéo dài bao lâu? - Ảnh 4.

Dữ liệu: Duy Linh - Bình An - Đồ họa: T.ĐẠT

Nhiều người gốc Việt qua đời vì corona

Mỹ đã ghi nhận những trường hợp người gốc Việt đầu tiên tử vong do COVID-19 từ hồi tháng 3. Một phụ nữ người Mỹ gốc Việt, 74 tuổi, tử vong ngày 16-3 tại Seattle, bang Washington. Một người đàn ông gốc Việt lớn tuổi bị khiếm thị ở bang Washington, nhập viện ngày 12-3 và qua đời chưa đầy 24 giờ sau đó.

Mới nhất, tháng 5 năm nay, ba thành viên trong một gia đình gốc Việt qua đời do COVID-19 sau khi được điều trị tại Bệnh viện St. Vincent, thành phố Worcester, bang Massachusetts, theo Telegram.

BÌNH AN

100.000 người Mỹ chết vì corona, con số đau xót này còn kéo dài bao lâu? - Ảnh 6.

Dữ liệu: Duy Linh - Bình An - Đồ họa: T.ĐẠT

"Côvi xanh, côvi đỏ"

Một thống kê của báo New York Times cho thấy các quận theo phe Dân chủ có số người nhiễm bệnh và chết nhiều hơn các địa phương ủng hộ Cộng hòa. Cụ thể, tại những quận "xanh" đã bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton năm 2016 thì cứ 100.000 người có 39 người chết vì COVID-19. Tỉ lệ này tại các quận "đỏ" là 13 người trên 100.000 người.

Dịch bệnh được ghi nhận đầu tiên tại bang Washington, một bang xanh ủng hộ Dân chủ. New York, vùng dịch lớn nhất nước Mỹ, cũng nằm trong số các bang xanh.

Điều này càng khiến những căng thẳng giữa hai phe tăng cao khi truyền thông cánh hữu cáo buộc phe Dân chủ đã cố tình để "lây nhiễm thả cửa" trong âm mưu lật đổ tổng thống Trump. Nhưng theo New York Times, virus không chọn xanh hay đỏ mà đơn giản là do các đô thị Mỹ - những nơi có mật độ đông đúc và có nhiều người nhiễm - thường nghiêng về phe Dân chủ nhiều hơn.

Số người thiệt mạng do COVID-19 ở Mỹ sát mốc 100.000 Số người thiệt mạng do COVID-19 ở Mỹ sát mốc 100.000

TTO - Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 7h sáng 25-5, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên thế giới là 5.490.720 ca, trong đó có 346.319 người thiệt mạng.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên