20/04/2021 19:04 GMT+7

1 cơn dông, 16 trụ điện đổ gục, Tổng công ty Điện lực TP.HCM khẳng định trồng đúng kỹ thuật

LÊ PHAN - CHÂU TUẤN
LÊ PHAN - CHÂU TUẤN

TTO - Liên quan vụ 16 trụ điện bị ngã tại huyện Củ Chi trong cơn dông chiều 19-4, Tổng công ty Điện lực TP.HCM khẳng định các trụ đều được trồng đúng kỹ thuật, thiết kế, mỗi khu vực địa hình đều được tính toán kỹ trước khi chôn trụ.

Khắc phục sự cố ngã trụ điện do dông lốc tại huyện Củ Chi - Video: CHÂU TUẤN

Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Luân Quốc Hưng - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết đã cử nhân viên đến khu vực trụ điện bị ngã tại huyện Củ Chi để khảo sát tình hình, và có hướng xử lý tiếp theo cho hệ thống trụ điện những khu vực thuộc vùng ngoại ô thành phố.

Theo ông Hưng, về quy chuẩn trồng trụ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành thiết kế mẫu, tuy nhiên từng dự án cụ thể sẽ có thiết kế riêng. "Không chỉ sau vụ việc này, mà mỗi năm công ty đều có rà soát, chỗ nào yếu sẽ cho xử lý", ông Hưng nói.

1 cơn dông, 16 trụ điện đổ gục, Tổng công ty Điện lực TP.HCM khẳng định trồng đúng kỹ thuật - Ảnh 2.

Đổ bê tông gia cố lại phần chân trụ - Ảnh: CHÂU TUẤN

Riêng về trụ điện bị gãy trong 16 trụ, ông Hưng cho biết nguyên nhân sự việc là do dông gió giật rất mạnh đã tác động làm ngã đổ 5 trụ nằm bên bờ ruộng. Khi ngã đổ, các trụ điện này kéo giằng dây cáp điện và cáp thông tin treo trên trụ, làm 9 trụ khác xung quanh nghiêng, ngã theo và 1 trụ bị gãy (nguyên nhân trụ gãy là do nằm trên nền đất cứng và chịu lực kéo ngang lớn).

Còn ông Nguyễn Đăng Khoa - phó giám đốc phụ trách Công ty Điện lực Củ Chi - cho biết trụ có chiều cao 12m tại khu vực xảy ra sự cố sẽ được trồng sâu 1,8m, sau đó khóa neo để chống lún, cuối cùng sẽ đổ bê tông móng. 

"Chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả vị trí trồng trụ gần sông, ruộng, kênh rạch để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão sắp tới. Nhiều vị trí trồng trụ gần khu vực có nước, thời gian mưa gió có thể đất xung quanh bị nhão", ông Khoa nói.

Theo ghi nhận vào chiều 20-4, các trụ điện đã được thay thế trồng mới, phần chân trụ sau đó được đổ một lớp bê tông móng để gia cố. Hàng chục trụ điện khác quanh khu vực bị ảnh hưởng cũng được gia cố bằng cách đóng chèn các trụ bê tông sát gốc trụ hiện hữu.

Còn chạy dọc theo tỉnh lộ 2 (xã Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng) và một đoạn đường Nguyễn Thị Rành (xã Tân An Hội) hàng trăm trụ điện được trồng ven đường, phía trong là ruộng lúa có lớp đất mềm. Các trụ này cũng khiến người dân lo lắng khi TP.HCM đang trong giai đoạn chuyển mùa mưa, thời điểm thường xảy ra dông lốc, gió giật.

Phải xem lại quá trình gia công móng trụ điện trên nền đất yếu

Ông Hoàng Đôn Dũng, chuyên gia trong lĩnh vực kiểm định xây dựng, cho biết trụ điện có hai phần là phần trụ và phần móng. Phần trụ được làm theo quy chuẩn của quốc gia. Còn phần móng phải tùy mỗi vùng đất, vị trí xây dựng để thi công cho phù hợp, không thể áp dụng một quy chuẩn chung để làm phần móng này. Nhất là những vùng đất ven sông, rạch, ruộng thì việc trồng trụ điện và gia cố phải kỹ càng hơn nữa.

"Cơn dông lốc vừa qua không phải là cơn dông lịch sử mấy chục năm hay 100 năm mới gặp một lần. Ngoài ra, trong thiết kế trụ điện đã tính toán tới việc đứt dây điện làm trụ điện gánh một lực bị lệch, khi đó trụ điện vẫn chịu được. Do đó cơn dông lốc vừa qua làm đổ trụ, gãy trụ thì có thể quá trình gia công móng trụ chưa đảm bảo", ông Dũng nhận định.

16 trụ điện ngã trong mưa gây mất điện diện rộng ở Củ Chi 16 trụ điện ngã trong mưa gây mất điện diện rộng ở Củ Chi

TTO - Trong cơn mưa chiều 19-4, hơn chục trụ điện trung thế trên tỉnh lộ 2, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM đã bị bật gốc, đổ khiến hệ thống truyền tải điện bị hư hỏng, gây mất điện diện rộng.

LÊ PHAN - CHÂU TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên